•  Chều nay, ngày 4/10 Công ty tư vấn CBRE đã tổ chức họp báo về thị trường BĐS Hà Nội quý 3/2018. Theo đó, phân khúc căn hộ hoạt động không mấy khả quan trong quý 3/2018. 

     

     

     

    Cụ thể, trong quý 3/2018, Hà Nội có gần 5.000 căn hộ chung cư được chào bán từ 24 dự án trên toàn thành phố, giảm khoảng 24% so với quý trước. Cùng đó, lượng thanh khoản đạt khoảng 4.300 căn hộ, cũng giảm khoảng 27% so với quý 2/2018.

     

    Lý giải về điều này, Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội cho rằng theo quy luật, quý 3 là thời điểm mà doanh số bán hàng không cao bởi có 7 âm lịch và tâm lý của nhiều khách hàng kiêng mua nhà trong tháng này.

     

    "Bên cạnh đó, nhiều khách hàng muốn chờ đợi các dự án lớn sẽ mở bán vào những tháng cuối năm để có thêm lựa chọn. Điều này làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và chủ đầu tư vì thế cũng ém dự án để chờ tung hàng vào thời điểm cuối năm", bà An cho biết.

     

    Tuy nhiên, cũng theo đại diện CBRE mặc dù lượng giao dịch không nhiều nhưng lượng đặt chỗ ở các dự án lớn chuẩn bị được mở bán vẫn gia tăng. Điều này cho thấy thị trường vẫn đang nhận được sự quan tâm của người mua.

     

    Theo báo cáo của CBRE, mức giá thứ cấp trung bình là 1.118 USD/m2, biến động từ 0,1% đến 1,5% theo quý. Một số dự án vừa hoàn thiện có quy mô và đầy đủ tiện ích có mức tăng 3-5%. CBRE dự báo giá bán sơ cấp các căn hộ ở Hà Nội sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.

     

    Về nguồn cung tương lai, CBRE cho biết quý cuối của năm 2018, thị trường bất động sản Hà Nội dự kiến sẽ được bổ sung nguồn cung lớn từ các dự án trung có quy mô lớn như Vincity Ocean Park, Vin City Tây Mỗ Đại Mỗ. Nguồn cung từ phân khúc trung cấp tiếp tục duy trì vị trị dẫn đầu trên thị trường với con số dự kiến chiếm khoảng hơn 60% tổng nguồn cung chung cư chào bán năm 2018 tại Hà Nội.

     

    Đặc biệt, CBRE cũng cho biết thị trường nhà ở Hà Nội cho thấy xu hướng mở rộng ra ngoài khu vực trung tâm với các dự án mới ở huyện Thanh Trì và Hoài Đức. Khu vực phía Đông thời gian trước nguồn cung không phổ biến bằng nhưng càng ngày càng gia tăng hơn ở các khu vực khác. Quỹ đất khu vực phía Đông vẫn rất dồi dào. Phân khúc trung cấp vẫn có nhu cầu lớn nhất trong khi phân khúc hạng sang còn khá ít.

     

    Lan Nhi

     

    Theo Trí thức trẻ


  •  Với lợi thế gần 100km bờ biển đẹp, Bà Rịa - Vũng Tàu đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư phát triển BĐS tầm cỡ tìm đến, trong đó có nhiều dự án có số vốn đăng ký cả tỷ USD. 

     

    Báo cáo từ các sở, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây cho thấy, qua rà soát hiện trạng thực tế và các quy hoạch đang thực hiện thì các khu vực ven biển (đảo Gò Găng, khu vực Sông Cá Sảo, khu vực biển Long Hải, khu vực Tây Nam Bà Rịa, khu đảo Long Sơn…) rất thuận tiện cho việc lập các dự án theo các quy hoạch chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. 

     

    Tuy nhiên, các khu vực này chưa được đầu tư phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Bên cạnh đó, nhiều năm qua dọc bờ biển của tỉnh có nhiều dự án nghỉ dưỡng đăng ký đầu tư hoặc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với quỹ đất lớn nhưng không triển khai. 

     

    Nguyên nhân chính là do nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực đáp ứng trong quá trình triển khai dự án, do vậy một số dự án quy mô đất lớn đang bị bỏ hoang. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tiến hành rà soát, lập danh sách các dự án buộc phải thu hồi để chào mời gọi nhà đầu tư mới.

     

    Do đó, gần đây đã có nhiều nhà phát triển BĐS tầm cỡ trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư. Nói về việc dòng vốn đang đổ mạnh vào địa phương, ông Mai Trung Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết có lẽ nhận diện được tiềm năng phát triển thực sự của Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua địa phương đã chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với dòng vốn lên đến hàng tỷ USD.

     

    Điển nhìn như mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty TNHH Hồ Tràm xây dựng sân bay Lộc An, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không phục vụ khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm. Diện tích dự kiến xây dựng sân bay 244,33ha. Trong đó 47,55ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Kinh phí khoảng 4.250 tỷ đồng.

     

    Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn cho phép xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm, với diện tích 164ha tại huyện Xuyên Mộc với tổng số vốn đăng ký 4,23 tỷ USD, có kinh doanh casino...

     

    Để khai thác sử dụng hợp lý tiềm năng khu vực ven biển, Sở Xây dựng cũng vừa đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập kế hoạch quản lý, khai thác hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ven biển trên cơ sở lồng ghép giữa quy hoạch xây dựng và các quy hoạch xây dựng chuyên ngành khác.

     

    Ông Hưng cho rằng địa phương rất có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng so với nhiều tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do tỉnh sở hữu gần 100km đường bờ biển, nhiều vùng núi cao đẹp nhưng hơn mười năm qua nhiều dự án lớn "rót" vốn vào đây vẫn chưa thành hiện thực như cam kết.

     

    Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện lại điều chỉnh quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2050, kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch - nghỉ dưỡng lớn đã bị thu hồi trước đây do nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai. Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh Corp, Tuần Châu, Tiến Phước... cũng đang làm việc với tỉnh để tìm hiểu những khu vực có thể đầu tư dự án mới.

     

    Đặc biệt, ông Hưng cho biết  khu vực Bãi Trước của TP. Vũng Tàu được xem là vị trí đắc địa và có giá trị lịch sử phát triển lâu đời của tỉnh. Do vậy, tỉnh cũng đang cân nhắc việc kêu gọi các dự án đầu tư vào khu vực ven biển này. "Tỉnh đang tiến hành thực hiện điều chỉnh quy hoạch trình Chính phủ thông qua, trong đó ưu tiên hàng chục nghìn hecta đất dọc bờ biển chỉ để kêu gọi đầu tư các dự án du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp theo xu thế phát triển hiện nay của vùng và khu vực", ông Hưng nói thêm.

     

    Theo ông Hưng, trước giờ khi nói đến xây dựng kế hoạch lấn biển luôn luôn phải thận trọng, cần nghiên cứu thật kĩ để tránh gây tác hại đến môi trường và kiến trúc cảnh quan trong vùng. Tuy nhiên, với đường bờ biển dài hàng trăm km của tỉnh, có những khu vực chỉ toàn bãi đá ngầm, bãi bùn thì nên ưu tiên cải tạo bằng các dự án du lịch hiện đại.

     

    Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh ưu tiên kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, có thương hiệu quốc tế, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, thu hút được dòng khách cao cấp.

     

    Nam Phong https://www.bandatnenbaria.vn

     

    Theo Trí thức trẻ


  •  Theo nhận định từ các công ty nghiên cứu thị trường, khi nguồn cung sơ cấp thiếu hụt thì hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra sôi nổi ở thị trường thứ cấp, đặc biệt ở sản phẩm nhà phố và đất nền. 

     

     

     

    Nguồn cung mới (sơ cấp) giảm đáng kể

     

    Theo báo cáo thị trường quý 3/2018 của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, hầu hết các phân khúc bất động sản tại TP.HCM đều sụt giảm mạnh nguồn cung mới chào bán ra thị trường.

     

    Theo báo cáo quý 3 của CBRE Việt Nam, số lượng căn hộ chào bán mới tại Tp.HCM trong quý 3 đạt 6.711 căn hộ, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2018 có 22.363 căn được chào bán, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Xét về tỉ lệ giữa các phân khúc sản phẩm, phân khúc hạng sang tiếp tục khan hiếm nguồn cung, không có dự án nào chào bán mới trong quý.

     

    Phân khúc cao cấp chiếm 40% tổng nguồn cung mới, trung cấp chiếm 52%, phân khúc bình dân chiếm 8% tổng nguồn cung. Theo CBRE thì các chủ đầu tư tránh tháng ngâu và người mua cũng cân nhắc kỹ lưỡng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm cung.

     

    Điểm đáng chú ý trên thị trường là nguồn cung biệt thự, nhà phố, đất nền mở bán ở giai đoạn 3 tháng vừa qua rất hạn chế. Theo CBRE, thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn Tp.HCM đã trải qua một quý giao dịch trầm lắng do sự khan hiếm về nguồn cung. 

     

    Bên cạnh đó, các dự án mở bán ở quý này chủ yếu có quy mô nhỏ (dưới 20 căn/dự án) với giá bán dao động từ 2.273 USD/m2 đất (khu biệt thự Vạn Xuân Riverview) đến 6.737 USD/m2 đất (Lancaster Eden).

     

    JLL Việt Nam cũng nhận định, biệt thự, nhà phố nguồn cung mới đạt 814 căn, giảm đến 47% theo quý do lượng mở bán mới tương đối hạn chế trong tháng 7 âm lịch.

     

    Còn theo các doanh nghiệp BĐS, trong quý 3 doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các hoạt động tiền bán hàng chẳng hạn như tuyển đội ngũ nhân viên kinh doanh, huấn luyện dự án, thu thập đặt giữ chỗ chuẩn bị cho các đợt bung hàng lớn dự kiến vào cuối năm.

     

    Thị trường thứ cấp tăng giá, sôi động?

     

    Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, do sự thiếu hụt về nguồn cung mới,hoạt động của thị trường chủ yếu diễn ra sôi nổi ở thị trường thứ cấp, đặc biệt là với sản phẩm nhà phố. Điều này thể hiện ở việc giá bán thứ cấp cho loại hình sản phẩm nhà phố xây sẵn tại một số trường hợp trong quý 3/2018 đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

     

    Theo ghi nhận thị trường, hiện tại hoạt động mua bán BĐS liền thổ, căn hộ chung cư chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp với giá chênh ít nhất từ 7-10% so với đầu năm. Trong đó, phân khúc nhà phố, biệt thự khan nguồn cung mới được xem điểm sáng của thị trường về tăng giá thứ cấp. Theo JLL, giá bán thứ cấp nhà phố, biệt thự tăng khoảng 2-3% theo quý, đặc biệt có những dự án tăng 5-7% trong vòng 3 tháng.

     

    Trong khi đó, ở thị trường căn hộ, giao dịch hiện tại cũng chủ yếu diễn ra ở những dự án gần hoàn thiện hoặc đang trong quá trình xây dựng. Giá thứ cấp cũng biến động tăng từ 5-7% trong vòng 6-8 tháng.

     

    Xét về giá bán, mặt bằng giá trung bình tiếp tục tăng trong quý 3/2018. Giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp ghi nhận ở mức 1.607 USD/m2, tăng 2% so với quý trước và tăng 10% so với năm trước. Giá bán tăng được ghi nhận tại các dự án trung và cao cấp có vị trí tốt. Xét về vị trí, các quận ở khu Đông như Quận 2, Quận Thủ Đức và Quận 9 ghi nhận mức tăng 5%-7% so với quý trước.

     

    Xét theo các khu vực bán hàng thuộc Tp.HCM thì theo các chuyên gia, khu Đông vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số các giao dịch của toàn thị trường. Trong đó, Quận 2 chiếm 33% số giao dịch và Quận 9 chiếm 45% số giao dịch trên địa bàn TP.

     

    Riêng ở phân khúc đất nền tại Tp.HCM, nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm, không có dự án quy mô mở bán. Do đó, giao dịch hiện nay ở phân khúc này chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp, giá biến động tăng trong 3 tháng qua rơi ở mức 7-10%. Các nền đất có sổ được người mua thực tìm kiếm nhiều nhất.

     

    Theo bà Dung, trong quý cuối năm 2018, một số dự án được triển khai sẽ khiến mặt bằng giá phân khúc hạng sang tăng mạnh. Về khu vực, phía Đông và phía Nam sẽ tiếp tục là các điểm nóng của thị trường vào quý cuối năm. 

     

    Với lượng lớn nguồn cung trong quý 4, số căn bán được dự kiến cũng sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu đến từ cả nhà đầu tư và người mua để ở, khách nước ngoài và khách trong nước. "Hiện lượng đặt chỗ lớn ở các dự án chuẩn bị mở bán khá lớn cho thấy thị trường vẫn đang nhận được sự quan tâm của người mua", bà Dung khẳng định.

     

    Hạ Vy

     

    Theo Nhịp sống kinh tế


  • Về việc góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

     

     Theo đó, sự cần thiết của việc lập điều chỉnh quy hoạch: Việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng được thực hiện khi có sự điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành có liên quan hoặc có sự biến động lớn về trữ lượng, chất lượng nguồn nước so với dự báo. Tuy nhiên, trong đồ án quy hoạch chưa làm rõ được sự cần thiết, lý do cũng như cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, đề nghị rà soát, bổ sung.

     

    Về tên đồ án: Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh tên đồ án cho phù hợp với quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (sau đây gọi tắt là Nghị định 117).

     

    Giai đoạn lập quy hoạch đến năm 2020 là quá ngắn, không đảm bảo điều kiện thực hiện và không phù hợp với giai đoạn lập quy hoạch được quy định tại khoản 1, Điều 13 của Nghị định 117.

     

    Phạm vi lập quy hoạch (theo phân vùng phục vụ cấp nước bao gồm cả một số đô thị và nông thôn) không phù hợp quy mô quy hoạch (toàn bộ vùng nông thôn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đề nghị rà soát, chỉnh sửa.

     

    Về nội dung của đồ án: Đề nghị bổ sung đánh giá hiện trạng chất lượng nước thô, chất lượng nước sạch, công nghệ xử lý nước được áp dụng và các dự án có liên quan đến quy hoạch cấp nước, đặc biệt là các dự án về cấp nước.

     

    Về định hướng phát triển: Một số tiêu chuẩn, cơ sở dùng để tính toán nhu cầu sử dụng nước: Rà soát lại các tiêu chuẩn cấp nước trong quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường vùng nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 14/3/2008 và lựa chọn tiêu chuẩn cấp nước phù hợp với thực tế và nhu cầu trong giai đoạn sắp tới đặc biệt là tiêu chuẩn cấp nước cho mục đích chăn nuôi để tránh tình trạng quy hoạch không sát với thực tế dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư.

     

    Dự báo tỷ lệ tăng dân số (xấp xỉ 1%) theo thuyết minh điều chỉnh để tính toán nhu cầu dùng nước của người dân trong khu vực là chưa đủ cơ sở khoa học và tính pháp lý. Bổ sung các nguyên tắc, phương pháp, phần mềm, các tham số,... tính toán thủy lực để xác định mạng lưới đường ống cấp nước.

     

    Bổ sung nghiên cứu giải pháp kết nối hạ tầng khung của toàn tỉnh, hỗ trợ giữa cấp nước khu vực đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, tránh quy hoạch dàn trải, gây lãng phí trong đầu tư xây dựng.

     

    Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bổ sung đề xuất công nghệ xử lý nước được áp dụng, quy định bảo vệ nguồn nước (trong đó có đề xuất sự phối hợp của các Sở, ban, ngành trong kiểm soát ô nhiễm, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước), bảo vệ hệ thống cấp nước, nhu cầu sử dụng đất cho các công trình cấp nước, giải pháp thực hiện quy hoạch, các dự án ưu tiên triển khai thực hiện, phương án tổ chức quản lý cấp nước vùng.

     

    Đánh giá tác động, bổ sung giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững đặc biệt là nguồn nước trước những tác động của biến đổi khí hậu. Làm rõ cơ sở xác định xuất vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước (nhà máy, mạng lưới) để tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư. Xây dựng giải pháp huy động nguồn lực cho thực hiện quy hoạch, khả năng hoàn vốn đầu tư cũng như giải pháp chính sách phát triển cấp nước nông thôn.

     

    Về bản vẽ: Bản vẽ ĐCQHCN - 02/3 bản đồ nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thể hiện được trữ lượng, khả năng khai thác nguồn nước ngầm trên địa bàn. Căn cứ Khoản 3, Điều 60 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP, đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch cấp nước nêu trên.

     

    Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 02 quy hoạch chuyên ngành cấp nước được lập riêng cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn, điều này làm hệ thống cấp nước của hai khu vực thiếu tính gắn kết, hỗ trợ và gây lãng phí trong đầu tư xây dựng.

     

    Một số huyện trong tỉnh có địa bàn phân bố rộng, dân cư khu vực nông thôn sống không tập trung, mạng lưới đường ống phân phối thiếu nên cần đề xuất các giải pháp kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư từ nhiều nguồn vốn trong đó có nguồn vốn từ tư nhân nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

     

    Đoan Trang 


  • Để giám sát, ngăn chặn tình trạng bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, Thành ủy Biên Hòa đã chỉ đạo UBND thành phố Biên Hòa lắp đặt camera an ninh tại những điểm thường xảy ra bơm hút cát.

    Theo Thành ủy Biên Hòa (Đồng Nai), để giám sát, ngăn chặn tình trạng bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua địa bàn thành phố), Thành ủy Biên Hòa đã chỉ đạo UBND thành phố Biên Hòa lắp đặt camera an ninh tại những điểm thường xảy ra bơm hút cát như: Cù lao Tân Vạn, cù lao Ba Xê và 8 phường nằm dọc sông Đồng Nai.

    Phó Bí thư Thành ủy Biên Hòa Thi Văn Dũng cho biết, sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa có trữ lượng cát xây dựng lớn, chất lượng tốt. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trên địa bàn thành phố diễn ra phức tạp. Xác định việc bảo vệ tài nguyên cát là vấn đề quan trọng, Thành ủy Biên Hòa đã chỉ đạo các ngành chức năng lập kế hoạch, lên phương án cụ thể nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên này.

    Theo đại diện UBND thành phố Biên Hòa, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, đến nay, thành phố Biên Hòa đã lập 2 tổ công tác gồm: Đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép và Đội kiểm tra phản ứng nhanh. Các đoàn này có sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, tài nguyên – môi trường thành phố.

    Từ đầu năm 2018 đến nay, các đoàn đã tổ chức trinh sát, truy bắt, xử lý hàng chục vụ khai thác cát trái phép, tạm giữ nhiều phương tiện.

    Việc lắp đặt camera an ninh, trong quá trình triển khai phát sinh nhiều khó khăn do một số nơi nằm xa khu dân cư, đường điện... nên đến nay vẫn chưa hoàn thành, mới lắp đặt xong tại một số vị trí. Hiện, UBND thành phố Biên Hòa đang phối hợp cùng các phường để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh lắp đặt camera.

    Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc lắp đặt camera an ninh giám sát, ngăn chặn khai thác cát trái phép là cách làm mới. Khi thành phố Biên Hòa hoàn thành lắp đặt, nếu hiệu quả, Đồng Nai sẽ nhân rộng ra các địa phương giáp sông Đồng Nai như huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu.

    Công Phong/TTXVN





    Follow this section's article RSS flux