• Dù được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chậm tiến độ.

    Thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 27/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - một công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có cơ chế chính sách đặc thù song việc triển khai chậm, "đến nay chưa giải ngân được vốn".

    Theo ông, đến năm 2020, khả năng dự án này không giải ngân hết vốn trong khi nhiều công trình khác cần vốn, như vậy sẽ gây lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, đây là công trình phải bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến đời sống nhân dân.

    Cụ thể, dự án liên quan đến 4.800 hộ dân, trên 15.000 nhân khẩu, hơn 10 năm nay họ thấp thỏm, không an cư được vì biết là phải di dời, nhưng chưa biết sẽ về đâu, sinh kế như thế nào; nơi đang ở thì trong quy hoạch, không phát triển sản xuất được, thậm chí sửa chữa nhà cửa cũng khó khăn.

    "Đây là công trình hạ tầng rất quan trọng của quốc gia, khi hoàn thành sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Chính phủ cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm trễ này, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt xem xét trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan", ông Hàm đề nghị.

    Document Long Thành https://drive.google.com/file/d/141INKXHWTMNunzJT9AVM-L1FpElpDjeA/view

    Trong phiên thảo luận sáng qua 26/10, đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho biết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm việc giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình đã được bàn rất kỹ tại Quốc hội nhưng hiện có dấu hiệu chậm trễ.

    Ông Quốc nói: "Dân chờ đợi, chính quyền địa phương sẵn sàng, tiền đã có trong túi nhưng từ tháng 5 đến nay văn bản về dự án khả thi giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thông qua".

    Theo ông Quốc, từ thực tế các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM cho thấy công trình càng kéo dài sẽ càng phức tạp và khó khăn. Vì vậy, ông mong Thủ tướng chỉ đạo sớm triển khai để dự án sân bay Long Thành thành hiện thực.

    Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn một là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.

    Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

    Quy mô dự án là thu hồi đất một lần toàn bộ 5.000 ha để xây dựng sân bay và 364 ha để xây dựng 22 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

    Hoàng Thùy


  • Phát biểu trước Quốc hội sáng 26-10, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đề cập đến dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

     

    Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết dự án Long Thành đã được bàn tại Quốc hội, hiện đang đợi chủ trương triển khai. “Dân thì chờ đợi, chính quyền sẵn sàng, tiền đã có trong túi”, nhưng từ tháng 5 đến giờ văn bản trình Chính phủ vẫn chưa được thông qua. Từ thực tế các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho thấy dự án càng kéo dài sẽ càng phức tạp và khó khăn. Vì vậy, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mong Thủ tướng chỉ đạo sớm cho triển khai để dự án thành hiện thực, đồng thời triển khai kế hoạch kết nối giao thông để đảm bảo đồng bộ.

     

    PV (tổng hợp)


  •  Sau cơn sốt đất TP.HCM từ hồi cuối năm 2017 đến gần giữa năm 2018 thì "lặng sóng" chừng 3 tháng, thời điểm này thị trường đất nền khu Đông bỗng dưng ghi nhận sự tham gia ồ ạt của "cò đất". 

    Điều này khiến thị trường đất nền khu Đông trải dài từ quận 2, quận 9 đến Thủ Đức trở nên sôi động, môi giới bất động sản hoạt động mạnh. Giá nhà đất nơi đây bị "thổi" tăng chóng mặt. 

    Tìm hiểu thực tế, cho thấy các môi giới BĐS nơi đây đang vin vào thông tin có nhiều dự án hạ tầng cũng như khu đô thị quy mô lớn đang được triển khai rầm rộ quanh khu vực này để "tung chiêu" nâng giá nhà đất lên cao.

    Theo thống kê từ một số công ty nghiên cứu thị trường, 3 quý đầu năm khu Đông TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về phân khúc đất nền. Đất nền các địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức luôn trong tình trạng cháy hàng. Chỉ tính riêng khu vực quận 2, giá đất đã tăng 15-20% so với quý trước. Đây chính là nguyên nhân khiến thanh khoản và giá đất nền tại địa bàn này có sự biến động mạnh mẽ.

    Trong đó, quận 2 là tâm điểm của thị trường bởi khu vực này vốn đã được mệnh danh là "khu quý tộc" ở khu Đông Sài Gòn bởi vị trí đắc địa, nhiều khu dân cư sang trọng như Thảo Điền, Thủ Thiêm... và được định hướng trở thành trung tâm mở rộng của TP.HCM đảm trách chức năng thương mại - dịch vụ - tài chính. Do đó, khi thị trường đất nền "sốt" thì thị trường bất động sản tại quận 2 cũng trở nên sôi động. 

    Khảo sát tại phường Thạnh Mỹ Lợi cho thấy, giá đất đã tăng từ 30 – 50% so với cuối năm 2017. Mặt bằng giá những con đường nhỏ như đường Trương Văn Bang cũng được rao bán ở mức 175 – 180 triệu đồng/m2. 

    Việc thông cầu qua đảo Kim Cương nối khu Thạnh Mỹ Lợi với Mai Chí Thọ cũng khiến giá đất khu vực này vượt lên trên 100 triệu đồng/m2. Mặt bằng chung ở phân khúc nhà phố và biệt thự tại đây khoảng 80 – 190 triệu đồng/m2.

    Thâm nhập thực tế vào đại bản doanh của giới cò đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quán cafe Bất động sản), chúng tôi nhận thấy từng tốp 5-7 cò đất ngồi các góc khác nhau bàn thảo về giá đất và các dự án rất sôi nổi, trong khi nhiều cò đất khác chạy vòng ngoài để dẫn khách vào "địa bàn". 

    Hoạt động giao dịch đất nền khu vực này chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp, sang tay nhà đất ở các dự án của Phú Long, Hưng Thịnh Land, Novaland, Mapletree... nhưng giá hiện giờ rất..."rát". Theo đó, so với một tháng trước, một nền đất 80-85m2 được bán giá 13,5-15 tỷ đồng (tăng hơn 100 triệu đồng).

    Môi giới ở đây cho biết, thời điểm từ đầu năm đến nay, đa phần khách hàng đều chọn khu Thạnh Mỹ Lợi để xuống tiền, do nơi đây đang đón đầu dòng vốn của TP.HCM rót vào nhiều dự án hạ tầng giao thông, công viên sinh thái quy mô lớn để kết nối trực tiếp với Thủ Thiêm. Một số tuyến đường lân cận khách hàng cũng quan tâm nhưng không nhiều, giá chỉ tăng vài ba triệu một m2. 

    "Cò đất ở đây kiếm ăn rất tốt, mỗi tuần có thể bỏ túi gần cả tỷ đồng. Những nhân viên dẫn mối, chạy xe bên ngoài cũng được trả thù lao khá hậu hĩnh. Đa phần đều là nhân viên mới vào làm, chủ yêu là các bạn sinh viên năm cuối hay thành niên sinh sống quanh khu vực này cũng lao vào kiếm tiền", chị Hà Nguyệt - một môi giới có thâm niên gần 10 năm tại đây, nói.

    Theo đại diện 1 sàn giao dịch trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 2), giao dịch đất nền khu Đông vẫn âm thầm diễn ra thời gian gần đây. Mặc dù không còn hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt đi mua đất "lướt sóng", nhưng nhà đầu tư dài hạn vẫn tìm kiếm đất nền tại khu vực. 

    Đặc biệt, những nền đất đã có sổ, sàn tiếp nhận trên dưới 10 giao dịch/tuần. Nhà đầu tư còn loan báo, giá bán và nhu cầu đất nền khu Đông sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới, nhất là từ thời điểm tháng 9 trở đi. 

    Trong vai nhà đầu tư, chúng tôi được một nhân viên môi giới nhà đất trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) dẫn đi xem nhiều lô đất phân lô trên trục đường Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Nguyễn Xiển, Long Thuận, Long Phước. 

    Các lô đất có diện tích 60-100m2, cách đường lớn vài trăm mét được chào giá 25-35 triệu đồng/m2. Anh này cho biết gần 1 tháng nay nhà đầu tư đã quay lại khu Đông sau 2 tháng vắng bóng. Giá chào bán đất nền tại một số "điểm nóng" của quận 9 giờ đã tăng lên 47-50 triệu đồng/m2.

    Theo đó, con đường có sức "nóng" nhất là Nguyễn Duy Trinh, đoạn thuộc phường Phú Hữu (quận 9). Chỉ dài khoảng 700m nhưng dọc hai bên đường chi chít "sàn" môi giới lộ thiên, dày đặc nhân viên đội nắng phát tờ rơi cho người đi đường, bất chấp mọi nguy hiểm do mật độ lưu thông xe tải khá dày đặc tại đây. 

    Bà Nguyễn Thị Mai Trâm, tự xưng là nhân viên môi giới của một sàn khá lớn tại quận 9, tiết lộ khách hàng gần 1 tháng nay ráo riết săn đất nền dọc tuyến đường này, do "ngửi" thấy tiềm năng giá đất sẽ tăng mạnh do nhiều đại gia địa ốc sắp đổ về đây làm dự án. 

    Do vậy, đất tại khu Liên Phường, dọc đường Nguyễn Xiển, khu dân cư Nam Khang, Anh Phúc... đang tăng "chóng mặt. "Mới tháng trước, các lô đất đều được bán với giá 38-45 triệu đồng/m2, nay đã lên gần 80 triệu/m2, những lô nằm ở mặt tiền đường cao cả 100 triệu một m2", chị này thông tin.

    Theo tìm hiểu, bà Mai Trâm thực chất là một người buôn bán tạp hoá tại một ngôi chợ trên đường Nguyễn Xiển, nhưng do thấy nhà đất đang lên cơn sốt, bà đã thuê một căn nhà nhỏ tại khu dân cư Nam Khang để sinh sống kiêm làm môi giới. 

    Ban đầu, bà Trâm mở bán tạp hoá, nước mía phục vụ khách đi tìm mua đất, rồi dần dần trở thành cò đất lúc nào không hay, từ đó lôi kéo thêm nhiều người thân làm "cò môi" tìm kiếm khách hàng. Ngay cả 3 người em trai của mình bà cũng "tuyển" làm xe ôm chở khách hàng đi coi đất nền nhiều nơi ở quận 9.

    Ngoài nhà đầu tư săn đất nền dự án, đất nền phân lô "lướt sóng", thị trường quận 9 còn xuất hiện những nhà đầu tư thu gom đất ruộng, đất vườn diện tích lớn. Chính vì vậy, đất quy hoạch sinh thái vườn hoặc đất vườn, đất ruộng nhưng nằm trong quy hoạch khu dân cư mới, khu dân cư chỉnh trang ở một số khu vực ở phường Long Bình, Long Phước tăng giá vùn vụt. Theo tìm hiểu, khách hàng mua đất diện tích lớn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, bãi giữ xe cho thuê, có người đầu tư hàng chục nhà trọ cho công nhân thuê ở...

    Tương tự, nhiều tuyến đường xung quanh dự án bến xe miền đông mới, nhà ga metro trung tâm hay bệnh viên Ung Bướu cơ sở 2 (Thủ Đức), giá đất cũng đang tăng từng ngày. Một số cò đất cho biết đất nền ở đây chỉ cần sang tay sau vài phút là đã kiếm được 200 triệu - 500 triệu trong tay, do khu vực này hạ tầng giao thông sắp hoàn thiện đang đẩy giá đất tăng mạnh. 

    Điển hình như giá một lô đất rộng 85m2 nằm cạnh bến xe miền Đông mới, một tuần trước khách hàng rao bán giá 65 triệu/m2, thì nay đã lên 75-80 triệu/m2. Tại dự án Phú Khang, đối với nền đất bên trong có diện tích 125m2, hiện nay giá bán đã lên tới 60 triệu đồng/m2, tăng 5 triệu đồng/m2 so với 3 tháng trước đây.

    Phân tích diễn biến thị trường đất nền trong thời gian gần đây, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs cho rằng, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là kênh đầu tư lựa chọn hàng đầu vào dịp cuối năm. Ở một thị trường 10 triệu dân với 2-3 triệu người ngoại tỉnh như TPHCM, nhu cầu nhà ở ngày càng phình to trong khi đất đai hạn chế dẫn đến giá đất nền chỉ có tăng chứ hiếm khi giảm.

    Ngoài ra, theo quan sát của bà Tú, ngoài dòng kiều hối cuối năm cũng như dòng tiền từ các nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh khác vẫn âm thầm chảy vào bất động sản TP.HCM, những biến động trên thị trường bất động sản trong thời gian gần đây cũng kích thích các nhà đầu tư chuyển hướng sang đất nền. 

    Mặc dù đầu tư đất nền vẫn chiếm ưu thế từ nay đến cuối năm nhưng các chuyên gia của Savills lưu ý nhà đầu tư ba điểm khi mua bán đất nền. Thứ nhất, lựa chọn những khu vực có vị trí quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để tránh trục lợi từ các đối tượng đầu cơ. 

    Thứ hai, nếu mua để ở nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay thì có thể thăm dò, định giá và tìm hiểu kỹ về pháp lý rồi mới đưa ra quyết định. Thứ ba là tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong lúc thị trường tăng giá mà chỉ nên hạn chế vay ngân hàng ở mức thấp nhất.

    Đăng Khải

    Theo Trí thức trẻ


  • So với quý 3/2018, bước sang quý 4 thị trường nhà đất, căn hộ tại Tp.HCM phân hóa rõ ràng về sức cầu ở từng khu vực.

     

    Chưa có đột biến, thị trường được dự báo khởi sắc hơn những tháng cuối năm

     

    Hiện thị trường BĐS Tp.HCM được nhiều chuyên gia dự báo tiếp tục phát triển ổn định, không bứt phá ở những tháng cuối năm, sức cầu không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, thị trường đang phân hóa rõ rệt theo khu vực, phân khúc bất động sản và được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong quý 4. 

     

    Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, nguồn cung mới BĐS bung ra thị trường đang ngày càng ít đi, nguồn cung mới vẫn chủ yếu là sản phẩm thuộc dự án cũ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này đã giảm rõ nét.

     

    Theo dự báo của DKRA Việt Nam, so với quý 3, sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ do tâm lý người dân và xu hướng dòng tiền trong thời gian cuối năm.

     

    Trong khi đó, nguồn cung các phân khúc được dự báo tiếp tục không có nhiều đột biến, nhà phố khoảng 200-300 căn, BĐS nghỉ dưỡng không có nhiều thay đổi về cung và cầu.

     

    Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường cuối năm sẽ ổn định cả về cung và cầu. Ở một số khu vực có 1 vài dự án "mới tinh" bung thị trường cuối năm dự báo sức mua sẽ tốt vì sự khan hiếm cung rõ nét từ thị trường nói chung.

     

    Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, ở phân khúc căn hộ nguồn cầu của thị trường sẽ vẫn ổn định ở các dự án có mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn. Khó có thể nói là dòng tiền của NĐT sẽ đổ vào một phân khúc nào vì mỗi phân khúc có một ưu, nhược điểm khác nhau.

     

    Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, nguồn cung BĐS đến cuối năm giảm rõ nét so với thời điểm trước nhưng ở một số phân khúc sức cầu vẫn ghi nhận ổn định. Những dự án có pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư đầu tư bài bản, vị trí đẹp vẫn thu hút nhà đầu tư "bỏ tiền" vào.

     

    Theo bà Hương, với những dự án hạng sang, cao cấp hướng đến những đối tượng khách hàng trung lưu thì nguồn tài chính sẵn có của họ khá tốt nên ít phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nên sức cầu nhìn chung ổn định ở phân khúc này.

     

    Khu vực nào sẽ là tâm điểm đầu tư cuối năm?

     

    Theo DKRA, khu vực phía Đông tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Tuy vậy, ở phân khúc căn hộ thì hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, còn hạng C không có nhiều dự án mới.

     

    Trong khi đó, nhà phố, biệt thự liền kề ở khu Đông so với các khu vực khác vẫn chiếm tỉ lệ lớn về nguồn cung và sức cầu.

     

    Một số dự án "mới tinh" chuẩn bị bung ra thị trường trong quý 4 hầu hết tập trung tại khu Đông Sài Gòn. Chẳng hạn dự án Rome Diamond Lotus của Phúc Khang, Gem Riverside của Đất Xanh Group (Q.2), Vinciy của Vingroup (Q.9). Đặc biệt, một số dự án căn hộ "thăm dò" thị trường từ quý trước và bắt đầu nhận giữ chỗ của khách mua ở quý 4/2018 có phản ứng khá tốt từ khách hàng.

     

    Theo các doanh nghiệp, chính bối cảnh nguồn cung khan hiếm là cơ hội để cho các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất trước đó tấn công thị trường ở thời điểm này. Tuy vậy, so với thời gian trước, sức mua và nguồn cung chỉ gặp nhau ở những dự án thực sự tốt. Theo bà Hương, hiện nay đã hết thời CĐT dự án chạy theo lợi nhuận và không quan tâm đến chất lượng dự án về sau cho khách hàng. 

     

    Vì trong những năm qua, rất nhiều NĐT bị thiệt hại khi đầu tư vào những dự án của CĐT không uy tín, chính điều đó khiến họ ngày càng thận trọng hơn khi tìm hiểu dự án và quyết định đầu tư. "Nguồn cung đang hạn chế trên thị trường cũng nói lên câu chuyện, thị trường đang thanh lọc các chủ đầu tư và dự án tốt để mang đến cho khách hàng giá trị đầu tư lâu dài và hiệu quả", bà Hương nhấn mạnh.

     

    Nhìn nhận thực tế cho thấy, khu Đông Tp.HCM (Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức) vẫn là khu vực được các NĐT kỳ vọng nhất ở thời điểm cuối năm. Bên cạnh sự chỉn chu về hạ tầng giao thông thì đây cũng là khu vực có sự đột phá về nguồn nhân lực khi dân lao động tỉnh lẻ, đối tượng chuyên gia nước ngoài ở các khu công nghệ có xu hướng tăng lên. 

     

    Chưa kể, sự "thay da đổi thịt" về dân số thể hiện bằng sự lấp kín ở các khu dân cư, tiện ích ngày càng đồng bộ được xem là "điểm cộng" của thị trường BĐS nơi đây.

     

    Trong khi, khu Nam Sài Gòn cũng là khu vực được nhiều CĐT "nhòm ngó" vào cuối năm nhưng thực tế để có những ưu thế về giao thông, hạ tầng thì sự bứt phá được nhìn nhận ở thì tương lai xa hơn là hiện tại.

     

    Theo nhìn nhận chung từ các đơn vị nghiên cứu thị trường và các DN, đất nền, nhà phố vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường đến thời điểm cuối năm. Trong đó, phân khúc đất nền sẽ được nhiều NĐT quan tâm hơn vì tâm lý sinh lợi ổn định, thậm chí sẽ có sự đột phá về lợi nhuận vì sức cầu luôn tập trung phần lớn ở loại hình này.

     

    Hạ Vy

     

    Theo Thời đại





    Follow this section's article RSS flux