• Các doanh nghiệp địa ốc đang đổ xô đi đấu giá đất tại Đồng Nai. Hàng loạt khu đất vàng tại địa phương này đang được đưa ra chào sàn với giá cao ngất ngưởng. Nhưng hậu đấu giá cũng còn không ít xì xào.

     

    Sôi động

     

    Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này vừa lựa chọn xong đơn vị tổ chức đấu giá để tiến hành đấu giá thêm một khu đất vàng tại huyện Trảng Bom.

     

    Đó là thửa đất số 145, tờ bản đồ số 31 huyện Trảng Bom, có diện tích hơn 3.000 m2. Đây là thửa đất có diện tích không lớn, nhưng ở vị trí đắc địa nên giá khởi điểm lên tới gần 59 tỷ đồng (tính ra gần 20 triệu đồng/m2). Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 24/10/2019 với hình thức bỏ phiếu kín. Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước 11,7 tỷ đồng.

     

    Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cũng đang khẩn trương lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá thửa đất số 360, tờ bản đồ số 02, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2019, tỉnh Đồng Nai tiếp tục đấu giá 35 khu đất tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn với diện tích khoảng 115,8 ha. Đáng chú ý là các thửa đất: Khu 50 ha mở rộng nghĩa trang Bình An (xã Bình An, huyện Long Thành); Khu đất 14,49 ha tại xã Thạnh Xuân (huyện Thống Nhất); Khu đất  67.236 m2 mỏ đá Công ty cổ phần Hóa An (TP. Biên Hòa); Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường diện tích 239.600 m2 (huyện Vĩnh Cửu); Khu đất số 195, diện tích 10.678 m2 (TP. Biên Hoà)...

     

    Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, công tác tạo quỹ đất sạch cho hoạt động đấu giá được tỉnh Đồng Nai rất quan tâm. Tính tới cuối tháng 7/2019, quỹ đất đủ điều kiện đấu giá (phù hợp quy hoạch, đã giải phóng mặt bằng) được UBND tỉnh Đồng Nai giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để tổ chức đấu giá lên tới 77 khu, với tổng diện tích 228,3 ha. Ngoài ra, cơ quan này đang thực hiện các thủ tục để tham mưu thu hồi, đấu giá đất 15 khu với tổng diện tích 969,51 ha, do Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý.

     

    Hoạt động đấu giá đất tại tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây tạo sức hút rất lớn với giới doanh nghiệp bất động sản, bởi Đồng Nai không chỉ là địa phương có tốc độ công nghiệp hoá nhanh, kinh tế phát triển năng động, mà còn có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.

     

    Cũng vì lẽ đó, các cuộc đấu giá đất, nhất là các khu đất có vị trí đắc địa tại trung tâm TP. Biên Hoà, hay nằm trong không gian phát triển của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở nên “rát bỏng” bởi các nhà đầu tư nhìn thấy nhiều cơ hội lợi nhuận trong tương lai. Tại các cuộc đấu giá luôn được các doanh nghiệp đẩy giá lên cao ngất ngưởng và thường chỉ “chốt” lại khi mức giá trúng đấu giá cao gấp đôi giá khởi điểm.

     

    Đơn cử, 3 cuộc đấu giá ngàn tỷ vừa diễn ra tại Đồng Nai. Đó là đấu giá khu đất rộng hơn 60 ha tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, đấu giá thành công với giá trúng đấu giá 901 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 584 tỷ đồng. Doanh nghiệp trúng đấu giá khu này là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư Quang Vinh.

     

    Hay cuộc đấu giá khu đất 49,8 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Khu đất này có giá khởi điểm 612 tỷ đồng. Sau cuộc đấu sôi nổi, chốt giá trúng đấu giá hơn 1.268 tỷ đồng, cao gấp đôi giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi.

     

    Đặc biệt, cuộc đấu giá khu đất 92,2 ha xã Long Đức, huyện Long Thành diễn ra vào ngày 23/8, tỉnh Đồng Nai thu về hơn 3.060 tỷ đồng tiền đấu giá, cao gần gấp 2 lần giá khởi điểm. Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An là đơn vị đã trúng đấu giá.

     

    Còn đó băn khoăn

     

    Tại hai cuộc đấu giá đất lớn nhất mà tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện, xét khía cạnh thu ngân sách được đánh giá là thành công, song nhiều ý kiến thể hiện sự nghi ngại năng lực thực sự của các doanh nghiệp trúng đấu giá.

     

     

     

    Thứ nhất là cuộc đấu giá khu đất 49,8 ha (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Ngoài điều kiện chung, còn có quy định cụ thể về người tham gia đấu giá. Theo đó, điều kiện về năng lực tài chính doanh nghiệp tham gia đấu giá phải chứng minh vốn, kỹ thuật để thực hiện dự án. Cụ thể, vốn thuộc sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án (khoảng 396 tỷ đồng). Tuy nhiên, đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi đã vượt qua vòng thẩm định năng lực, tham gia đấu giá và trúng đấu giá trong khi doanh nghiệp này vừa bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương (địa phương mà doanh nghiệp đóng trụ sở) bêu tên vì nợ hơn 50 tỷ đồng tiền thuế.

     

    Thứ hai là cuộc đấu giá khu đất 92,2 ha (xã Long Đức, huyện Long Thành). Hồ sơ đấu giá ngoài quy định điều kiện năng lực tài chính doanh nghiệp tham gia phải có vốn thuộc sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án (khoảng 876,4 tỷ đồng), thì doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có ngành nghề kinh doanh bất động sản và kinh nghiệm làm dự án quy mô tương ứng. Nhưng doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An là doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 23/2/2018. Đối chiếu với các tiêu chí trong hồ sơ đấu giá, việc Công ty Hà An vượt mặt các doanh nghiệp lớn khác để thắng trong cuộc đấu là một điều khó lý giải.

     

    Cần nói thêm rằng, ngay trước thời điểm diễn ra cuộc đấu giá, đã có doanh nghiệp kiến nghị vì cho rằng mình bị loại vào phút chót bằng chiêu “thẩm định năng lực”, dù doanh nghiệp này có năng lực thực thụ. Trước đó, có tổng số 12 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nhưng sau khi thẩm định năng lực thì chỉ còn 6 doanh nghiệp, nhiều tên tuổi đình đám trên thị trường bất động sản bị loại ngay từ vòng “gửi xe”.    

     

    Nếu “lăng kính” thẩm định của cơ quan tổ chức đấu giá đất bỏ lọt doanh nghiệp không đủ điều kiện, không chỉ ảnh hưởng tới tiến trình thu tiền đấu giá của Nhà nước, mà hệ luỵ lớn hơn là dự án không triển khai đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của xã hội.

     

    Được biết, với khu đất 49,8 ha, thời gian nộp tiền trúng đấu giá lần 1 vào ngày 10/10/2019, lần 2 vào ngày 9/12/2019. Còn khu đất 92,2 ha, thời gian nộp tiền trúng đấu giá lần 1 vào ngày 23/10/2019 và lần 2 vào ngày 22/12/2019. Dư luận đang chờ xem các doanh nghiệp trúng đấu giá trên có nộp tiền đúng hạn không.

    Ngọc Tuấn


  • Bất động sản công nghiệp phát triển sẽ tác động tích cực đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê

     

    Thống kê mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy nhiều tập đoàn đã và đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam như: Hanwha, Yokowo, Shuafu, Goertek, Foxcom, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera, Oasis… Các tập đoàn này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, sản xuất phụ tùng.

     

    Nhiều yếu tố hút nhà đầu tư vào KCN

     

    Theo ông John Campbell, tư vấn cấp cao dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, chính những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã tạo cơ hội cho nguồn vốn đầu tư, từ đó tác động tích cực đến ngành bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.

     

    Ông John Campbell cho rằng tỉ lệ lấp đầy KCN ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm, quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng ngược lại cũng thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. "BĐS công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... Các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới" - tư vấn cấp cao của Savills Việt Nam nhận xét.

     

    Trong khi đó, CBRE Việt Nam dẫn chứng số liệu giá đất công nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Theo đó, giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam trung bình hấp dẫn hơn, từ 100-140 USD/m2/chu kỳ thuê, trong khi giá ở Trung Quốc đến 180 USD/m2/chu kỳ.

     

    Công ty JLL Việt Nam cũng thống kê mức giá thuê tại các KCN ở Việt Nam đã có chiều hướng tăng và tỉ lệ lấp đầy đã nhích lên. Theo JLL, giá thuê trung bình quý II/2019 đã tăng 15,8% so quý trước. Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP HCM tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam. Tiếp theo là Đồng Nai 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Long An cũng rất tiềm năng, được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 khu vực đầu tư truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai.

     

    Theo JLL, do các KCN hiện tại đã có tỉ lệ lấp đầy cao, thời gian tới những KCN hiện hữu và KCN mới sắp đưa ra thị trường sẽ đáp ứng dần các nhu cầu mới của nhà đầu tư. Năm thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu kinh tế trọng điểm miền Nam đều có tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt được mức cao với 81% trong quý II/2019. Dẫn đầu vẫn là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

     

    Xét về triển vọng tương lai, sẽ có khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

     

    Phát triển KCN gắn với đô thị

     

    Theo ghi nhận của phóng viên, trong bối cảnh BĐS công nghiệp đang bùng nổ để đón đầu xu hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam thời gian qua, nhiều KCN trên địa bàn TP HCM đã nỗ lực cải thiện, thay đổi để thu hút doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, một số KCN đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng. Như tại KCX Tân Thuận (quận 7), chủ đầu tư đã xây dựng 3 khối nhà xưởng cao tầng cho thuê hay KCX Linh Trung đang xây dựng nhà xưởng cao tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

     

    Một xu hướng khác là các KCN đang tiến hành chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình "khu thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại" nhằm tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn với DN, nhà đầu tư. Đại diện KCX Tân Thuận cho biết các KCN có vị trí gần trung tâm đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng công nghiệp xanh, bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư về công nghệ thúc đẩy sự phát triển kinh tế…

     

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, đánh giá thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi các tập đoàn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá kỳ vọng và ảo tưởng về những lợi ích to lớn mà xu hướng này mang lại. Bởi hiện tại sức cạnh tranh của Việt Nam còn thua Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…

     

    "Đón nhận và ứng xử với xu hướng dịch chuyển này ra sao để tốt nhất cho thị trường là vấn đề. Theo tôi, cần nâng cao chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ để thu hút BĐS công nghiệp. Văn phòng làm việc sẽ sôi động; căn hộ cho thuê, hộ gia đình cũng như các dịch vụ liên quan đến giáo dục, vui chơi, giải trí, mua sắm… cũng sẽ được thúc đẩy từ sự phát triển của BĐS công nghiệp" - ông Lê Hoàng Châu nói.

     

    Cũng liên quan đến phát triển mặt bằng sản xuất trong bối cảnh hiện tại, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, chuyên gia phát triển dự án KCN - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kizuna, cho rằng bên cạnh mô hình KCN truyền thống, vốn rất khó để DN nhỏ và vừa tiếp cận, các công ty BĐS KCN nên nghiên cứu mô hình kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo. Các KCN có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ và cần đồng hành với khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu đầu tư nhà xưởng sản xuất và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất. "Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho DN vừa và nhỏ, thường gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí" - bà Lâm Diệu Tâm Hiếu nhận xét.

     

    SƠN NHUNG - LINH ANH


  • Việt Nam nằm trong Top 2 thị trường bất động sản (sau Mỹ) được nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm và rót vốn.

     

    Savills vừa công bố báo cáo chuyên đề Bất động sản Việt Nam thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc và cho biết làn sóng đầu tư từ xứ sở kim chi đang trong xu hướng tăng và ghi nhận diễn biến tích cực.

     

    Đơn vị này dẫn nguồn dữ liệu từ The Chosun Ilbo, một tờ báo lớn ở Hàn Quốc cho biết, cá nhân và doanh nghiệp Hàn Quốc đã chi tới 440 triệu USD cho các bất động sản ở nước ngoài năm 2018, tăng 47% so với năm trước và 3,8 lần so với 5 năm trước. Mỹ vẫn là điểm đến phổ biến nhất cho đầu tư bất động sản của giới đầu tư Hàn Quốc, nhưng đáng chú ý ở vị trí thứ hai là Việt Nam đang tăng tốc, thu hút 56,1 triệu USD.

     

    Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam được Savills giải thích bởi giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao với sự tham gia của các nhà phát triển uy tín. Thêm vào đó, Luật Nhà ở tại Việt Nam đang được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.

     

     Giá căn hộ mới tại khu trung tâm TP HCM hiện tại trung bình 5.500-6.500 USD mỗi m2, chỉ bằng một phần của mức giá nhà tại Hong Kong. Giá căn hộ tại TP HCM và Hà Nội vẫn đang thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok dù tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều.

     

    Mức thuế bất động sản tương đối thấp ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn người mua cả trong và ngoài nước. Nhu cầu về đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể kể từ năm 2015, khi luật nhà ở mới mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư quốc tế. Với sự thiếu hụt rõ rệt về nguồn cung của bất động sản có vị trí trung tâm, người mua kỳ vọng tiềm năng tăng vốn đáng kể trong dài hạn. Trong khi đó, lợi nhuận cho thuê hơn 5% đang là mức đầu tư hấp dẫn so với những thị trường khác trong khu vực.

     

    Ngoài ra, khi thị trường bất động sản ở Hàn Quốc có dấu hiệu nóng lên, chính phủ nước này đã thực hiện nhiều quy định mới để hạn chế đầu cơ và tăng giá bằng cách áp thuế lên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản đối với chủ sở hữu nhiều căn nhà cũng như các loại thuế liên quan đến tài sản khác. Các nhà đầu tư bất động sản Hàn Quốc vì vậy đã và đang tìm kiếm các thị trường thay thế, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu trong tầm ngắm.

     

    Kể từ năm 2018 làn sóng nhà đầu tư cá nhân đến từ Hàn Quốc mua và thuê mua bất động sản biển tại miền Trung, Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó các dự án có vị trí đắc địa tại TP HCM cũng xuất hiện nhiều khách mua đến từ Hàn Quốc, nằm trong nhóm khách hàng gốc Á đầy tiềm năng. Các dự án thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư này thuộc phân khúc cao cấp hoặc hạng sang.

     

    Hà Thanh


  • Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đại gia và được dự báo sẽ trở thành điểm nóng của  thị trường địa ốc phía Nam trong thời gian tới.

     

    Dòng tiền tìm đến Đồng Nai

     

    Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Đồng Nai đã diễn ra làn sóng ngầm săn quỹ đất của các đại gia địa ốc. Tính đến nay, hầu hết các đại gia địa ốc tên tuổi tại TP.HCM đều đã có mặt tại thị trường Đồng Nai.

     

    Không chỉ săn quỹ đất, sự xuất hiện của các đại gia này đã tạo hiệu ứng thị trường rất tốt. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các dự án bất động sản được quy hoạch bài bản, pháp lý hoàn thiện được công bố ra thị trường gần như đều có kết quả bán hàng khá tốt.

     

    Mới đây, Công ty Asia New Time công bố ra thị trường Dự án Long Thành Central. Dự án có vị trí mặt tiền đường 80 m đi vào Sân bay Quốc Tế Long Thành, nằm trong Khu đô thị vệ tinh Bắc sân bay, cách sân bay chỉ 2 km. Ngay trong buổi công bố, gần như hầu hết sản phẩm nhà phố, biệt thự của dự án đã được khách hàng săn đón.

     

    Tương tự, sau khi mua lại dự án từ một đối tác nước ngoài trong Khu đô thị Long Hưng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Tập đoàn Novaland đã triển khai dự án này thành một khu nhà phố, biệt thự mang tên Aqua Villas. Mới đây,

     

    Novaland đã công bố ra thị trường hơn 300 sản phẩm nhà phố, biệt thự của dự án và hầu hết sản phẩm đều đã được khách hàng giữ chỗ.

     

    Hay trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại một dự án tại TP. Biên Hòa. Dự án có quy mô hơn 3.000 sản phẩm nhà phố đã được công bố ra thị trường và đến nay, hầu hết sản phẩm đều đã được tiêu thụ.

     

    Ngoài những doanh nghiệp kể trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian qua nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng liên tục săn lùng quỹ đất tại Đồng Nai. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long công bố mua lại 70% vốn của công ty thuộc Keppel Corporation Limited (Singapore) với giá trị hơn 2.300 tỷ đồng. Sau thương vụ, Nam Long sẽ triển khai đầu tư 170 ha đất của Dự án Dong Nai Waterfront City tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa.

     

    Theo Nam Long, hiện tại, Dự án Dong Nai Waterfront City đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và được cấp sổ đỏ hơn 170 ha. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai ngay trong giai đoạn 2019 - 2025 với tổng vốn đầu tư lên đến 9.200 tỷ đồng. Sản phẩm đưa ra thị trường gồm hơn 4.000 căn villa và 3.000 căn hộ.

     

    Ngoài Dự án Dong Nai Waterfront City, trước đó, vào tháng 11/2018, Nam Long cũng đã công bố góp vốn thành lập Công ty TNHH một thành viên Paragon Đại Phước với số vốn hơn 1.228 tỷ đồng để phát triển một dự án khác tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

     

    Còn tại Long Thành, nguồn tin của phóng viên Đầu tư Bất động sản cho biết, một đại gia địa ốc hàng đầu tại TP.HCM đã mua lại một khu đất có quy mô hơn 700 ha tại huyện Long Thành. Đây là khu đất khá đắc địa, liền kề với Sân bay Long Thành và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của cả khu vực này khi được triển khai.

     

    Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh giá đất nền ở TP.HCM đã lên cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng do cầu vượt cung, nhiều người có nhu cầu về nhà ở đã dịch chuyển về các địa phương lân cận TP.HCM để mua đất an cư. Do vậy, việc các doanh nghiệp đua nhau săn quỹ đất tại Đồng Nai nhằm đón đầu xu hướng là dễ hiểu.

     

    Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, xét ở nhiều góc độ, Đồng Nai đang có khá nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới, trong đó những khu vực có hạ tầng phát triển tốt như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa sẽ là những khu vực tâm điểm của thị trường sắp tới.

     

    Bệ phóng của hạ tầng

     

    Có thể nói, từ lâu Đồng Nai là một trong những thị trường được quan tâm đặc biệt của giới đầu tư địa ốc phía Nam. Tuy nhiên, kể từ sau khi Quốc hội chính thức thông qua dự án xây dựng Sân bay Long Thành và mới đây, tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành để "Làm sao đến năm 2020 khởi công dự án như mục tiêu đề ra để tạo động lực phát triển cho vùng”, đã khiến thị trường bất động sản Đồng Nai trở thành “đích ngắm” thật sự trong mắt giới đầu tư.

     

    Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, Đồng Nai hiện đang có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là cú huých về phát triển hạ tầng và giá đất còn tương đối “mềm” so với những khu vực khác.

     

    Về hạ tầng, là địa phương liền kề TP.HCM, Đồng Nai là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam Bộ, đang được đánh giá có lợi thế đặc biệt về liên kết vùng. Mới đây, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã họp bàn phương án triển khai cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

     

    Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong chiến lược kết nối hạ tầng liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP.HCM, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế mạnh.

     

    Khi cầu Cát Lái được xây dựng, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

     

    Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Giao thông - Vận tải (Viện Chiến lược phát triển Giao thông - Vận tải), Đồng Nai có một hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện, gồm đường sắt, đường bộ, đường sông.

     

    Ngoài dự án cầu Cát Lái, tính đến nay, các tuyến đường huyết mạch quốc gia đều đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số công trình trọng điểm khác như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu…, làm cho bộ mặt hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thay đổi nhanh chóng.

     

    Hiện một loạt dự án đường cao tốc đang được thực hiện và chuẩn bị đầu tư như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương… Đặc biệt, Sân bay quốc tế Long Thành sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại cho Đồng Nai.

     

    Trong khi hạ tầng đang có sự phát triển mạnh, theo phân tích của gới kinh doanh địa ốc, so sánh sự tương quan về giá giữa các địa phương giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, bất động sản Đồng Nai có mức giá còn khá “mềm”. Theo phân tích của các chuyên gia, qua khảo sát thị trường cho thấy, thời gian qua, thị trường địa ốc phía Nam xuất hiện làn sóng người có nhu cầu về nhà ở đổ xô về các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An để mua đất.

     

    Đây là xu hướng đã được dự báo từ trước trong xu thế giãn dân từ trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, trong các địa phương lân cận TP.HCM, dường như Đồng Nai đang chiếm ưu thế lớn. Trong khi thị trường bất động sản Bình Dương, Long An hiện đang bước vào giai đoạn bão hòa, thì thị trường Đồng Nai lại đang bước vào giai đoạn phát triển mới.

     

    “Điều khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến thị trường Đồng Nai hiện nay là câu chuyện khởi động Sân bay quốc tế Long Thành. Khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, nhiều khả năng TP. Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch sẽ sáp nhập để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Dương Minh Tiến dự đoán và cho biết, việc triển khai Sân bay quốc tế Long Thành gần như đã chắc chắn. Đây là yếu tố quan trọng, giúp dư địa phát triển của thị trường bất động sản Đồng Nai sôi động và kéo dài trong thời gian tới.


  • Nhiều công trình, hạ tầng cơ sở tại Dĩ An (Bình Dương) được mở rộng, tạo tiền đề khai thác, xây mới loạt khu căn hộ.

    Đầu tư mạnh cho giao thông

    So với các địa bàn khác ở tỉnh Bình Dương, Dĩ An có nhiều lợi thế khi nằm giáp ranh TP HCM, Biên Hòa (Đồng Nai), tiếp giáp các trục đường huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, đường sắt Bắc - Nam... Nơi đây còn tiếp cận các đầu mối giao thông quan trọng như ga Dĩ An, An Bình, Bến xe Miền Đông mới.

    Nhiều năm qua, hạ tầng đường xá đi qua Dĩ An được nâng cấp, đầu tư mới. Trong đó, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối liền xa lộ Hà Nội (TP HCM) đang đẩy nhanh tiến độ, giúp giảm tình trạng ùn tắc ở tuyến Quốc lộ 13 nối liên tỉnh. Nhờ tuyến đường này, thời gian di chuyển từ Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về TP HCM rút ngắn đáng kể.

    Theo kế hoạch, trong năm 2019, Bình Dương sẽ thi công mở rộng đường DT 743 đoạn từ ngã tư Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tuyến DT 743 trên địa bàn Dĩ An.

    Nhiều công trình giao thông quan trọng được tỉnh Bình Dương thông qua như dự án đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A kết nối Bến xe Miền Đông mới vào Quốc lộ 1K; dự án đường Vành đai Đông Bắc 2 nối khu vực dân cư Bình Nguyên và trường Cao đẳng nghề Đồng An đến giáp đường Mỹ Phước - Tân Vạn; dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Văn Mên (Hương lộ 9) từ đoạn Cách Mạng Tháng Tám đến cảng An Sơn (Thuận An)...

    Triển vọng phát triển kinh tế

    Trong Quyết định số 3515/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương ký ngày 11/12/2018 về kế hoạch đầu tư công năm 2019 của tỉnh, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư đang tập trung nhiều nhất cho ba địa điểm là thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An. Lý do các địa phương này có nhiều tiềm lực phát triển đô thị, kinh tế khi có sẵn nguồn lực sau quá trình dài xây dựng, phát triển.

    Ngoài Thủ Dầu Một đã là thành phố, hiện hai thị xã Thuận An và Dĩ An cũng đang trong quá trình chuẩn bị mọi mặt để tiến lên thành phố trực thuộc tỉnh. Do đó giai đoạn này Dĩ An đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

    Cải thiện hạ tầng giao thông là tiền đề cho kinh tế của Dĩ An, đáp ứng các tiêu chí của quy mô thành phố. Trong quý I/2019, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn khoảng 24.620 tỷ đồng, đạt 25,09% kế hoạch năm 2019 (mục tiêu cả năm là 89.198 tỷ đồng) và tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2018.

    Sự tăng trưởng kinh tế xã hội của Dĩ An có tính khả thi bởi là địa bàn này mạnh về hoạt động sản xuất công nghiệp. Đến thời điểm này, Dĩ An vẫn đứng đầu về số lượng khu công nghiệp, đóng góp giá trị không nhỏ vào nền kinh tế chung của tỉnh Bình Dương.

    Đẩy mạnh thị trường bất động sản

    Theo dữ liệu thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 5, Dĩ An là khu vực có số lượng dự án nhà ở nhiều nhất của tỉnh với 109 dự án, cho thấy tiềm năng thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản.

    Cụ thể như Công ty Cổ phần Địa ốc Bcons đánh giá cao triển vọng của bất động sản Dĩ An đã sớm triển khai dự án ở đây. Ngoài dự án phức hợp khách sạn và dịch vụ đã đưa vào khai thác ở bến Bạch Đằng - vị trí đẹp ở thành phố Thủ Dầu Một, Bcons cũng đầu tư phát triển hai dự án khu căn hộ tại Dĩ An.

    Đại diện Bcons cho biết, hai dự án Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông với số lượng hơn 1.400 căn hộ nằm trên đường Độc Lập (Dĩ An), sát Xa lộ Hà Nội, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, khu Đại học Quốc gia TP HCM... Cách dự án không xa là Bến xe Miền Đông mới, khu công nghệ cao TP HCM, đối diện khu du lịch Suối Tiên.

    "Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm dự án khu căn hộ quy mô lớn tại Dĩ An", đại diện Bcons chia sẻ.

    Vạn Phát