• Chung tự giới thiệu là giám đốc sàn bất động sản, nhưng thực tế chỉ là cộng tác viên cho một số đơn vị phân phối. 

    Trên tấm danh thiếp dùng để giao dịch với khách hàng, đối tác, chức danh của anh Chung là giám đốc sàn. Tuy nhiên, anh Chung không đăng ký kinh doanh, không có nhân sự thường xuyên mà sử dụng cộng tác viên. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới địa ốc.

    Sàn bất động sản của anh cũng không có trụ sở riêng mà gắn biển chung với một cửa hàng bán đồ thời trang trẻ em. Thời gian chủ yếu anh ngồi "làm việc", tiếp khách ở các quán cà phê. 

    Tự nhận là giám đốc sàn bất động sản, song thực tế anh Chung vẫn đi cộng tác với các đại lý phân phối để bán hàng. "Giới thiệu là giám đốc sàn thì đi làm việc với khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư vấn dễ tư vấn vì được họ tin hơn", anh Chung lý giải. 

     Trong khi đó, một số môi giới bất động sản lại đóng nhiều vai khi làm việc, tư vấn với đối tác, khách hàng. Nếu gặp khách mua bất động sản thổ cư, nhà phố, anh Trường đưa tấm danh thiếp giám đốc sàn. Còn nếu gặp khách mua căn hộ chung cư, anh đưa tấm danh thiếp giới thiệu mình là trưởng nhóm kinh doanh của một sàn bất động sản lớn, đang phân phối dự án đó. Ngoài 2 nơi này, anh Trường còn cộng tác với vài sàn khác. Với mỗi nhóm khách hàng, anh lại "linh hoạt" sử dụng các chức danh khác nhau để giao dịch. 

    "Có những người tự nhận là giám đốc sàn nhưng cùng lúc cũng cộng tác với 2-3 sàn khác bất động sản làm nhiễu loạn thị trường", đại diện CenGroup chia sẻ.

    Tình trạng nở rộ các "giám đốc sàn tự phong" cũng khiến nhiều sàn bất động sản lớn đau đầu. Ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc cho biết, tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho các sàn lớn trong việc quản lý thương hiệu doanh nghiệp mà còn khiến người mua như bị lạc trong "mê hồn trận". 

    "Việc họ sử dụng thương hiệu của chúng tôi bán các dự án không phải của Đất Xanh miền Bắc phân phối có thể gây rủi ro lớn. Nếu dự án đó gặp vấn đề gì, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng", ông Quyết nói, đồng thời cho biết từng có trường hợp này xảy ra. Doanh nghiệp này cũng liên tục nâng cấp hệ thống quản lý nhân viên môi giới, công khai thông tin trên website để khách hàng biết dự án nào do đơn vị này phân phối, song cũng khó để đảm bảo sự tuyệt đối. 

    Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, song chỉ 10% có chứng chỉ nghề, một tỷ lệ rất thấp. Đó là chưa kể năng lực hành nghề của những người có chứng chỉ cũng còn nhiều vấn đề. Ngoài ra, tình trạng tự nhận là giám đốc các sàn bất động sản theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký VARS cũng diễn ra rất phổ biến. 

    Thực tế này đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản, rủi ro cho người mua. "Sự thiếu nghiêm túc, làm ăn chộp giật trong hoạt động môi giới là mầm mống, nguy cơ dẫn đến tình trạng thổi giá, lừa đảo và những biến động bất thường của thị trường bất động sản", ông Đính nhận định. 

    Tuy nhiên, theo ông, việc quản lý hoạt động này hiện chưa đầy đủ khung pháp lý, người mua nhà cũng chưa có góc nhìn đúng đắn về vai trò của môi giới dễ dẫn đến tình trạng tự phát, tự phong nở rộ. 

    Nguyễn Hà


  • Ngày 14-10-2019, Kim Oanh Group đã tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), đồng thời ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CornerStone Việt Nam và Công ty cổ phần Xây dựng Trung Hậu.

    * HỢP TÁC ĐỂ ĐI XA HƠN

    Theo biên bản ký kết, OCB cam kết sẽ đồng hành và tài trợ vốn cho Kim Oanh Group trong hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển dự án bất động sản. Đồng thời, OCB cũng sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn và các gói tài chính hỗ trợ cho khách hàng mua sản phẩm tại các dự án của Kim Oanh Group với lãi suất ưu đãi.

    Không chỉ đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác uy tín, gia tăng sức mạnh cộng hưởng, gần đây Kim Oanh Group đang chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính để bước vào giai đoạn bứt phá toàn diện.

    OCB là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam với mạng lưới hơn 200 đơn vị kinh doanh trên cả nước. Hợp tác chiến lược với OCB sẽ giúp Kim Oanh Group đảm bảo nguồn tài chính vững chắc cho chiến lược phát triển sắp tới.

    Trong khi đó, với thế mạnh về tư vấn, cung cấp dịch vụ quản lý và có mối quan hệ sâu rộng với nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và trên thế giới, CornerStone Việt Nam sẽ hỗ trợ Kim Oanh Group phát huy hết tiềm lực sẵn có. Thông qua CornerStone Việt Nam, Kim Oanh Group cũng sẽ có thêm mối quan hệ với các đối tác và khách hàng nước ngoài, tăng cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Bởi CornerStone Việt Nam quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu, từng làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia có cả trăm năm kinh nghiệm phát triển bất động sản như Savills Việt Nam, Indochina Properties, Ernst & Young, Hyatt và Starwood Hotels…

    Còn Trung Hậu là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về lĩnh vực tổng thầu thiết kế và thi công công trình công nghiệp tại Việt Nam. Hợp tác với Trung Hậu, Kim Oanh Group sẽ được cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn thiết kế và xây dựng nhà xưởng chuẩn bị cho việc tham gia phân khúc bất động sản công nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp.

    Hiện nay, Kim Oanh Group đang sở hữu quỹ đất hơn 500 ha tại những thị trường trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đây là một trong những lợi thế lớn để Kim Oanh tập trung phát triển các khu đô thị quy mô lớn từ 50 – 100 héc ta với hệ thống tiện ích khép kín trong thời gian tới.

    * 16 DỰ ÁN CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI

    Sau hơn 11 năm hình thành và phát triển, Kim Oanh Group đã phát triển hệ thống gồm 6 công ty thành viên, 9 chi nhánh với hơn 1.000 nhân viên giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường bất động sản. Sắp tới, Kim Oanh sẽ mở rộng thêm một số chi nhánh mới nhằm giúp nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng.

    Không chỉ đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác uy tín, gia tăng sức mạnh cộng hưởng, gần đây Kim Oanh Group đang chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính để bước vào giai đoạn bứt phá toàn diện.

    Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Real (thành viên nòng cốt của Kim Oanh Group), cho biết việc hợp tác với OCB, CornerStone Việt Nam và Trung Hậu có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ của Kim Oanh Group. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là bước khởi đầu bởi công ty vẫn đang tiếp tục đàm phán hợp tác với nhiều đối tác khác trong các lĩnh vực tài chính; xây dựng; phát triển bất động sản; quy hoạch, thiết kế kiến trúc; thương mại, dịch vụ…

    “Thị trường bất động sản cạnh tranh ngày càng gay gắt nhưng Kim Oanh Group tự tin sẽ phát triển mạnh trong dài hạn nhờ nền tảng vững mạnh về tài chính, quỹ đất dồi dào và khả năng tiếp cận thị trường. Đặc biệt, việc bắt tay liên kết với các đối tác lớn và chuyên nghiệp như OCB, CornerStone Việt Nam cũng như Trung Hậu sẽ đưa thương hiệu Kim Oanh Group lên tầm vóc mới”, bà Oanh chia sẻ.

    Bà Oanh cũng cho biết, từ nay đến năm 2020, Kim Oanh Group dự kiến sẽ triển khai 16 dự án với hàng chục ngàn sản phẩm nhà ở thuộc đủ mọi phân khúc thị trường như đất nền, nhà phố, shophouse, biệt thự và căn hộ. Đặc biệt, một khu đô thị thương mại - công nghiệp quy mô 106 héc ta sẽ được triển khai tại Bình Dương ngay trong năm nay để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp mở cơ sở sản xuất. 

    Trên thực tế, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2019, Bình Dương đã thu hút gần 2 tỷ USD vốn FDI, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2018 và đứng thứ 3 cả nước. Tính lũy kế, hiện nay Bình Dương đang có hơn 3.600 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỉ USD. Tất cả biến Bình Dương thành “cứ điểm” sản xuất và làm gia tăng nhu cầu nhà xưởng của các doanh nghiệp. Đây chính là một cơ hội rộng mở cho Kim Oanh Group và các đối tác chiến lược khi bắt tay phát triển mảng bất động sản công nghiệp.

    Nguyệt Vy


  • Từ đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vốn đã khốn lại càng khó hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn vốn mới để tự “giải nguy” cho mình.

    Nhiều dự án “đứng hình”

    Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 36 về hạn chế tín dụng vào bất động sản. Từ đó đến nay NHNN cũng đã nhiều lần điều chỉnh lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản. Điều này đã làm cho một số doanh nghiệp bất động sản phải “đuối sức”, nhiều dự án rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng”.

    Đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản cũng nâng từ 150% lên 200%. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

    Theo tìm hiểu, vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư về trễ hẹn bàn giao nhà do... khát vốn. Điển hình như tại dự án Park Vista trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè; dự án CT Plaza Nguyên Hồng (số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty Cổ phần Nguyên Hồng làm chủ đầu tư; dự án CT Home Bình Thạnh (số 471 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Trang trí Nội thất Cát Tường làm chủ đầu tư...

    Theo các khách hàng, họ đã nhiều lần khiếu nại chủ đầu tư nhưng chỉ nhận những lời hứa. Chủ đầu tư mong khách hàng thông cảm vì công ty gặp khó khăn, trong khi thị trường bất động sản bị siết dòng tiền, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

    Cần chủ động tìm nguồn vốn mới

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản TPHCM đang vào giai đoạn vô cùng khó khăn do giao dịch ảm đạm, thủ tục pháp lý ách tắc, ngân hàng siết nguồn tín dụng. Hàng loạt dự án bất động sản rơi vào bế tắc, có dấu hiệu “chết lâm sàng”.

    Ông Châu khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần phải đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

    Đồng thời, các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường.

    Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản cũng cần coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà, được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).

    Đồng quan điểm với ông Châu, Tiến sĩ Bùi Quang Tín (Đại học Ngân Hàng TPHCM) cũng cho rằng, chính vì việc tiếp cận vốn ngân hàng khó hơn trước dù không phải là khó cho tất cả đối tượng mà chỉ khó cho một vài phân khúc, một vài chủ đầu tư nhưng sẽ tạo cơ hội cho nhiều chủ đầu tư, kể cả người dân cũng được mở ra hướng tiếp cận vốn mới giống như thị trường tài chính trên thế giới.

    Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, cách thức mà các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang phát hành trái phiếu cũng là một cách để họ tiếp cận nguồn vốn mới. Và điều đó hoàn toàn phù hợp với thị trường hiện nay. Bởi vì, hơn 70% dòng vốn của hệ thống ngân hàng là dòng vốn ngắn hạn, nên nếu như dòng vốn đó cứ “chảy” vào thị trường bất động sản, kể cả các doanh nghiệp theo hình thức vốn ngắn hạn và cho vay trung hạn thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới rủi ro về kỳ hạn, rủi ro lãi suất.

    Do đó hiện nay các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong cách tiếp cận dòng vốn mới. Đó là chưa kể ngoài trái phiếu doanh nghiệp ra thì họ còn có thể phát hành các cổ phiếu, cũng như có thể huy động vốn thông qua FDI, thông qua các hình thức sáp nhập và mua lại (M&A)…

    “Thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay là một thời điểm thuận lợi để thị trường tài chính phát triển. Và đây cũng chính là một kênh huy động vốn rất tốt không chỉ là bây giờ mà còn trong thời gian tới, chính là điểm nổi bật, điểm tựa mới cho các doanh nghiệp bất động sản để sau đó họ có nguồn vốn trung, dài hạn chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng”, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nói.

    http://phuocson.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=1573&NewsViews=4953&language=vn-VN

    http://phuocson.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=1573&NewsViews=4953&language=en-US

    Quế Sơn


  • Diễn đàn là một sân chơi lớn, vừa là nơi giao lưu học hỏi vừa là nơi trao đổi kinh nghiệm. Trong đó cũng bao gồm các nội dung gắn với tình hình thực tiễn, xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.

    Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 sẽ được tổ chức vào ngày 27/11 tới đây. Trước thềm diễn ra sự kiện, Reatimes ghi lại những chia sẻ của đại diện Ban Tổ chức - ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng).

    "Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017. Năm 2018, Hiệp hội tập trung vào hai sự kiện lớn, cũng có những ý nghĩa tương tự Diễn đàn: Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam và Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Trong năm 2019, Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 là hoạt động lớn nhất do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng.

    Mục tiêu chính của Diễn đàn là tạo một sân chơi lớn - là nơi giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp. Diễn đàn bao gồm các nội dung gắn với tình hình thực tiễn, xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Bởi thực chất, thị trường bất động sản gặp phải nhiều vướng mắc, từ cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Diễn đàn lần 2 sẽ phác hoạ lại bức tranh toàn cảnh thị trường năm 2019. Đồng thời, cũng đưa ra những dự báo, định hướng cho thị trường tiếp tục phát triển.

    Về quy mô tổ chức, Diễn đàn lần 2 có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến đất đai, thuế, hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản, xây dựng; cộng đồng doanh nghiệp.

    Diễn đàn được tổ chức trong 1 ngày, phiên buổi sáng dự kiến sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Xây dựng với bài phát biểu tổng quan về thị trường và công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản.

    Tiếp đó là bài phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về tổng quan thị trường bất động sản trong năm 2019 và định hướng phát triển trong năm 2020. Tiếp đó là các phiên thảo luận xoay quanh các bất cập, khó khăn, vướng mắc, thời cơ và cơ hội mới cho thị trường trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Buổi chiều cùng ngày sẽ tổ chức hai phiên thảo luận mở với các chủ đề hấp dẫn của thị trường bất động sản.

    Diễn đàn năm nay sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề nổi bật nhất của thị trường. Đầu tiên là cơ chế chính sách. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “cục máu đông” trong giai đoạn 2018 - 2019 - điểm nghẽn của thị trường. Bằng chứng là tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, thời gian qua số dự án mở bán mới rất ít. Nguyên nhân không phải do thiếu đất đai, thiếu quy hoạch mà trọng điểm vẫn là Nhà nước đang tổng rà soát lại các dự án đang triển khai.

    Động thái này đã khiến các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản “chững lại” để xem xét. Một phần là họ lo sợ trách nhiệm nên mới “câu giờ” hoặc “đá bóng vòng quanh”. Điều này dẫn đến tình trạng dự án đầu vào của thị trường “nhỏ giọt”, kéo theo đầu ra năm 2019 và những năm tiếp theo rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hoá, thậm chí câu chuyện tăng giá, làm giá có thể xảy ra.

    Tuy nhiên, giai đoạn này cũng chỉ mang tính chất cục bộ, không kéo dài như giai đoạn khủng hoảng của năm 2009. Từ thực trạng này có thể thấy, thị trường đang đi về phía giá trị thực. Tức là người mua có nhu cầu thực, người bán phải xem xét trên rất nhiều khía cạnh để quyết định giá trị sản phẩm của mình để bán trên thị trường. Từ đó, cũng có thể thấy rằng, khi thị trường mở bán dự án mới chắc chắn sẽ tiêu thụ tốt hơn.

    Thứ hai là vấn đề thủ tục hành chính. Hiện nay, để xảy ra những bất cập về thực thi pháp luật, một phần lỗi do những người thực thi pháp luật thiếu chuyên nghiệp, sợ trách nhiệm và không theo kịp sự phát triển của thị trường. Đây là một những vấn đề phải cải thiện mạnh mẽ. Bởi minh chứng rõ ràng, có những dự án từ khi triển khai thực hiện đến khi mở bán phải qua rất nhiều khâu, công đoạn, tốn rất nhiều thời gian và phía sau là câu chuyện tốn kém nhiều kinh phí. Hậu quả khiến cho các nhà phát triển mất cơ hội đầu tư, mất thời cơ, nản ý chí.

    Tồn tại nhiều bất cập như vậy, làm sao để tháo gỡ? Tại Diễn đàn bất động sản thường niên lần 2, chính các nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản sẽ hiến kế. Bên cạnh đó, các hiệp hội được mời tham gia cũng chia sẻ các giải pháp, tháo gỡ.

    Cuối cùng là câu chuyện định hướng thị trường, Diễn đàn sẽ có nhiều bài viết, tham luận về một số lĩnh vực trong thời gian tới để thị trường tiếp tục phát triển tốt. Điển hình là thị trường condotel, mặc dù còn nhiều tồn tại bất cập về pháp lý song nhu cầu vẫn rất lớn. Với thị trường nhà ở, dư địa phát triển còn cao và cầu cũng lớn hơn cung. Bất động sản công nghiệp là một sân chơi mới. Xưa nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng nơi sản xuất trong khi đó những khu nhà ở công nhân lại chưa được chú ý. Có những tổ hợp hàng vạn công nhân nhưng thiếu nơi cư trú cho họ…

    Tất cả những vấn đề đó sẽ được “mổ xẻ” tại Diễn đàn lần này. Mục tiêu cuối cùng của Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 vẫn là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện tại cho thị trường bất động sản để tiếp tục phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới"./.

    Hồng Vũ (ghi)


  • Nam nhân viên môi giới bất động sản ở Đồng Nai dẫn khách đi xem đất thì mất tích, thi thể sau đó được tìm thấy trong một vườn điều.

    Sự việc được phát hiện vào sáng nay tại một vườn điều thuộc xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

    Nạn nhân là anh Phạm Kế Thế (31 tuổi, ngụ Đồng Nai), là nhân viên môi giới bất động sản.

    Theo thông tin ban đầu, khoảng 9h sáng nay, một người dân đi vào vườn điều trên thì phát hiện thi thể nam giới nằm dưới đất, bên cạnh có một chiếc xe máy.

    Sự việc ngay sau đó được trình báo cho cơ quan chức năng để điều tra. Đến 13h cùng ngày, công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang phong tỏa khu vực để khám nghiệm hiện trường.

    Theo người thân của nạn nhân, vào ngày 16/10, anh Thế nói dẫn khách đi xem đất nhưng đến tối vẫn không về nhà, gọi điện thoại cho anh không nghe máy.

    Tại hiện trường, thi thể nạn nhân còn mặc áo khoác, quần jean. Chiếc xe máy của nạn nhân vẫn dựng cách đó khoảng 10m, đang được khóa cổ.

    Anh Thế có vợ và một con nhỏ, mới làm nhân viên môi giới bất động sản vài năm nay. Trước thời điểm xảy ra vụ việc nạn nhân vẫn khỏe mạnh, không gì bất thường.

    Minh Tâm (Theo vietnamnet)