• Ngày 30-10, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã làm việc với huyện Nhơn Trạch nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

    Theo UBND huyện Nhơn Trạch, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hút 422 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD. Các công ty trên địa bàn cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng 105 ngàn lao động tại địa phương và trong khu vực. Thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 10-2018 được gần 588 tỷ đồng, đạt 87% dự toán năm.

    Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, khó khăn hiện nay của huyện là các công trình đường giao thông kết nối với các địa phương khác còn chậm, giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án không đạt kế hoạch đề ra.

    Huyện đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí gần 1 ngàn tỷ đồng để triển khai nhanh các dự án khu tái định cư: Phước Thiền, Phước An, Vĩnh Thanh; làm đường Phạm Thái Bường (xã Phước Khánh), Hương lộ 19, Đường 25C đoạn từ khu công nghiệp đến giáp Đường số 2... Ngoài ra, huyện cũng đề nghị tỉnh bố trí thêm hơn 100 tỷ đồng xây dựng các phòng học cho các trường tiểu học, THCS ở xã Phước Thiền, Long Thọ, Hiệp Phước để tránh học ca 3.

    Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí nguồn vốn theo tiến độ của từng dự án của huyện. Song huyện nên kêu gọi thêm nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các trường học trên địa bàn, vì nhiều doanh nghiệp có ý định đầu tư trường tư ở huyện để giảm gánh nặng cho ngân sách.

    Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhận xét, từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Nhơn Trạch đã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đây là địa bàn có sức hấp dẫn lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và FDI. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện cần tập trung cải cách hành chính, thu hút thêm các dự án đầu tư, khai thác nguồn thu từ đất để tăng thu cho huyện, tỉnh. Các sở ngành phối hợp cùng huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông, tái định cư. Ngoài ra, huyện Nhơn Trạch cũng là nơi hay phát sinh ổ dịch bệnh, vì vậy huyện cần chủ động phòng chống, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

    Tin và ảnh: Hương Giang


  • Kinh tế phát triển mạnh, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, lại nắm giữ vị trí quan trọng ngay cửa ngõ giao thương phía Đông của TP.HCM đã đưa thị trường bất động sản Đồng Nai trở thành “điểm nóng” thu hút dòng vốn đầu tư.

    Hạ tầng bứt phá, bất động sản hưởng lợi

    Những năm gần đây, Đồng Nai đang có sự bùng nổ về hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án lớn đang và chuẩn bị được triển khai. Ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 mở rộng, sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị khởi công, từ nay đến năm 2020, Đồng Nai sẽ dành 35.000 tỉ đồng xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (Lâm Đồng), đường Vành đai 3. Cùng với đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư mở rộng các trục đường xuyên tâm thành phố Biên Hòa, đường ven sông, thống nhất chủ trương xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống metro kết nối Biên Hòa với TP.HCM và các cây cầu nối Biên Hòa, Nhơn Trạch với quận 9... Những công trình này không chỉ giúp việc đi lại, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn, thúc đẩy kinh tế Đồng Nai phát triển mà còn tạo ra đòn bẩy cho thị trường bất động sản tăng trưởng.

    Thực tế cho thấy Đồng Nai đang là khu vực giáp ranh TP.HCM có thị trường bất động sản hết sức sôi động. Giá bất động sản tại đây không ngừng tăng cao và thiết lập bằng mặt giá mới trong thời gian vừa qua. Đơn cử như tại thành phố Biên Hòa, giá đất các khu vực phường Bửu Hòa, Tân Hòa, Tân Phong hồi đầu năm 2018 giá chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng/m2 nhưng hiện đã tăng lên ngưỡng 20 triệu đồng/m2. Riêng ở khu vực trung tâm thành phố, giá đất giao dịch lên đến 80 – 100 triệu đồng/m2.

    Tuy nhiên, quỹ đất ở khu trung tâm thành phố Biên Hòa không còn nhiều nên gần đây nhiều nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến khu vực giáp ranh với Long Thành, nơi sân bay quốc tế Long Thành đang được khẩn trương đầu tư. Một loạt dự án tại khu vực này đã thu hút một lượng lớn khách hàng như: Paradise Riverside, Golden Center City 3, Biên Hòa New Town 2… Giá đất tại đây hồi đầu năm khoảng 8-10 triệu đồng/m2 thì nay cũng đã tặng lên 12-15 triệu đồng/m2.

    Riêng tại Nhơn Trạch, sau thời gian đầu năm tăng trưởng "nóng", hiện nay giá đất nằm quanh ngưỡng 8 - 15 triệu đồng/m2.

    Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường bất động sản Đồng Nai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ điểm tựa của hệ thống hạ tầng và chiến lược phát triển về hướng Đông của TP.HCM. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước về thu hút vốn FDI. Trong đó, phần lớn dự án tập trung vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, công nghiệp, thương mại dịch vụ và logistic. Điều này không chỉ mở ra cơ hội phát triển mà còn tạo nền tảng vững chắc giúp Đồng Nai tiếp tục nắm giữ tốt vị thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường bất động sản.

    Tâm điểm vẫn là Biên Hòa

    Với vị trí chiến lược trong tứ giác kinh tế Đồng Nai – TP.HCM – Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố Biên Hòa được xem là khu vực chiếm ưu nhiều ưu thế về thu hút đầu tư vào bất động sản. Bởi đây là đầu tàu kinh tế của tỉnh Đồng Nai với số lượng dân cư tập trung đông nhất, nhiều khu công nghiệp quy mô lớn và có nhiều tuyến đường huyết mạch đi ngang qua.

    Đặc biệt, Biên Hòa nằm ngay tâm cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Từ đây chỉ cần xuôi theo xa lộ Hà Nội hoặc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là tiếp cận ngay quận 9, Thủ Đức và các quận trung tâm TP.HCM. Nhờ lợi thế này, Biên Hòa không khác gì một đô thị vệ tinh nối liền khu Đông TP.HCM.

    Nhận diện tiềm năng phát triển của thành phố Biên Hòa, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã liên tục rót vốn vào đây để đầu tư, phát triển dự án nhà ở, khu đô thị và các cơ sở thương mại. Điển hình như mới đây, tập đoàn Keppel Land cho biết sẽ triển khai tiếp dự án mới khu đô thị thông minh vào năm 2019. Các tập đoàn Aeon (Nhật Bản), Auchan (Pháp) cũng đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Biên Hòa.

    Bên cạnh các doanh nghiệp ngoại, các nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong nước như Vingroup, Novaland, Vina Capital, Vạn Thịnh Phát, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Kim Oanh… cũng đang phát triển dự án tại đây khiến thị trường trở nên sôi động.


  • "Trước năm 2016, gia đình tôi có cùng 3 người trong họ hàng cùng góp tiền mua chung đất. Hiện tại, chúng tôi đang thắc mắc quy trình, thủ tục ra sao để chứng minh tài sản là của chung của cả 4 người? Sổ đỏ sẽ được cấp cho từng người hay sẽ chỉ có 1 sổ đỏ chung cho 4 người?" - Định Quang Thắng ( Lò Đúc – Hà Nội)

     

    Bạn Quang Thắng thân mến!

     

    Về câu hỏi trên, Kinh tế&Đô thị đã mời Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law tư vấn cụ thể cho gia đình bạn.

     

    Ở góc độ pháp lý, căn cứ khoản 2 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

     

    "Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện."

     

    Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp này có 2 hình thức cấp giấy chứng nhận:

     

    Một là, cấp giấy chứng nhận cho từng cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.

     

    Hai là, cấp chung một giấy chứng nhận nếu những người sử dụng đất có thỏa thuận bằng văn bản (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật) về việc cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện của nhóm người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất).

     

    Theo thông tin mà bạn cung cấp 4 người cùng mua một mảnh đất. Đối chiếu với quy định trên của pháp luật, thửa đất có nhiều người chung quyền sở hữu khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất và cấp cho mỗi người 01 giấy chứng nhận. Do đó, 4 người cùng mua đất hoàn toàn được phép đứng tên trên mảnh đất này.

     

    Bên cạnh đó, trong trường hợp giữa 4 người có thỏa thuận được bằng văn bản (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật) về việc cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện của nhóm người cùng sử dụng đất thì theo quy định tại khoản 3 điều 5 của Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ghi thông tin của người đại diện, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho nhóm người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất).

     

    Vân Hằng


  • Được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, Hồ Tây nổi danh là nơi đáng sống bậc nhất thủ đô, dành riêng cho giới thượng lưu và khách nước ngoài.

     

    Ngày nay, với sự đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, sự góp mặt của nhiều chủ đầu tư Bất động sản lớn đã và đang là cơ hội để người mua nhà dễ dàng sở hữu căn hộ view hồ với mức giá tầm trung.

     

    Nhu cầu tăng cao

     

    Trong bối cảnh nhu cầu mua nhà tại khu vực Hồ Tây ngày càng tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế, do quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm cộng với việc hạn chế xây dựng các dự án mới, Bất động sản Hồ Tây ngày càng trở nên “đắt giá”.

     

    Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với hàng loạt các tuyến đường lớn như Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên kéo dài giúp việc di chuyển và kết nối thuận tiện, góp phần gia tăng giá trị Bất động sản khu vực.

     

    Hiện giá đất nền tại khu vực này đang dao động trong khoảng 120-150 triệu đồng/m2 (tuỳ vị trí). Cá biệt ở vị trí trung tâm giá cho thuê cũng ở mức cao từ 30 - 40 USD/m2, thậm chí ngay cả khi thị trường mua bán khá trầm lắng thì thị trường cho thuê vẫn khá sôi động.

     

    Bởi vậy, nhiều người vẫn cho rằng chỉ những người có thu nhập cao mới có cơ hội được thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây hàng ngày sau khi đã bỏ ra hàng chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng để sở hữu một căn biệt thự dọc theo những con đường ven hồ.

     

    Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Bất động sản Hồ Tây chứng kiến sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư lớn: Sun Group, Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc), Refico… với hàng loạt các sản phẩm mới là cơ hội để người mua nhà có thể dễ dàng sở hữu căn hộ ven hồ với mức giá tầm trung từ 3 – 6 tỉ đồng/ căn hộ.

     

    Kosmo Tây Hồ - căn hộ ven hồ giá trong mơ

     

    Hồ Tây với lợi thế về điều kiện tự nhiên, phong thủy tốt, môi trường sống trong lành là nơi lý tưởng để an cư. Sở hữu căn hộ gần Hồ Tây là nhu cầu của rất nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách hàng trẻ, khách nước ngoài yêu thích sự năng động, trẻ trung.

     

    Tọa lạc tại khu vực trung tâm Tây Hồ Tây, Kosmo Tây Hồ là dự án chung cư phức hợp và giải trí gồm 3 tòa tháp cao 21, 29, 35 tầng với tầm nhìn đắt giá hướng ra Hồ Tây và bao quát toàn cảnh thành phố.

     

    Kosmo Tây Hồ chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút di chuyển, thuận tiện di chuyển tới khu vực trung tâm thành phố. Với vị trí này, dự án vừa đủ gần để cư dân hàng ngày dạo bộ hồ Tây, tận hưởng không khí mát lành từ hồ lớn, vừa dễ dàng kết nối với trung tâm vui chơi giải trí, vừa đủ xa để tách biệt khỏi những ồn ào, khói bụi. Và là nơi đáng sống, là niềm mơ ước của nhiều khách hàng trẻ, hiện đại.

     

    Ngay trong toàn nhà là hệ thống dịch vụ tiện ích hoàn hảo: bể bơi 4 mùa, sky bar, khu vui chơi ngoài trời, rạp chiếu phim CGV đầu tiên tại khu vực Tây Hồ… nơi cư dân có thể tận hưởng những phút giây thư thái cùng bạn bè, người thân mà chẳng phải đi xa.

     

    Không chỉ có lợi thế về vị trí, ưu việt về tiện ích, Kosmo Tây Hồ còn có kiến trúc ấn tượng bởi kiến trúc sư John Bilmon của ForG Architect. Các căn hộ thiết kế thông minh, linh hoạt có diện tích từ 74 – 181m2, với từ 2 - 4 phòng ngủ mở rộng và tối đa hóa công năng cho người dùng nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và không gian trong từng căn hộ. Từ ban công, cư dân có thể chiêm ngưỡng một Hồ Tây rộng lớn hay bao quát toàn cảnh thành phố về đêm.

     

    Với vị trí này, khách hàng sẵn sàng bỏ ra cả chục tỉ đồng để sở hữu căn hộ view hồ. Tuy nhiên, Kosmo Tây Hồ đang được chào bán với mức giá chỉ từ 33 triệu/m2 cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Thanh toán 30% giá trị hợp đồng, hỗ trợ lãi suất 0%; ưu đãi 2% cho khách hàng có giao dịch thành công, tặng thêm 2% đối với khách mua từ 2 căn bất kì trở lên. Đây là cơ hội để nhiều khách hàng trẻ dễ dàng sở hữu căn hộ ven hồ với mức giá hợp lý.


  • Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Tiền cho sân bay Long Thành sắp giải ngân' Chính phủ có thể phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trong tháng 11 và 23.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân.

     Sáng 29/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cho hai dự án trọng điểm quốc gia: đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Ông Thể cho hay, sau khi Quốc hội thống nhất tách dự án giải phóng mặt bằng thành sân bay Long Thành và dự án xây dựng công trình thì Bộ Giao thông tiến hành đồng thời hai việc. 

    Đầu tiên, Bộ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án giải phóng mặt bằng để trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, Bộ chủ trì đấu thầu quốc tế để lập dự án khả thi tổng thể giai đoạn một cho sân bay Long Thành.

     Tháng 3/2018, UBND tỉnh Đồng Nai trình Chính phủ dự án giải phóng mặt bằng, đến tháng 7 trình lại lần 2. Hiện 25 thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến, hồ sơ có thể được phê duyệt trong tháng 11/2018. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ kiểm đếm và sử dụng tiền được bố trí để giải phóng mặt bằng.

    Bộ Giao thông cũng tổ chức đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn một và dự kiến từ tháng 1 đến tháng 6/2019 đấu thầu quốc tế, tháng 6/2019 ký hợp đồng.

    "Liên doanh 5 nhà thầu trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản và 2 nhà thầu trong nước đang khẩn trương lập dự án. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thành trong tháng 7/2019", ông nói.

    Bộ trưởng Giao thông khẳng định, hiện hai dự án sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đang tập trung vào khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án, do đó kinh phí tuy đã bố trí nhưng chưa sử dụng được.

    Theo ông, trong tháng 11 nếu Chính phủ phê duyệt được dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng khoản 23.000 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng; còn khoản 55.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc Nam phía Đông thì đến tháng 1/2019, sau khi Bộ bàn giao mặt bằng cho các địa phương, mỗi tỉnh sẽ chọn từng đoạn đơn giản nhất để lập dự án trước và phê duyệt. "Lúc đó mới bắt đầu chi trả tiền giải phóng mặt bằng", ông Thể nói.

    "Bộ Giao thông tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong 3 năm"

    Về tiến độ của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, ông Thể khẳng định Chính phủ, Bộ Giao thông xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nên rất tập trung để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, Bộ đã tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có Uỷ ban Kiểm tra trung ương vào làm việc. Kết luận của các cơ quan chức năng đều yêu cầu Bộ Giao thông và Chính phủ thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong quá trình triển khai công trình hạ tầng.

    "Vì vậy, với dự án cao tốc Bắc Nam, chúng tôi đã thực hiện đúng trình tự, không cho phép sai sót ở bất cứ khâu nào; mục đích là công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng và phải đúng thủ tục", ông Thể nói.

    Bộ trưởng Giao thông cho hay, tháng 11/2017, Chủ tịch Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông thì tháng 12/2017, Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ ngành liên quan. Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, Bộ Giao thông tổ chức đấu thầu lập dự án, khi đấu thầu mất khoảng 2 tháng để lựa chọn nhà tư vấn phù hợp.

    Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, trong quá trình thực hiện, tư vấn phải tiến hành khảo sát và làm nhiều việc như đánh giá tác động môi trường, thống nhất khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh. Khung chính sách này phải được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ cũng cần thống nhất với các địa phương về quy mô dự án đi qua, hầm chui, cầu, vị trí các tuyến...

    "Tất cả những việc này tư vấn làm rất khẩn trương và hiện Bộ Giao thông đã phê duyệt 5 dự án; 5 dự án khác đang trình Chính phủ, khi được thống nhất Bộ sẽ phê duyệt vào đầu tháng 11. Còn một dự án chậm là cầu Mỹ Thuận 2, đây là cầu lớn nên phải đấu thầu rất lâu. Bộ đang cố gắng trong năm 2018 tất cả 11 dự án được phê duyệt", ông Thể cam kết.

    Sau khi 11 dự án được phê duyệt, dự án sẽ đầu đấu thầu thi công; dự kiến tháng 9/2019 mới hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và tập trung xây dựng công trình trong hai năm 2020 - 2021.

    "Riêng công tác giải phóng mặt bằng sẽ được tập trung trong đầu năm 2019", Bộ trưởng Giao thông cho hay.

    Trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội trong hai ngày 26 và 27/10, một số đại biểu đã lo ngại việc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm trễ. "Đến năm 2020, có khả năng dự án này không giải ngân hết vốn đã bố trí trong khi nhiều công trình khác cần vốn, như vậy sẽ gây lãng phí nguồn lực", đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

    Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn một là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.

    Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

    Hoàng Thùy





    Follow this section's article RSS flux