• Mặc dù người bán không đưa ra giấy tờ chủ quyền nhà, đất nhưng người mua vẫn đặt cọc trăm triệu đồng, thậm chí lên đến tiền tỉ để rồi cuối cùng ngậm trái đắng.

    Tình trạng phân lô bán nền trái phép đang diễn ra nhộn nhịp ở các tỉnh lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cùng những chiêu lừa đảo tinh vi xuất hiện ngày càng nhiều trong mua bán bất động sản khiến nhiều người sập bẫy.


    Một khu đất, sang tay nhiều người

    Tại tỉnh Đồng Nai, ngoài việc rao bán đất dự án tràn lan ở các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (vùng dự án sân bay Long Thành) mà chính quyền nhiều lần cảnh báo người mua phải cẩn thận thì tại TP Biên Hòa, việc mua bán đất nông nghiệp bằng giấy tay cũng diễn ra rầm rộ, kéo theo tình trạng xây nhà không phép không thể kiểm soát.

    Sự việc ở khu phố 3, phường Trảng Dài là một điển hình. Tại đây nhiều người mua đất bằng giấy tay rồi liều xây nhà, khi phát hiện đất bị chủ đất bán cho nhiều người, đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà, họ đã gửi đơn kêu cứu lên chính quyền. Theo đơn tố cáo bà N.T.L (SN 1971; ngụ khu phố 4, phường Trảng Dài), bà này là chủ một khu đất nông nghiệp rộng hơn 15.000 m2 ở khu phố 3. Bà L. tự ý phân thành 152 lô, xây nhà rồi bán bằng hình thức ký giấy trao tay cho nhiều người. Các hộ dân cho biết cách đây gần chục năm, mỗi lô đất được bán với giá từ 100-160 triệu đồng, nhà từ 250-400 triệu đồng/căn. Hiện chỉ còn khoảng 40 lô trống, phần đất còn lại người dân đều đã cất nhà ở ổn định, hình thành một khu phố; nộp thuế sử dụng đất hằng năm, có đường sá, điện nước; được cấp sổ hộ khẩu, sinh hoạt tổ dân phố định kỳ.

    Cuối năm 2015, họ bất ngờ nhận được thông tin bà L. đã chuyển quyền sử dụng khu đất trên cho ông H. Tá hỏa, các hộ dân gửi đơn đến Phòng CSĐT về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Đồng Nai. Sau khi điều tra, công an xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự. Thấy có "biến", ông H. lập tức chuyển nhượng khu đất này cho ông H.C.T. Ông T. cho rào quanh khu đất và tuyên bố sẽ giải tỏa nhà, lấy đất khiến mọi người lại một phen nháo nhào vì nguy cơ mất đất, mất nhà. "Chúng tôi đã xây nhà ở hơn 10 năm, được chính quyền công nhận, không biết tại sao ra nông nỗi này" - bà N., một hộ dân, nói trong nước mắt.

    Tuy Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã có quyết định khởi tố vụ việc trên vào tháng 10/2018 nhưng các hộ dân vẫn sống trong nỗi bất an. "Chúng tôi biết bà L. đã không còn ở nơi cư trú. Giờ chúng tôi chỉ biết trông chờ vào cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc hợp tình hợp lý, đúng pháp luật để những người dân nghèo không bị mất nhà" - một hộ dân khác thở dài.

    Bán đất nền như bán rau

    Việc mở khu dân cư (KDC) không phải đơn giản. Thế nhưng, Trần Quốc Luật (43 tuổi; nguyên Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Trần Quốc Luật) lại mở 4 KDC ở thị xã Thuận An một cách "nhẹ nhàng", chớp nhoáng. Mới đây, Luật và 3 đồng phạm đã bị Công an tỉnh Bình Dương khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

    Chúng tôi tìm đến 1 trong 4 KDC do Luật lập ra. KDC này hiện có khoảng 50 nhà dân xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, hầu hết chưa có sổ đỏ. Bà Đinh Thị Tám, một hộ dân trong KDC, kể bà thấy công ty của Luật quảng cáo về KDC mới mở ở phường An Phú nên tới xem. Khi nghe phía công ty Luật nói "dự án sắp bán hết, chỉ còn 2 lô", bà Tám sợ mất cơ hội, mua ngay 1 nền với giá 430 triệu đồng kèm theo lời hứa 2 tháng sau sẽ ra sổ đỏ đứng tên bà. Ngay khi giao tiền xong, bà Tám động thổ làm móng thì một người tên Sơn đến ngăn cản, bảo rằng nền đất này công ty của Luật đã bán cho Sơn trước đó. Mặc dù bị tranh chấp, bà Tám vẫn cố đưa thêm tiền cho công ty của Luật để chạy giấy phép lên thổ cư. Nhà cất đã 8 năm nhưng đến nay bà Tám vẫn chưa có sổ đỏ. Nhiều hộ dân cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đến khi người của một ngân hàng tới thông báo KDC này công ty của Luật bán cho một đại gia thì các hộ dân mới tá hỏa. Đại gia này đã mang sổ đỏ "cắm" ngân hàng để vay tiền và giờ đi đâu không rõ.

    Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương, nói: "Nhiều người dân cực kỳ dễ dãi khi mua đất. Họ nộp cho chủ đầu tư vài trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng mà chẳng cần biết nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của dự án". Ông Thắng kể có doanh nghiệp (DN) được chấp thuận mở dự án KDC tại một khu vực. Thế là những kẻ lừa đảo nhảy vô khu vực đó lập công ty với tên na ná tên chủ đầu tư dự án và tiến hành bán đất nền. Sau khi lừa được người mua, chúng ôm tiền bỏ chạy. Khi ấy, người dân mới biết mình bị lừa.

    Cũng theo ông Thắng, còn một chiêu thức thường gặp khác là "bán lúa non". Nhiều chủ đầu tư mới được chấp thuận chủ trương làm dự án đã vội vàng tự vẽ bản đồ, tự phân lô, chẳng cần ai phê duyệt. "Đất của dân, nhà cửa còn y như vậy, chưa thu hồi, chưa đền bù mà họ đã vẽ bản đồ trùm lên nhà đất của dân và rao bán" - ông Thắng kể. "Công an tỉnh Bình Dương đã ngăn chặn, xử lý nhiều đối tượng nhưng tiền bọn chúng lừa được rất khó thu hồi trả lại cho dân. Vì vậy, điều cần nhất là người dân phải cảnh giác, đừng để mắc lừa" - ông Thắng cảnh tỉnh.

    Bát nháo phân lô

    Cơn sốt đất nền tưởng đã ngưng lại thì thời gian gần đây lại tiếp tục sôi động tại tỉnh BR-VT khi hàng loạt biển quảng cáo được dán khắp nơi. Những vị trí đất heo hút cũng được nhiều DN phân lô bán nền. Tại thị xã Phú Mỹ, dọc theo các tuyến đường nối liền giữa các xã Sông Xoài, Châu Pha, Suối Nghệ, Tóc Tiên, hàng chục mảnh đất được phân lô, không có bảng hiệu giới thiệu tên, chủ đầu tư cũng như quy mô dự án. Thay vào đó, hàng trăm tờ quảng cáo được gắn trên các cột điện với nội dung "Bán đất giá rẻ 270 triệu/nền" kèm theo số điện thoại của người bán.

    Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh BR-VT, cho biết có một số trường hợp phân lô bán nền không đúng quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, chấn chỉnh, trong đó yêu cầu tạm ngừng tách thửa, phân lô các dự án trên địa bàn. Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT Lê Anh Tú cho biết sở đã ra văn bản yêu cầu ngăn chặn các dự án có dấu hiệu thiếu minh bạch, chưa đủ cơ sở pháp lý thực hiện việc rao bán. Một số dự án được sở này điểm tên như Sea Star Suite - khu biệt thự suối nước nóng Bình Châu của Công ty Thương mại và Dịch vụ Kim Tơ; dự án Ocean Villa tại huyện Xuyên Mộc. Bên cạnh xử nghiêm việc phân lô bán nền trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng khuyến cáo người dân, các nhà đầu tư biết để tránh giao dịch đối với các khu đất, dự án chưa đầy đủ pháp lý. 

    Tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết

    Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cảnh báo hiện nay, nhiều công ty môi giới, kinh doanh đất nền dụ dỗ khách hàng ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản nhưng thực chất đây không phải là hợp đồng chuyển nhượng vì không ra công chứng chứng thực. Bên cạnh chiêu trò này, nhiều DN còn mời khách hàng dự hội thảo, tham quan dự án. Đi cùng khách hàng có nhiều nhân viên đóng vai trò "chim mồi". "Những người này hùa nhau hô hào, phóng đại về dự án. Người dân rất dễ bỏ tiền ra đặt cọc vì vướng tâm lý đám đông, thiếu am hiểu thị trường cũng như quy định pháp luật" - luật sư Hùng nói.

    Cũng theo luật sư Hùng, việc mua bán, chuyển nhượng được xem là hợp lệ chỉ khi giao dịch có công chứng chứng thực. Điều kiện quan trọng nếu muốn công chứng, chứng thực là bất động sản cần có giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp. Vì vậy, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ việc bên mua và bên bán ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hứa chuyển nhượng, hợp đồng nguyên tắc... khi phía bán bất động sản chưa được cấp giấy tờ sở hữu.

    "Trước khi mua, người dân xác minh tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng chưa, xem kỹ giấy tờ gốc. Để tránh rủi ro, người mua không nên mua đất nền chưa có sổ đỏ, cũng không nên ký hợp đồng góp vốn, hứa chuyển nhượng, hợp đồng nguyên tắc... Quan trọng không kém là người mua cần nhanh chóng liên hệ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tìm hiểu tính pháp lý thửa đất mình có ý định đầu tư" - luật sư Hùng khuyến cáo.

    Theo Người Lao Động


  •  Dữ liệu 9 tháng đầu năm của CBRE cho biết, lượng khách có quốc tịch Trung Quốc mua căn hộ hạng sang ở TP HCM tăng đột biến.

     

    Theo thông tin do bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam chia sẻ tại 'Hội nghị Bất động sản – Động lực tăng trưởng mới' do Forbes tổ chức mới đây, số lượng khách Trung Quốc mua căn hộ hạng sang tại TP HCM tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm.

     

    Cụ thể, dữ liệu thống kê giao dịch qua CBRE cho thấy, khách mua căn hộ hạng sang là người Trung Quốc chỉ chiếm 2% trong năm 2016 và 4% trong năm 2017, cùng xếp vị trí thứ 6 về tỷ lệ sở hữu theo quốc tịch. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ người mua có quốc tịch Trung Quốc nhảy vọt lên dẫn đầu, chiếm đến 31%, Trong khi đó, khách hàng là người Việt xếp vị trí thứ hai với 24%.

     

     Bà Dung nhận định, thị trường bất động sản hạng sang TP HCM đang chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ của người mua đến từ nước ngoài nói chung. Hai năm trước, tỷ lệ khách hàng là người nước ngoài mới chiếm 53% thì đến năm nay đã tăng lên 76%. Nếu 2-3 năm trước, người mua nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì giờ có những người sinh sống ở nước ngoài và thậm chí còn chưa từng đặt chân đến.

     

    "Năm 2017, thị trường thậm chí không ai nói tới căn hộ hạng sang nhưng giờ có những căn giá 5.000-6.000 USD mỗi m2, thậm chí lên tới 9.000 USD mỗi m2", bà Dung nhận định phân khúc này có mức dao động giá cao do nguồn cung ít. Bà cũng dự báo rằng đó cũng là lý do để các chủ đầu tư có khả năng sẽ còn đưa ra những mức giá có thể lên 9.000-10.000 USD mỗi m2 thời gian tới.

     

    Mỗi nhóm khách nước ngoài cũng có sở thích mua khác nhau. Chuyên gia CBRE cho biết, khách từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan ưa chuộng các dự án cao cấp có quy mô lớn trung tâm hoặc gần trung tâm Sài Gòn. Khách Hàn Quốc lại ưu tiên mua các dự án của Phú Mỹ Hưng tại quận 7, nơi đã có cộng đồng người Hàn tương đối đông đảo. Trong khi đó, khách Âu Mỹ thích sống biệt lập và yên tĩnh nên thường nhắm đến các biệt thự, căn hộ riêng tư thuộc quận 2, TP HCM.

     

     Bà Dung nhận định thị trường bất động sản năm 2018 ổn định và tương đương năm 2017 với nguồn cung khoảng 33.000 căn hộ tại Hà Nội và 32.000 căn hộ tại TP HCM. Khả năng hấp thụ của thị trường cũng tương đương năm ngoái.

     

    Theo bà, ngoài nhóm khách hàng nước ngoài, tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở phát triển. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trong thời gian gần đây tạo niềm tin cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư. Nhiều chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đang tăng cường dòng vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

     

    Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA), có một vấn đề là các doanh nghiệp bất động sản đang chuẩn bị đối mặt với chính sách hạn chế dần vốn vay vào bất động sản và quy định áp dụng hệ số rủi ro với các khoản dư nợ cho vay bất động sản. Điều này đặt ra áp lực nhưng cũng để doanh nghiệp thay đổi tích cực hơn. Doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, đạt độ tin cậy, đổi mới về quản trị để có thể vay vốn từ ngân hàng. Thiếu vốn trung và dài hạn cũng là một nghịch lý, một mặt yếu của thị trường hiện nay.

     

    Trong khi đó, nói về dòng vốn nước ngoài, một số chuyên gia khác thừa nhận FDI là nguồn vốn quan trọng cho bất động sản. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng dòng vốn nước ngoài. Trong đó, câu hỏi đặt ra là họ có thực sự rót vốn vào dự án không và họ có dùng vốn vay để đầu tư không.

     

    Dỹ Tùng


  • Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang trong quá trình chờ đợi nâng cấp xã thành phường, thành lập thị trấn, thị xã và thành phố. Trong tương lai, Đồng Nai sẽ có 3 thành phố, 1 thị xã và thêm 3 thị trấn.

     

    Trong tháng 9-2018, HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp bất thường để thông qua các tờ trình thành lập thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất); đồng thời thông qua đề án nâng cấp 6 xã của TP.Biên Hòa và 5 xã của TX.Long Khánh lên phường, cũng như thành lập TP.Long Khánh.

     

    * Năm 2019: thêm 1 thành phố và 2 thị trấn

     

    Đến thời điểm này, TX.Long Khánh đã hoàn tất các tiêu chí nâng cấp lên thành phố, đã được tỉnh phê duyệt, thông qua. Hiện Long Khánh đang chờ Quốc hội thông qua đề án thành lập TP.Long Khánh trong kỳ họp tới, sau đó sẽ chính thức công bố TX.Long Khánh trở thành thành phố. Người dân trên địa bàn TX.Long Khánh cũng rất trông đợi việc lên thành phố, vì hạ tầng, dịch vụ, thương mại sẽ được đầu tư nhiều hơn. Như vậy, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của Long Khánh sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay.

     

    Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh Trần Mộng Thành cho biết: “Việc thành lập TP.Long Khánh trực thuộc tỉnh sẽ dựa trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích, dân số và các đơn vị hành chính, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050. Long Khánh lên thành phố sẽ có thêm cơ hội liên kết phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng với các đô thị lớn trong vùng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn”. TX.Long Khánh hiện có 2 khu công nghiệp thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Thời gian qua, thông tin TX.Long Khánh lên thành phố, hạ tầng giao thông được kết nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài đến Long Khánh đầu tư nhiều hơn. Dự kiến trong thời gian tới, nhiều tuyến đường cao tốc được xây dựng và kết nối, sẽ tạo điều kiện giúp Long Khánh phát triển thêm nhiều lĩnh vực khác.

     

    Huyện Nhơn Trạch đã hoàn thiện tất cả các tiêu chí để xã Hiệp Phước trở thành thị trấn và cũng đã được HĐND tỉnh thông qua. “Các tiêu chí để Hiệp Phước thành thị trấn hiện đều đã đạt và vượt. Dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Quốc hội sẽ thông qua. Thành lập thị trấn sẽ tạo động lực và đòn bẩy để thúc đẩy Hiệp Phước và những xã lân cận phát triển theo” - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho hay. Xã Hiệp Phước có trên 38,6 ngàn dân, đất đai tự nhiên gần 19km2, thu ngân sách cao hơn chi, hộ nghèo dưới 0,53%. Các tiêu chí để trở thành một thị trấn đều đã vượt.

     

    Đề án thành lập thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cũng được HĐND tỉnh thông qua, chỉ chờ các bộ thẩm định và trình Quốc hội thông qua. Thị trấn Dầu Giây sẽ có 4 khu phố gồm: Lập  Thành, Trần Hưng Đạo của xã Xuân Thạnh hiện nay và ấp Trần Cao Vân, Phan Bội Châu thuộc xã Bàu Hàm 2 hiện nay. Các tiêu chuẩn để lên thị trấn như: diện tích, dân số, hạ tầng kỹ thuật, thu nhập của người dân... đều đã đạt và vượt.

     

    Bà Trần Thị Hải, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Khi nghe khu vực này sẽ lên thị trấn, tôi và bà con ở đây rất mong đợi. Vì khi trở thành thị trấn hạ tầng sẽ được đầu tư tốt hơn, như vậy dễ dàng phát triển kinh doanh”. Mong đợi của bà Hải cũng là tâm trạng chung của người dân ở những khu vực đang đợi được công nhận là thị trấn.

     

    Dự kiến trong đầu năm 2019, TX.Long Khánh được công nhận là thành phố; Hiệp Phước, Dầu Giây sẽ chính thức trở thành thị trấn.

     

    * Nhiều nơi đang chạy nước rút

     

    Huyện Long Thành hiện đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để được công nhận là đô thị loại IV trong năm 2018. Sau đó huyện sẽ tiến hành huy động các nguồn lực đầu tư để trở thành thị xã vào năm 2020. Là nơi tập trung các đầu mối lớn về giao thông của quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc: TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Long Thành - Vũng Tàu, quốc lộ 51... thì tương lai Long Thành sẽ còn phát triển xa hơn nữa.

     

    Ông Lim Je Hun, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh nhận định: “Thời gian tới, khi một số đường cao tốc qua tỉnh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ có làn sóng doanh nghiệp Hàn Quốc đến huyện Long Thành cũng như tỉnh để đầu tư trên các lĩnh vực. Khu vực này có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển thành thành phố sân bay. Các doanh nghiệp phía Hàn Quốc rất có kinh nghiệm trên lĩnh vực này và đang muốn đầu tư vào”.

     

    Với những lợi thế lớn trên, Long Thành sẽ nhanh chóng trở thành thị xã và từng bước hoàn thành các tiêu chí để trở thành thành phố. Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành nói: “Long Thành đang đợi Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận là đô thị loại IV trong năm nay. Tiếp theo, huyện sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá và lên kế hoạch để thực hiện các tiêu chí để năm 2020 có thể lên thị xã”.

     

    Vì không đủ diện tích nên huyện Cẩm Mỹ đành phải chậm lại trong việc đề xuất HĐND tỉnh thông qua đề án xã Long Giao lên thị trấn. Huyện đang gấp rút hoàn thành hồ sơ điều chỉnh một phần xã Nhân Nghĩa, Xuân Đường vào thị trấn Long Giao. Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Theo quy định mới lên thị trấn thì Long Giao không đủ diện tích. Do đó, huyện rút hồ sơ về điều chỉnh lại diện tích cho phù hợp dự tính năm 2019 sẽ tình HĐND tỉnh thông qua và sau đó sẽ trình Quốc hội. Mọi việc thuận lợi thì năm 2020, huyện Cẩm Mỹ sẽ có thị trấn”.

     

    Đồng Nai sẽ có 3 thành phố là Biên Hòa, Long Khánh và Nhơn Trạch. TX.Long Khánh dự kiến sẽ lên thành phố trong năm 2020, còn huyện Nhơn Trạch dự kiến sẽ là thành phố mới sau năm 2025. So với lộ trình Chính phủ phê duyệt thì huyện Nhơn Trạch đã chậm thời gian khá dài để đạt thành phố. Năm 2016, Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch thì trước năm 2020 phải hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II và sau năm 2030 là đô thị loại I. Nhưng quy hoạch mới này cũng khó thực hiện vì Nhơn Trạch không đáp ứng đủ tiêu chí về dân số.

     

    Hương Giang


  •  Chưa biết nên bỏ tiền vào đâu năm tới, nhà đầu tư có thể gửi tiết kiệm 6 tháng, hoặc hãy mua nhà nhỏ. 

     

     Tại Hội thảo Xu hướng và cơ hội đầu tư Bất động sản năm 2019 do CafeLand tổ chức ngày 11/12, trước câu hỏi rót dòng vốn vào đâu hiệu quả nhất, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết đừng vội vã trong lúc thị trường khan hiếm nguồn cung cục bộ. Tạm thời hãy để dòng vốn nghỉ ngơi trong 6 tháng, cứ gửi tiền ngân hàng, nửa năm sau hãy cân nhắc đầu tư mua nhà, có thể gặp vùng giá hợp lý hơn hiện nay.

     

    Lý giải cho chiến thuật hoãn binh 6 tháng, ông Hiển phân tích, đây là thời gian thử thách cần thiết để xem xét lại hướng đi của thị trường. Nguồn cung nhà ở tại TP HCM đã liên tục sụt giảm trong 3 quý đầu năm và đang dần bước vào tình trạng "đóng băng" do hiện nay thành phố hạn chế cấp phép dự án mới.

     

    Chuyên gia này cho rằng, với tình hình rổ hàng nhà ở tích trữ lũy tiến nhiều năm qua, nguồn cung thực tế toàn thị trường đã vọt lên rất cao vào khoảng hàng chục nghìn tỷ đồng. Do đó, quyết sách hạn chế phát triển dự án mới của TP HCM là cơ hội thanh lọc cần thiết.

     

    Theo ông Hiển, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến nhà đầu tư không có nhiều sản phẩm mới để chọn lựa và vì thế, họ sẽ quay sang cân nhắc tiêu thụ nguồn cung cũ. Sự trì hoãn của dòng vốn trong 6 tháng cũng là phép thử các vùng giá nhà ở đang cao ngất ngưỡng trên thị trường hiện nay, từ đó, giúp nhà đầu tư xác định được đâu là mức giá hợp lý.

     

     Trong khi đó, trả lời câu hỏi xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019, Chủ tịch Hiêp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Lê Hoàng Châu đưa ra lời khuyên nên nhập cuộc đua săn nhà nhỏ.

     

    Ông Châu cho biết nỗi quan ngại về kịch bản xấu của bất động sản năm 2019 ngày càng lớn dần khi thị trường có sự sụt giảm nguồn cung liên tục nhiều quý liền và giao dịch cũng ảm đạm hơn năm 2017. Đặc biệt là nguồn cung căn hộ bình dân (giá rẻ, vừa túi tiền) lao dốc mạnh nhất, tỷ lệ sụt giảm gần 70%.

     

    Lãnh đạo HoREA nhận định, mua bất động sản để đầu tư, cách an toàn nhất hiện nay là chọn căn hộ 1-2 phòng ngủ, diện tích từ nhỏ đến trung bình, tại các dự án có vị trí thuận tiện, kết nối hạ tầng tốt. Đặc tính của nhà nhỏ là dễ mua, dễ bán, dễ cho thuê, ít rủi ro. Dòng sản phẩm này thị trường luôn có nhu cầu và thanh khoản vì vậy thường duy trì ở mức cao nên không lo ứ đọng vốn và luôn đạt tỷ suất sinh lời ổn định.

     

    Ngoài kênh đầu tư căn hộ nhỏ, năm 2019 tìm những dự án nhà ở tọa lạc tại khu vực có công trình hạ tầng trọng điểm cũng là cách đầu tư hiệu quả. Cơ hội đầu tư ăn theo quy hoạch và kế hoạch phát triển các dự án giao thông chưa bao giờ là lỗi thời. Hoặc đầu tư quanh những khu đô thị lớn theo chiến lược vết dầu loang có thể là giải pháp tốt khi thị trường đóng băng dự án mới.

     

    Cuối cùng, ông Châu không quên nhắc đến cơ hội đầu tư bất động sản thuộc các tỉnh giáp ranh TP HCM trong năm 2019. Theo đánh giá của chuyên gia này, các tỉnh giáp ranh TP HCM hiện nay cùng với sự phát triển hạ tầng liên vùng ngày càng hoàn chỉnh, các tỉnh lân cận đã được nâng cấp thành khái niệm mới tương đương với vùng ven của TP HCM. Cơ hội đầu tư về những địa bàn này tuy khá nhiều nhưng còn phụ thuộc vào kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông nên cần làm rõ bài toán kết nối hạ tầng trước khi chọn mặt gửi vàng.

     

    Vũ Lê ( https://plus.google.com/u/0/communities/117501351003027405909 )


  • Năm 2018, thị trường bất động sản nổi cộm hàng loạt vụ lùm xùm về việc chủ đầu tư bán 1 căn hộ cho nhiều người, hay những rủi ro pháp lý mà khách hàng phải gánh chịu khi trót mua nhà hình thành trong tương lai nhưng dự án bất ngờ... dừng thi công, "đắp chiếu".

     

    Sáng 11/12/2018, chương trình Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến về chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư” do tạp chí điện tử Bất động sản tổ chức đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt vấn đề pháp lý luôn là những trở ngại lớn nhất khiến nhà đầu tư băn khoăn trước khi “xuống tiền”.

     

    Mua nhà ở hình thành trong tương lai

     

    Chị Phương Thảo (Vũng Tàu) cho biết: “Hiện tôi đã xuống tiền cọc một căn chung cư ở quận 2, TP.HCM và phải hơn 1 năm nữa dự kiến mới được nhận nhà. Nhưng trong thời gian qua, tôi có nghe nói về nhiều vụ mập mờ trong bán dự án, căn hộ hình thành trong tương lai như như mở bán khi chưa có giấy phép, chưa xây dựng hạ tầng đã bán cho khách hàng, huy động vốn trái phép…”.

     

    Vậy, nhà đầu tư – những người dân như chị Thảo nên làm gì để biết mình không bị “tiền mất tật mang” khi trót đặt cọc hay ký hợp đồng mua bán những dự án trên? Nếu có, người dân cần làm gì?

     

    Trả lời câu hỏi trên, luật sư Trần Đức Phượng – đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Đối với lĩnh vực bất động sản, những rủi ro thường xuất hiện nhiều nhất từ những giao dịch không đúng quy định pháp luật. Điều đáng lo ngại nhất vẫn là những vụ việc mà dự án bị thế chấp bị ngân hàng thu giữ tài sản, dự án “ma” làm khách hàng đứng trước nguy cơ mất tiền”.

     

    “Để bảo vệ quyền lợi của mình, người mua nhà cần chủ động hiểu biết về giao dịch, nắm rõ thông tin về sản phẩm, có thể nhờ hỗ trợ thông qua bên có chuyên môn, lựa chọn chủ đầu tư uy tín, lựa chọn giao dịch đúng quy định pháp luật, khi ký kết hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng,…

     

    Sau khi khi ký kết văn bản giao dịch cần cập nhật thông tin thường xuyên về dự án, mặt khác người mua cũng cần phải thực hiện đúng quy định đã thỏa thuận”, luật sư Phượng tư vấn.

     

    Đứng trên góc độ là một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings khuyên khách hàng hãy là những nhà đầu tư thông thái.

     

    Đặc biệt, trong thời kỳ bùng nổ về thông tin như hiện nay, các khách hàng sẽ rất dễ dàng để tìm hiểu về chủ đầu tư, về dự án trước khi quyết định. Khách hàng nên xác định rõ năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư, tiến độ của dự án, cũng như các cam kết liên quan đến hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

     

    Đây sẽ là các bước rất quan trọng để khách hàng có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho mình.

     

    Ngoài ra, việc tìm hiểu thật kỹ dự án đó có ngân hàng nào đang bảo lãnh cũng là bước quan trọng trước khi khách hàng đặt bút ký hợp đồng, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh nhấn mạnh.

     

    “Khi ký hợp đồng 3 bên thì cả chủ đầu tư, khách hàng cần thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của dự án. Như thế khi mua nhà khách hàng sẽ yên tâm hơn”, ông Truyền tư vấn.

     

    Một căn hộ bán cho nhiều người

     

    Cũng trong tọa đàm trực tuyến, hiện tượng một số chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người gây bức xúc dư luận thời gian qua cũng được các chuyên gia thảo luận.

     

    Luật sư Bùi Sinh Quyền cho rằng, nếu chủ đầu tư dự án cố ý bán một căn hộ cho nhiều người thì cơ quan quản lý và người mua nhà không thể biết vì pháp luật chưa có cơ chế về kiểm soát việc bán sản phẩm của chủ đầu tư.

     

    “Tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng trên cũng bởi pháp luật đã trao cho chủ đầu tư quyền tự quyết định bán sản phẩm của họ mà không có cơ quan giám sát. Để giải quyết tình trạng này, tại sao chúng ta không thiết lập hệ thống quản lý sản phẩm hình thành trong tương lai giống như đã thiết lập hệ thống mạng Uchi đối với bất động sản đã được cấp giấy chứng nhận” – ông Quyền nêu quan điểm.

     

    Để không xảy ra tình trạng trên, những dự án nhà ở hình thành trong tương lai cần phải được đăng ký và quản lý bằng hệ thống mạng và có cơ quan thứ 3 giám sát xác nhận (cơ quan giám sát có thể truy cập mạng quản lý sản phẩm, luật sư và công chứng trước khi tư vấn cho khách hàng phải kiểm tra có sự chuyển dịch nào chưa thì sản phẩm được mua bán thành công).

     

    Về trách nhiệm của chủ đầu tư khi bán một căn hộ cho nhiều người, có thể xử lý theo hai hướng: Thứ nhất là về dân sự, quy định tại điều 351-352 trách nhiệm dân sự và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Thứ hai quy định tại điều 174 về lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

     

    Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định việc bán một căn hộ cho nhiều người là hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

     

    Hiện nay, trên thị trường, khi khách hàng mua nhà sẽ được chủ đầu tư ký kết các loại hợp đồng như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc… đây là hình thức lách luật của các chủ đầu tư bởi tựu trung lại thì vẫn là hợp đồng mua bán giữa khách hàng và chủ đầu tư.

     

    “Muốn để tránh sự việc đó khách hàng, nhà đầu tư cần làm những điều như sau: Thứ nhất, cần xác minh thật kỹ về vấn đề pháp lý của dự án; Thứ hai, cần kiểm tra, phê duyệt của chủ đầu tư như 1/500 cho dự án, tìm hiểu giấy phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính, năng lực của chủ đầu tư; Thứ 3, tôi nghĩ khách hàng cần phải chọn chủ đầu tư uy tín để có thể an tâm giao tiền của mình” – Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh tư vấn.

     

    Hiểu Minh ( https://bandatdongnai.yahoosites.com )