• Cơ quan quản lý TP.HCM vừa phát đi thông điệp cảnh báo người dân trên địa bàn về các trường hợp môi giới có dấu hiệu lừa đảo, rao bán đất nền không hợp pháp.

     

    Ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND Huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa có văn bản báo cáo kết quả rà soát tình hình giao dịch mua bán đất nền của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) trên địa bàn huyện.

     

    Rao bán tràn lan dự án ảo

     

    Theo đó, qua kiểm tra rà soát, lãnh đạo huyện Long Thành nhận thấy Địa ốc Alibaba liên kết với Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (Xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) do bà Trương Thị Hồng Ngọc làm giám đốc để thực hiện bán khống những dự án không có thật trên địa bàn huyện. Hai công ty nói trên đã bắt tay nhau bán đất nền ở 21 dự án thuộc các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước…

     

    Trong đó, tại xã Phước Bình, Địa ốc Alibaba rao bán 3 khu đất là dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III. Tại xã An Phước và xã Long Phước có 17 dự án là từ dự án Alibaba 1 đến Alibaba 16 và dự án Khu dân cư Quốc tế Lilama...

     

    Theo UBND huyện Long Thành, những vị trí mà Địa ốc Alibaba và Công ty CP địa ốc Tia Chớp rao bán, phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp này tự làm đường giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra quốc lộ 51 và chia đất ra những lô nhỏ không đúng thực tế rồi rao bán.

     

    Mới đây, sau khi đi kiểm tra, rà soát, ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND huyện Long Thành phát hiện có 23 điểm giao dịch đã làm đường, rào chắn cắm biển mua bán trái phép mà Công ty Alibaba gọi là dự án để giao dịch, phân lô bán nền... nhưng chưa có dự án nào được duyệt chủ trương và cấp phép. Do đó, UBND huyện đang thực hiện việc cưỡng chế, tháo dỡ các dự án “ma” của công ty này ở khu vực xã Long Phước và các xã lân cận.

     

    Cụ thể, tại dự án Alibaba Central Park 2 tại xã Phước Bình, Công ty Alibaba đang xây dựng công trình có diện tích khoảng 160 m2, xung quanh che chắn bằng tôn. UBND xã Phước Bình cùng các ngành liên quan đã tháo dỡ các bảng quảng cáo, đình chỉ hoạt động xây dựng.

     

    Tại dự án Alibaba Central Park, Công ty Alibaba đã san ủi làm 3 con đường dọc ngang khu đất. Có một con đường đã đổ đất đá, chưa san ủi chiều dài 26 m, làm một con đường nhựa ngang 4 m dài 500 m kết nối với đường nhựa Phước Bình - Tân Thành. Cơ quan chức năng đã đình chỉ thi công, xúc toàn bộ khối lượng đá đã san ủi đưa ra ngoài dự án…

     

    Không chỉ tại Đồng Nai, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có công văn gửi các sở, ban ngành về việc một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái phép, quảng cáo, giới thiệu các dự án trái với quy định của pháp luật nhằm lừa đảo khách hàng, nhà đầu tư.

     

    Trong đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đích danh Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

     

    Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

     

    Khách hàng cần tỉnh táo

     

    Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận thị trường đang có hiện tượng nhân viên môi giới tự vẽ ra dự án để chào bán. Để tạo sức hút, những dự án này thường được chọn ở vị trí đẹp, gần các tuyến đường lớn, gần trường, chợ… và đặc biệt được rao bán với giá thấp hơn hẳn mức chung của thị trường.

     

    Thậm chí, nhiều đơn vị môi giới còn tổ chức cho nhân viên dẫn dụ khách hàng đến xem trực tiếp khu đất dự án, ở đó đã dàn sẵn cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo miềm tin đây là đất dự án thật. Một số trường hợp còn táo tợn làm giả giấy tờ pháp lý của khu đất, giấy tờ chấp thuận cấp phép dự án của chính quyền...

     

    Do đó, ông Đính cho rằng khi xem xét mua đất nền dự án, khách hàng cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá khu vực, nếu giá rẻ hơn cần cảnh giác. Ngoài kiểm tra pháp lý dự án, người mua cũng nên đến xem đất trực tiếp, sau khi xác định vị trí lô đất thì đến cơ quan hành chính địa phương xem bản đồ quy hoạch có khớp với thông tin dự án như môi giới quảng cáo hay không.

     

    Lý giải về tình trạng môi giới nhà đất bát nháo như hiện nay, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Dân sự vẫn còn nhiều kẽ hở, không thể kiểm soát hết các đối tượng đã cố tình lách luật và lừa dối khách hàng.

     

    “Về phía HoREA sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hoạt động trên. Tuy nhiên trước mắt, các khách hàng cần phải tỉnh táo, xem xét kỹ trước khi "rót" tiền vào bất cứ dự án nào không rõ ràng về pháp lý, nhất là các doanh nghiệp môi giới không có uy tín” – ông Châu khẳng định.

    THIÊN BÌNH 


  •  Khác với mọi năm, nguồn cung trên thị trường BĐS TPHCM trong năm 2018 đang có xu hướng tụt giảm rõ rệt, nhiều dự án dự kiến tung ra trong đợt cuối năm vẫn chưa có động tĩnh.

    Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) vừa gửi Báo cáo tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh, bền vững đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hồ Chí Minh.

    Theo đó, báo cáo của HoREA nêu rõ 10 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. 

    So sánh tình hình thị trường bất động sản TPHCM 10 tháng đầu năm nay với cùng kỳ năm trước các số liệu đều thể hiện sự sụt giảm rõ nét. Cụ thể, số lượng dự án giảm 11,1%, tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 9,6%, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%, phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%. 

    Quan sát thực tế cho thấy, không chỉ 10 tháng đầu năm mà ngay tại thời điểm sát tết âm lịch - được coi là "thời điểm vàng" của thị trường bất động sản thì dù nhu cầu khá cao nhưng nguồn cung tương đối hạn chế. Nhiều thương hiệu lớn như Novaland, Đất Xanh, LDG Group, An Gia… cũng không thấy tung ra các sản phẩm mới. Nhiều dự án dự kiến tung ra trong đợt cuối năm vẫn chưa có động tĩnh.

    Nguồn cung nhà ở thiếu khiến cho một số dự án có xu hướng tăng giá. Nhiều dự án công bố đầu năm chỉ khoảng 18 triệu đồng/m2 đã tăng lên 21 triệu đồng/m2. Thậm chí, có dự án giá bán giai đoạn 1 là 23,5 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 30 triệu đồng/m2. Việc khan hiếm nguồn cung dẫn đến việc tăng giá này có lợi cho người mua nhà giai đoạn trước nhưng lại là khó khăn cho người mua nhà trong giai đoạn này.

    Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung sụt giảm. Đầu tiên là việc từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng chỉ chấp thuận 23 dự án được phép chuyển nhượng. Bên cạnh đó, nhiều dự án không thể xây dựng vì vướng mắc thủ tục và thời gian cấp phép. Thậm chí, nhiều dự án đã xây dựng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu để mở bán. Đây là một trong những yếu tố bất khả kháng đối với doanh nghiệp khi hoàn toàn phụ thuộc vào luật định và thời gian giải quyết hồ sơ của các cơ quan nhà nước.

    "Đặc biệt, vướng mắc về việc chuyển đổi các loại hình đất ở thành đất dự án cũng gây ra không ít khó khăn khiến doanh nghiệp khó có thể triển khai dự án mới và làm giảm nguồn cung cho thị trường", ông Châu cho biết.

    Đơn cử một vài trường hợp, dự án Akari của Nam Long được công bố ra thị trường từ cuối quý 3 nhưng đến nay vẫn chưa thể mở bán vì còn vướng mắc nhiều thủ tục theo quy định. Hai dự án khác nằm tại khu vực quận 8 là High Intela và West Intela của công ty Nam Sài Gòn (công ty con của LDG Group) cũng vướng mắc nhiều thủ tục về xây dựng khiến cho việc mở bán dự án bị chậm trễ phải dời ngày mở bán và ký kết hợp đồng với khách hàng.

    Ông Châu chia sẻ: "Nếu không tháo gỡ được vấn đề này thì năm 2019, thị trường bất động sản sẽ đối mặt với thách thức lớn là nguồn cung dự án sụt giảm mạnh. Kéo theo nhiều hệ lụy khác mà tôi cho rằng chúng ta phải vượt qua".

    Cùng quan điểm với ông châu, các chuyên gia trong ngành bất động sản cũng cho biết nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với việc khiếu nại, phản ứng của khách hàng về việc chậm trễ mở bán. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn hàng sẽ làm phá vỡ đội ngũ nhân sự và khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng chi phí trả lương nhưng thiếu doanh thu do không đủ nguồn hàng. Ngoài khách hàng thì các doanh nghiệp môi giới cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những khó khăn này.

    Trước những vấn đề này, mới đây tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản 2018 diễn ra vào ngày 7/11 vừa qua, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cùng các lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng đã lắng nghe các doanh nghiệp bất động sản nêu ra nhiều bức xúc liên quan đến hoạt động cấp phép, và triển khai các dự án. 

    Chủ tịch UBND TPHCM cũng cam kết sẽ tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Những vấn đề do luật sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương, cũng như đăng ký báo cáo cho Đoàn đại biểu Quốc hội để tháo gỡ, thậm chí sẽ xin làm việc với Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

    Lan Nhi https://goo.gl/Dtj7f3

    Theo Trí thức trẻ


  • Đầu năm 2020, người dân nằm trong vùng dự án sân bay Long Thành sẽ được giao đất ở khu tái định cư để xây nhà.

    Chiều 12/11, UBND tỉnh Đồng Nai họp giữa các ban ngành để triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là tiểu dự án trong dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vừa được Thủ tướng phê duyệt cách đây một tuần, do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 23.000 tỷ đồng.

    Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ giải tỏa gần 5.400 hecta đất tại huyện Long Thành, trong đó 5.000 hecta diện tích xây sân bay. Ngoài diện tích lớn của Tổng công ty cao su Đồng Nai, sẽ có 5.000 hộ dân với 17.000 nhân khẩu phải giải tỏa trắng. Hiện nay hai khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (gần 300 hecta) và khu tái định cư Bình Sơn III (81 hecta) đang được tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng vào năm sau.

    Các khu tái định cư sẽ có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Ngoài đường giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, nhà máy xử lý nước, điện chiếu sáng… thì còn có trường học, cơ sở tôn giáo, trung tâm văn hóa để phục vụ cuộc sống mới của người dân di dời.

    Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án xây dựng các khu tái định cư đã được Thủ tướng ủy quyền cho tỉnh cấp phép nên có thể triển khai nhanh, dự kiến quý I/2020, các hộ dân sẽ được bàn giao đất để xây nhà mới.

    “Để tiến độ triển khai dự án được nhanh chóng, ngoài nhân lực của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường nhân sự từ các sở ban ngành xuống hỗ trợ trong các việc kiểm đếm, đo đạc, định giá đền bù… để đúng tiến độ được giao”, ông Vĩnh cho biết.

    Liên quan đến vấn đề đất đai, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các cơ quan ban ngành quản lý cần quan tâm tới vấn đề “dựa hơi” vào sân bay Long Thành để đầu cơ đất, gây bất ổn an ninh, trật tự địa phương. Đặc biệt là khu vực 5.000 hecta trong phạm vi xây dựng sây bay.

    “Sân bay quốc tế Long Thành là dự án cấp quốc gia, việc di dời đền bù giải phóng mặt bằng cho 5.000 hộ dân không phải là đơn giản. Chính vì vậy, các ban ngành cần triển khai sớm, đồng bộ. Vướng mắc ở đâu cần báo cáo ngay để Ban chỉ đạo biết, khi ấy mới có thể kịp thời gian bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư”, ông Vĩnh nói.

    Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Trong đó, giai đoạn I (dự kiến hoàn thành năm 2025), sân bay sẽ khai thác đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ…

    Short link bài: Đồng Nai khởi động di dời 5.000 hộ dân khỏi dự án sân bay Long Thành
    https://goo.gl/ubm937
    http://bit.ly/2QxMNxC
    https://tinyurl.com/yatwsp3s
    https://v.gd/xj7Xn4
    https://is.gd/yhKCb5
    https://s.id/2s6Cx
    http://bit.do/eAHhk

    https://goo.gl/Dtj7f3


  • Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cùng với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành), các công trình giao thông trọng điểm cũng liên tục được triển khai. Chính vì vậy, giá đất nơi đây cũng “nhảy múa” tăng từng ngày, đồng thời gia tăng các hệ lụy.

    1. Bà Yên, ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, có hơn 1ha đất gần Dự án sân bay Long Thành. Từ ngày chồng bà phát bệnh tâm thần và qua đời, một mình bà nuôi 3 đứa con nhỏ nên cuộc sống gia đình cực kỳ khó khăn. Bà Yên chỉ còn biết bán đất để ăn tiêu và… trả nợ.

    Khi Dự án sân bay Long Thành được đưa ra, giá đất quanh khu vực này bắt đầu “nhảy múa”. Đất của bà Yên nằm trong khu vực này nên cũng có giá. Bà hăm hở vay nợ để chi tiêu và hứa hẹn bán đất sẽ trả. Lúc đầu bà xắn từng sào một ra bán, nhưng bao nhiêu cũng không đủ trả nợ. Ban đầu bà bán đất gần đường để được giá, sau không còn lối đi bà quay ra kiện láng giềng đòi đường đi, cũng chỉ với mục đích bán đất.

    Ngày mới vào miền Nam, gia đình bà Yên và gia đình ông Ngọc là láng giềng thân hơn ruột thịt. Cũng chính vì tình thân đó, gia đình ông Ngọc đã cho cha mẹ bà Yên, khi đó ăn ở riêng, mượn đất làm đường đi, trước là thuận lợi cho người già, sau là kết tình làng nghĩa xóm. Nhưng kể từ khi cha mẹ bà Yên qua đời (cách nay gần chục năm trời), lối đi đó gia đình ông Ngọc cũng đã trồng cây lưu niên, nhưng bà Yên vẫn kiện đòi lấy phần đất đó. Trong quá trình kiện cáo, bà Yên không đưa ra được bất cứ tư liệu, bằng chứng nào để chứng minh đó là lối đi chung. Ngược lại, ông Ngọc có đầy đủ giấy tờ chứng minh lối đi đó nằm trên thửa đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông.

    Nghĩ “vô phúc đáo tụng đình”, ông Ngọc chẳng muốn lôi thôi nên sau nhiều lần hòa giải, ông đã quyết định cắt phần đất bà Yên kiện làm đường đi cho êm chuyện.

    Lấy được lối đi nhưng bà Yên chẳng được sử dụng, ngược lại bà bị chủ nợ kiện ra tòa và bị cưỡng chế, buộc phải giao lại toàn bộ phần đất còn lại cho chủ nợ. Giá đất lên những tưởng mẹ con bà Yên có thể thoát nợ, nào ngờ nó khiến bà trắng tay nhanh hơn...

    2. Không xắn đất bán, không phải rời khỏi nơi cư trú, nhưng nhiều gia đình đã tan đàn xẻ nghé, con từ cha, vợ ly dị chồng, anh em không thèm nhìn mặt nhau… Có gia đình cha con kéo nhau ra tòa vì… đất.

    Ngoài 80 tuổi, thiết tưởng cụ Cống, xã Suối Trầu, huyện Long Thành, sẽ có những năm tháng an lành bên con cháu. Nhưng cũng chỉ vì giá đất lên mà cụ trở thành “bị đơn” khi chia đất không công bằng, có phần thiên vị cho con trai. Nguyên đơn không ai khác chính là những người con gái của cụ.

    Không khác mấy nhà cụ Cống, những tưởng tuổi già sẽ nương tựa vào các con, nhưng vợ chồng cụ Bình cũng chẳng được hồng phúc như vậy. Sinh thời, vợ chồng cụ Bình có tiếng là ăn ở hiền lành, chuyên tích đức. Cả đời vất vả, hai cụ tậu được gần 2ha đất thuộc xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.

    Con cái lớn lên, các cụ dựng vợ gả chồng, có chút của hồi môn cho giống thiên hạ. Cậu con trai út tên Biển ở với hai cụ. Nhưng cũng vì đất lên giá mà Biển bỗng dưng đưa cha mẹ đến chốn công đường để đòi quyền lợi. Cậu lý giải rằng, bao nhiêu năm ở với cha mẹ, cậu phải làm lụng vất vả nên cậu phải được chia phần. Cậu buộc cha mẹ cắt một phần đất đang ở cho cậu. Tòa xử cha mẹ cậu phải cắt cho cậu 0,5ha đất đang ở. Nhưng không dừng lại ở đó, cậu ta tiếp tục kiện cha mẹ vì cho rằng, những ngày canh tác trên thửa đất của cha mẹ, cậu đã cày cuốc, cải tạo đất nên quyết đòi cha mẹ phải trả cho cậu công… cải tạo đất. Khi tòa hỏi “công cải tạo đất là bao nhiêu, có bằng công sinh thành dưỡng dục không?” thì cậu… tần ngần. Và, tòa vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu: Cắt cho cậu 0,5ha.

    Giá như không có Dự án sân bay Long Thành, đất ở đây không lên cơn sốt thì những người con như Biển có đưa ra những đòi hỏi quá đáng đó không? Giờ đây, cả vợ chồng cụ Bình đều trở thành người thiên cổ, nhưng nỗi đau của hai cụ chắc vẫn chưa nguôi!

    Nhà cụ Cống, con gái kiện mẹ, nhà cụ Thửa thì ngược lại. Chính cụ Thửa là người đâm đơn kiện con gái chỉ vì đất tăng giá. Khi còn sống, vợ cụ, mẹ của các con cụ, có thống nhất nhượng phần đất hai cụ đang ở cho cô con gái út tên Kim, ngụ tại huyện Long Thành vì Kim là người có điều kiện kinh tế nhất. Các cụ đành phó thác cuộc sống của mình cho cô, đồng thời giao mảnh đất các cụ đang ở cho Kim, những ngày cuối đời của cha mẹ, Kim phải có trách nhiệm phụng dưỡng, đồng thời hằng tháng phải đưa cho cha mẹ một khoản tiền nhất định để chi tiêu…

    Tất cả mọi thành viên trong gia đình, 7 người con và hai cụ, đều thống nhất với giao kết đó. Mọi thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn tất, giấy tờ nhà đất được chuyển tên từ cha mẹ sang tên Kim. Đúng như giao kết, cô út của cụ Thửa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với cha mẹ. Các thành viên trong gia đình chẳng có ai “lời nặng tiếng nhẹ” gì với cô. Phận làm con, nếu không có giao kết, cô vẫn làm tròn trách nhiệm, huống chi việc phụng dưỡng cha mẹ được cả gia đình tín thác.

    Nhưng khi Dự án sân bay Long Thành rục rịch triển khai, đất đai quanh dự án “cựa mình” lên giá và điều gì đến đã đến. Các con cụ Thửa “nhòm ngó” mảnh đất mà gia đình thống nhất để cho cô con gái út đứng tên và “thọc gậy” để người cha đâm đơn kiện con gái mình. Bởi mảnh đất của cụ xưa chỉ đáng giá vài trăm triệu đồng, nay lên đến hơn 20 tỉ đồng, vậy nên chuyện tranh giành ắt xảy ra. Vậy là cha con bất hòa, anh chị em bất mãn, nghi kỵ lẫn nhau. Rồi đến cô con gái út cũng vác đơn ra chính quyền địa phương xin… từ mặt cha!

    Những vụ tranh chấp đất đai không chỉ xảy ra ở các xã Cẩm Đường, Suối Trầu, Suối Đục, Bầu Cạn… mà còn xảy ra ở nhiều khu vực “ăn theo” Dự án sân bay Long Thành.

    Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ từng phụ trách địa chính xã Cẩm Đường chia sẻ: Từ ngày Dự án sân bay Long Thành được công bố, đất đai lên giá vùn vụt, làm công tác quản lý phải tiếp nhận đơn thư kiện cáo, chia chác… mà cảm thấy buồn.

    Ông D - nguyên Chủ tịch UBND xã Cẩm Đường, cũng là người làm công tác hòa giải không biết bao vụ kiện cáo tranh giành đất đai khác giữa người thân với nhau cho biết, mặc dù các vụ tranh chấp chưa đi đến những vụ việc đau lòng nhưng “đúng là khi đất cười thì người khóc!”.

    Những vụ tranh chấp đất đai không chỉ xảy ra ở các xã Cẩm Đường, Suối Trầu, Suối Đục, Bầu Cạn… mà còn xảy ra ở nhiều khu vực “ăn theo” Dự án sân bay Long Thành.

    Đức Hà (Petrotimes)


  • Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, đến năm 2020, địa phương này sẽ có 35 khu công nghiệp tập trung với diện tích gần 12 nghìn ha.

    Quy hoạch phát triển khu công nghiệp này của Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tỉnh Đồng Nai đã có 32 khu công nghiệp được thành lập với diện tích trên 10,2 nghìn ha, các khu công nghiệp của Đồng Nai đã cho thuê đất được trên 5,3 nghìn ha và tỷ lệ lấp đầy là trên 76,4%, trong đó có 3 khu công nghiệp thu hút nhiều dự án của các doanh nghiệp đến đầu tư nhà xưởng sản xuất nhất là: Khu công nghiệp Amata với 152 dự án, tiếp đến là Khu công nghiệp Biên Hòa 2 có khoảng 119 dự án và Khu công nghiệp Long Thành có 115 dự án. Đây cũng là các khu công nghiệp đã sớm cho thuê hết đất.

    Đồng Nai cũng đã hình thành 3 phân khu công nghiệp để ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các dự án hoạt động trong 3 khu công nghiệp này đều rất hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sau một thời gian đầu tư đã mở rộng sản xuất. Hiện Khu công nghiệp Amata đang xin mở rộng diện tích để tiếp tục cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất. Các khu công nghiệp của Đồng Nai thu hút được 1.237 dự án đang hoạt động.

    Cũng từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này đã cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê trên 100 ha đất để đầu tư nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh.

    Cùng với phát triển các khu công nghiệp tập trung, Đồng Nai cũng xây dựng 27 cụm công nghiệp ở các địa phương, trong đó, huyện Vĩnh Cửu là địa phương có nhiều nhất với 8 cụm công nghiệp.

    Các cụm công nghiệp tại huyện Vĩnh Cửu hiện đã có nhà đầu tư hạ tầng và phần lớn đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, Cụm công nghiệp Thiện Tân ở xã Thiện Tân đang san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ đã  đăng ký thuê đất 100%. Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An ở xã Tân An cũng có doanh nghiệp thuê đất đạt 92%.

    Những cụm công nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu đa số có diện tích từ 50 ha trở xuống, riêng Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân có diện tích lớn nhất với gần 97 ha./.

    K.V