• Sáng 12-10, Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (đơn vị thành viên của Tổng công ty phát triển khu công nghiệp - Sonadezi) tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khu công nghiệp Long Thành.

    Đến dự lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà Sonadezi Long Thành đạt được trong 15 năm qua và yêu cầu Sonadezi Long Thành trong thời gian tới tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư trong khu công nghiệp, thêm các dịch vụ tiện ích tăng hiệu quả hoạt động.

    Khu công nghiệp Long Thành được thành lập ngày 13-10-2003 trên diện tích gần 488 hécta, nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư. Hiện khu công nghiệp này có 199 dự án đầu tư của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn trên 1,1 tỷ USD, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn như: Ajinomoto, Olympus, Bosch đã xây dựng nhà máy tại đây. Khu công nghiệp Sonadezi Long Thành đã giải quyết việc làm cho trên 10 ngàn lao động.

    Dịp này, Sonadezi Long Thành trao 500 triệu đồng cho quỹ công tác xã hội của huyện Long Thành.

    Khắc Giới https://www.evernote.com/shard/s483/sh/417e54c0-8a63-45d2-b7a4-5bc647c63ede/dbd9441c589092744bd474af25505d11


  • Thị trường bất động sản (BĐS) trong quý III/2018 thể hiện bức tranh tích cực với sự phát triển bền vững và tốc độ ổn định ở cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM. Điều đó thể hiện ở một loạt yếu tố như nguồn cung, lượng giao dịch, cơ cấu sản phẩm hợp lý và tỉ lệ hấp thụ của thị trường tăng lên. Đặc biệt, nhu cầu của người mua nhà là nhu cầu thực, không có biểu hiện của thị trường ảo và bong bóng bất động sản.

     

    Nguồn cung tăng mạnh, cơ cấu sản phẩm hợp lý

     

    Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chỉ tính riêng trong quý III/2018 tại 2 thị trường BĐS lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM có 34 dự án phát triển BĐS đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đủ điều kiện bán hàng, qua đó đã cung cấp ra thị trường 20.328 sản phẩm mới với cơ cấu sản phẩm rất hợp lý.

     

    Cụ thể, chỉ tính riêng thị trường BĐS Hà Nội đã cung cấp ra thị trường 10.563 sản phẩm, trong khi con số này tại TPHCM là 9.792 sản phẩm. Nếu so sánh với cùng thời điểm quý III/2017, nguồn cung bất động sản tại thị trường Hà Nội tăng tới 86% (quý III/2017 cung cấp ra thị trường hơn 5.000 sản phẩm) còn tại thị trường TPHCM lượng cung tăng gấp đôi (Tổng lượng cung quý III/2017 là 4.526 căn hộ).

     

    Thực tế thị trường cho thấy giá BĐS tại 2 khu vực này không tăng và ổn định so với quý II/2018. Trong quý III, giao dịch BĐS thành công đạt 12.720 sản phẩm, nâng tỉ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt 63,5%, một con số khá ấn tượng so với thời điểm cùng kỳ của vài năm trở lại đây.

     

    Các chuyên gia lĩnh vực BĐS cho rằng điều này thể hiện niềm tin vào thị trường của các nhà phát triển BĐS và thị trường vẫn phát triển bền vững với tốc độ ổn định.

     

    Về cơ cấu sản phẩm, tại Hà Nội trong tổng nguồn cung căn hộ, phân khúc sản phẩm có giá trị thấp vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng cao, đạt 44%, phân khúc sản phẩm có giá trị trung bình và sản phẩm cao cấp mỗi loại đều đạt 22%.

     

    Đáng chú ý, trên thị trường BĐS Hà Nội đã xuất hiện dòng sản phẩm có giá trị siêu cao, đạt 14% tổng lượng cung toàn thị trường. Đây cũng là thời điểm thị trường BĐS Hà Nội được đánh giá có cơ cấu sản phẩm được phân bổ hợp lý nhất từ trước đến nay.

     

    Tại TPHCM, trong phân khúc nhà ở, căn hộ vẫn là chủ đạo trên thị trường, chiếm 94,2% tổng sản phẩm nhà ở tại các dự án phát triển BĐS kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, ngược lại với thị trường BĐS Hà Nội, tại TPHCM tỉ trọng phân khúc nhà ở cao và trung cấp lại chiếm nhiều nhất. Cao cấp đạt 40,5% và trung cấp đạt 36,5%. Trong khi đó phân khúc nhà ở bình dân lại chiếm tỉ trọng nhỏ với 21%.

     

    Thị trường BĐS sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm

     

    Trong quý IV/2018, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tiếp tục ổn định và tăng trưởng tốt. Nguồn vốn FDI có thể sẽ được đổ vào Việt Nam tốt hơn bởi các nhà đầu tư kinh tế đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Thời điểm những tháng cuối cùng trong năm cũng là thời điểm Việt Nam nhận được nguồn kiều hối mạnh nhất và số lượng không nhỏ từ dòng kiều hối này sẽ được đầu tư vào lĩnh vực BĐS bởi trong tương quan so sánh giữa các hình thức đầu tư khác thì BĐS vẫn là kênh đầu tư tốt nhất.

     

    Do nhu cầu về nhà ở và đầu tư vẫn đang ở mức tốt, dự báo trong quý cuối cùng của năm 2018, nguồn cung sản phẩm BĐS vẫn tiếp tục tăng với việc nhiều dự án được mở bán ra thị trường với sự đa dạng của các chủng loại sản phẩm.

     

    Ngoài sự ổn định và phát triển bền vững từ 2 thị trường lớn, thị trường BĐS sẽ trở nên sôi động hơn tại các tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, và hầu hết các tỉnh ĐBSCL… đều xuất hiện ít nhất không dưới 10 dự án phát triển bất động sản.

     

    Đồng thời, đây cũng là thời điểm lượng giao dịch được dự đoán sẽ tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2017.

     

    Về giá cả hàng hóa cũng sẽ không có biến động nhiều, dự báo tăng so với quý III/ 2018 từ 0,5-1%. 

    Toàn Thắng


  • So với các thị trường bất động sản như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là "ngôi sao đang lên".

    Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn thì đây mới là địa hạt "nóng" trong các thị trường bất động sản vệ tinh. Bằng chứng là mới đây lãnh đạo địa phương này phải vào cuộc siết lại quy hoạch để ngăn chặn tình trạng "sốt đất" có thể xảy ra.

    Các chuyên gia bất động sản đánh giá động lực đầu tiên giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh trong những năm qua bắt đầu từ câu chuyện về sự đột phá trong phát triển hạ tầng. Kể từ khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Bà Rịa - Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây.

    Đặc biệt, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào sử dụng, sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (bandatnenbaria.vn). Cùng với đó là Cảng quốc tế Cái Mép là một trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu lớn; dự án sân bay Long Thành được quy hoạch và từng bước hoàn thiện hình hài; tuyến cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa ... được dự báo sẽ trở thành "sợi chỉ đỏ" để Bà Rịa - Vũng Tàu dễ dàng cất cánh.

    Ngoài yếu tố hạ tầng, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp và du lịch nhờ có bờ biển đẹp trải dài hàng trăm kilômet. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản tại đây xuất hiện 23 dự án với tổng mức đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 157 dự án bất động sản với tổng diện tích hơn 3.400 ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Trong đó, có 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 139 dự án đầu tư trong nước.

    Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay, giá đất trên địa bàn hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là khu vực trung tâm Bà Rịa, Tân Thành, Châu Đức... tăng mạnh. Lượng hồ sơ mua bán, giao dịch bất động sản tại các địa phương trên cũng tăng cao 20 - 30%, thậm chí lên đến 50% so với cuối năm 2017.

    Đặc biệt với phân khúc đất nền, nhà phố tại một số dự án gần khu vực trung tâm thành phố Bà Rịa đang được giao dịch ở mức từ 35 - 40 triệu đồng/m2, tương đương khoảng từ 3,5 - 4 tỷ đồng/căn.

    Tại huyện Tân Thành, gần khu công nghiệp Phú Mỹ, một nhân viên môi giới cho biết, cuối năm ngoái, giá đất tại một số dự án sổ đỏ khu vực này có mức giá trung bình chỉ từ 700 - 800 triệu đồng/lô 100m2 thì hiện nay đã tăng lên gấp đôi, nhưng vẫn không có nhiều nguồn hàng để bán do khu vực này có nhu cầu nhà ở khá lớn.

    Tại các trục đường chính thuộc xã Hắc Dịch, Tóc Tiên, những nơi gần các khu công nghiệp, tình trạng mua bán đất đai cũng khá sôi động và giá không ngừng biến động. Tại huyện Long Điền - khu vực tâm điểm nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu về tình trạng phân lô bán nền, gần đây các cơ quan chức năng của tỉnh phải vào cuộc chấn chỉnh lại tình trạng này.

    Tuy nhiên, theo giám đốc một sàn giao dịch bất động sản khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, động thái siết lại quy hoạch phân lô, bán nền không làm sức nóng của thị trường giảm nhiệt mà dẫn đến sự luân chuyển dòng tiền. Theo đó, các dự án chưa đầy đủ yếu tố pháp lý hầu như bị dừng lại, trong khi đó các dự án được xây dựng tốt, pháp lý hoàn thiện vẫn thu hút sự quan tâm khá lớn của khách hàng. Đơn cử như các dự án Golden City của chủ đầu tư Phúc Điền Land, Barya Citi của Công ty Bất động sản Danh Khôi... vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.


    Theo Gia Thắng


  • Thành phố mới Bình Dương, dự án có quy mô đầu tư lên đến gần 10 tỉ USD với kỳ vọng sẽ trở thành một Singapore thu nhỏ, thu hút hàng nghìn người và phát triển công nghiệp, thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sau gần một thập niên xuất hiện, nơi đây luôn rơi vào khung cảnh đìu hiu, hoang vắng.

     

    “Siêu thành phố” gần 10 tỉ USD hoang tàn

     

    Tỉnh Bình Dương, địa phương từng được biết đến là một thị trường bất động sản năng động nhất tại các tỉnh phía Nam nhờ lợi thế liền kề với TP.HCM và hạ tầng phát triển.

     

    Vào tháng 6.2009, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Thành phố mới Bình Dương tỷ lệ 1/500 theo quyết định số 2273/QĐ-UBND. Đến tháng 7.2009, Tổng công ty Becamex IDC được UBND tỉnh này cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm chủ đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới này. Sau đó, vào tháng 4.2010, lễ khởi công Thành phố Mới Bình Dương được tổ chức.

     

    Đến năm 2014, trong khi thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam rơi vào tình cảnh khó khăn thì tại thị trường bất động sản Bình Dương vẫn khá sôi động bởi sự kỳ vọng việc trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương được “dời đô” về toạ lạc tại Thành phố mới.

     

    Điều này khiến địa phương này bỗng dưng trở thành “thiên đường” của hoạt động kinh doanh bất động sản. Người dân Bình Dương và một lượng lớn cán bộ, chuyên gia, các nhà máy và công nhân sẽ hội tụ về địa phương này sinh sống và kinh doanh.

     

    Từ việc quảng cáo của siêu dự án này, cách đây khoảng 1 thập niên trước đã tạo nên cơn sốt đất chưa từng có trong lịch sử Bình Dương. Mỗi ngày có hàng trăm khách hàng cả nước đổ về Thành phố mới Bình Dương để giao dịch bất động sản.

     

    Chính từ cơn sốt đó, hàng loạt biệt thự, chung cư cao cấp, nhà phố mọc lên như nấm sau mưa, đất đai bị phân lô bán nền tràn lan.

     

    Tuy nhiên, sau gần 10 năm, những biệt thự hạng sang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, những căn nhà phố không người ở khiến khung cảnh Thành phố mới Bình Dương trở nên hoang tàn, u ám.

     

    Mặc dù đường sá, hạ tầng tại Thành phố mới Bình Dương được đầu tư, thiết kế rất bài bản, khang trang nhưng lại thưa thớt người. Một loạt dự án shophouse, nhà phố của nhiều chủ đầu tư được xây dựng trên một con đường rộng rãi cũng chưa có người thuê để kinh doanh. Thậm chí, nhiều dự án đang xây dựng dở đã bị bỏ hoang, ngập chìm trong cỏ dại.

     

    Cụ thể, dự án Sunflower do Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng kỹ thuật Becamex IJC làm chủ đầu tư, bao gồm 110 căn biệt thự, có diện tích từ 360m2 trở lên đang xây dựng dở phải bỏ hoang. Dự án này từng được mệnh danh là khu biệt thự triệu đô hiện đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

     

    Sát cạnh Sunflower là một dự án hoành tráng khác mang tên Lakeview Villas của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Becamex UDJ, suốt nhiều năm vẫn chưa thành hình. Dự án này có tổng diện tích 6,5ha, bao gồm 92 nền biệt thự cao cấp có diện tích 300 - 900m2, nhưng đến nay mới vài căn biệt thự được xây dựng.

     

    Một dự án khác mang tên Đông Đô Đại Phố với hàng trăm căn nhà phố được xây dựng đang bị bỏ hoang do không có người ở. Cách đó không xa là dự án Green River do Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư với hàng trăm ha đất đã được phân lô bán hết cho khách hàng từ nhiều năm trước, nhưng đến nay không ai đến xây nhà, đã biến thành bãi đất trống cỏ phủ xanh.

     

    Ngoài ra, trên các tuyến đường như Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Lê Lợi, Lê Lai… rộng thênh thang nhưng lác đác chỉ có các công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản mở ra, trong khi hầu như không có khách đến giao dịch.

     

    Hoang vắng do không kéo được dân về ở

     

    Theo quy hoạch dự án Thành phố Mới Bình Dương có tổng diện tích 1.000ha, được kỳ vọng đủ khả năng phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Để thực hiện siêu dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỉ đồng.

     

    Thành phố Mới Bình Dương có 7 phân khu chức năng gồm trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; công viên công nghệ kỹ thuật cao; trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; khu phục vụ cộng đồng (quảng trường, công viên, hồ sinh thái…); khu văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn cao cấp và các công trình hạ tầng kỹ thuật…

     

    Lý giải về nguyên nhân Thành phố mới có quy mô vốn đầu tư “khủng” nhưng lại hoang vắng, lãnh đạo Becamex Bình Dương, Chủ đầu tư dự án Thành phố Mới Bình Dương, cho biết hiện nay Becamex đang đầu tư xây dựng theo đúng lộ trình, nhiều khu vực trong dự án hiện đang ở giai đoạn xây dựng và hoàn thiện.

     

    Cũng theo lãnh đạo Becamex, theo quy hoạch Thành phố Mới Bình Dương có khoảng 500 nghìn dân. Trên thực tế đất đai và nhà cửa đã có chủ nhưng phần lớn là người dân mua để đầu tư nên không về ở.

     

    Theo một chuyên gia bất động sản cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Thành phố Mới Bình Dương trở nên hoang vắng. Trong đó có nguyên nhân chính là hầu hết sản phẩm bất động sản tại Thành phố Mới Bình Dương trước đây được bán ra với giá cao từ 5 - 7 tỉ đồng/căn, thậm chí có những dự án biệt thự có mức giá lên đến hàng triệu USD/căn, vượt quá tầm với của hầu hết người có nhu cầu thực là cán bộ, công nhân các khu công nghiệp.

     

    VĂN DŨNG/Dân Việt


  • Khi thị trường đất nền tại các đô thị lớn bão hòa và không còn nhiều quỹ đất để phát triển dự án, dòng tiền của các nhà đầu tư đang hướng về thị trường tỉnh lẻ. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư có thể bị kẹt hàng, đọng vốn.

     

    Mất tiền vì lao theo cơn sốt

     

    Từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước chứng kiến những cơn sốt đất nền diễn ra tại nhiều địa phương, kéo theo nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM, Hà Nội về các địa phương nay để săn đất đầu tư.

     

    Theo dữ liệu của Savills, tính tới cuối quý I/2018, tại quận, huyện vùng ven TP.HCM có quy hoạch tốt, giá bán đất nền đã tăng 5 - 15% theo quý và 15 - 25% theo năm.

     

    Báo cáo thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, cơn sốt đất đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh.

     

    Tại Thái Nguyên, mức giá đất nền trong nửa đầu năm 2018 dao động từ 3 - 10 triệu đồng/m2, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, tại TP. Nha Trang, tính đến cuối năm 2017, giá đất tại đây đã tăng gần 100% so với cùng kỳ 2016 và tăng khoảng 40 - 50% so với nửa đầu năm năm 2017. Giá đất nền Đà Nẵng cũng biến động mạnh, tăng khoảng 25% trong năm 2017 (so với năm 2016).

     

    Đặc biệt, tại các địa phương dự kiến trở thành đặc khu, giá đất tăng chóng mặt. Tại thị trường Vân Đồn (Quảng ninh), đầu năm 2018, giá đất đã tăng khoảng 5 - 6 lần giá trị so với 2 năm trước, do động từ 20 - 50 triệu đồng/m2. Còn tại Phú Quốc, giá đất cũng liên tục tăng nhanh 10 - 20 lần chỉ trong thời gian rất ngắn.

     

    Cơn sốt đất ở các thị trường tỉnh lẻ kéo theo rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Hà Nội và TP.HCM dồn về đây gom đất đầu tư. Tuy nhiên, khi cơn sốt qua đi, nhiều nhà đầu tư đã bị kẹt hàng, thậm chí nhiều người còn bị lừa vì chạy theo cơn sốt mà không kiểm chứng thông tin, mua phải dự án “vịt giời”.

     

    Điển hình, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị truy tìm đối tượng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang.

     

    Theo đó, mặc dù khu biệt thự Ocean View Nha Trang không được phép phân lô bán nền, chưa được phép huy động vốn, nhưng ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thiên Nhân II, chủ đầu tư dự án vẫn bán cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp thông qua “Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở”, “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Nhiều khách hàng đề nghị bên bán cung cấp các văn bản có liên quan để làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà - đất, nhưng công ty này phớt lờ.

     

    Tự tìm hiểu, khách hàng phát hiện có nhiều trường hợp cùng một thửa đất nhưng chủ đầu tư dự án Khu biệt thự Ocean View Nha Trang đã bán cho nhiều người, thậm chí có nhiều lô đất đã thế chấp ngân hàng nhưng chủ đầu tư vẫn bán cho khách hàng…

     

    Cần tỉnh táo

     

    Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc sốt đất, tăng giá đất ở các địa phương, nhất là các khu vực có tiềm năng du lịch sẽ đem lại nhiều cơ hội đầu tư, nhưng đồng thời cũng mang lại không ít rủi ro, hệ lụy cho cả thị trường và nhà đầu tư. Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là tiền mất tật mang khi chạy theo các dự án chưa đủ pháp lý, nhưng đang sôi động trong cơn sốt chung của thị trường.

     

    Quy định pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ, với dự án đất nền, muốn chuyển nhượng phải sở hữu quyền sử dụng đất, phải giải phóng mặt bằng và đầu tư một phần hạ tầng theo đúng tiến độ dự án. Đồng thời, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trước khi mở bán, chủ dự án phải thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và nhận được thông báo được phép kinh doanh thì chủ đầu tư mới được kinh doanh.

     

    Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đầu tư vào các dự án chưa đủ pháp lý. Trong đó, nhiều trường hợp nhà đầu tư biết rõ dự án sai phạm, nhưng vẫn chấp nhận xuống tiền vì tham lợi nhuận và nghĩ rằng, mình không phải là người đến sau cùng.

     

    Cũng theo ông Hà, việc nhiều nhà đầu tư "gặp nạn" trong cơn sốt đất không phải là chuyện mới trên thị trường bất động sản. Trước đó, đã có những bài học lớn từ cơn sốt đất tại Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh (Hà Nội). Người dân thấy có lợi nhuận cao, cơ hội đổi đời sau một đêm nên đổ xô đi mua đất, mà không lường trước được hệ luỵ.

     

    Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, khác với các phân khúc khác, đất nền là sản phẩm nguội đi đầu tiên và nóng lên cuối cùng của thị trường bất động sản. Suy cho cùng, đất nền là công cụ đầu tư, nhưng lại là đơn vị giao dịch mang tính ước lệ nhiều nhất.

     

    “Có thể coi đất nền là sản phẩm phái sinh của thị trường bất động sản. Không giống như nhà xây hay chung cư, đầu tư đất nền chủ yếu là lướt sóng để kiếm lời trong thời gian ngắn”, ông Hưng so sánh và cho biết, đất nền thanh khoản nhanh và sẽ tăng giá cùng cơ sở hạ tầng, theo sự lan tỏa của các khu đô thị mới theo kiểu vết dầu loang. Tuy nhiên, để thành công, nhà đầu tư phải đọc được diễn biến thị trường để biết khi nào nên mua vào, lúc nào cần bán ra. Điều này là rất khó, bởi phần lớn nhà đầu tư chỉ nhận ra đáy và đỉnh của giá đất khi sự đã rồi.

     

    Đồng quan điểm, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung cho biết, nhà đầu tư cần phải có sự cẩn trọng, bởi không phải khu vực vùng ven nào, bất động sản cũng có tiềm năng. Chỉ có những khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh, hạ tầng phát triển tốt, thì mới có khả năng tăng giá, còn các khu vực khác, nếu nhà đầu tư chạy theo cơn sốt mà không nghiên cứu kỹ, rất dễ bị mắc kẹt, chôn vốn.

     

    Theo Báo Đầu tư Bất động sản





    Follow this section's article RSS flux