• Được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, Hồ Tây nổi danh là nơi đáng sống bậc nhất thủ đô, dành riêng cho giới thượng lưu và khách nước ngoài.

     

    Ngày nay, với sự đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, sự góp mặt của nhiều chủ đầu tư Bất động sản lớn đã và đang là cơ hội để người mua nhà dễ dàng sở hữu căn hộ view hồ với mức giá tầm trung.

     

    Nhu cầu tăng cao

     

    Trong bối cảnh nhu cầu mua nhà tại khu vực Hồ Tây ngày càng tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế, do quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm cộng với việc hạn chế xây dựng các dự án mới, Bất động sản Hồ Tây ngày càng trở nên “đắt giá”.

     

    Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với hàng loạt các tuyến đường lớn như Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên kéo dài giúp việc di chuyển và kết nối thuận tiện, góp phần gia tăng giá trị Bất động sản khu vực.

     

    Hiện giá đất nền tại khu vực này đang dao động trong khoảng 120-150 triệu đồng/m2 (tuỳ vị trí). Cá biệt ở vị trí trung tâm giá cho thuê cũng ở mức cao từ 30 - 40 USD/m2, thậm chí ngay cả khi thị trường mua bán khá trầm lắng thì thị trường cho thuê vẫn khá sôi động.

     

    Bởi vậy, nhiều người vẫn cho rằng chỉ những người có thu nhập cao mới có cơ hội được thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây hàng ngày sau khi đã bỏ ra hàng chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng để sở hữu một căn biệt thự dọc theo những con đường ven hồ.

     

    Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Bất động sản Hồ Tây chứng kiến sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư lớn: Sun Group, Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc), Refico… với hàng loạt các sản phẩm mới là cơ hội để người mua nhà có thể dễ dàng sở hữu căn hộ ven hồ với mức giá tầm trung từ 3 – 6 tỉ đồng/ căn hộ.

     

    Kosmo Tây Hồ - căn hộ ven hồ giá trong mơ

     

    Hồ Tây với lợi thế về điều kiện tự nhiên, phong thủy tốt, môi trường sống trong lành là nơi lý tưởng để an cư. Sở hữu căn hộ gần Hồ Tây là nhu cầu của rất nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách hàng trẻ, khách nước ngoài yêu thích sự năng động, trẻ trung.

     

    Tọa lạc tại khu vực trung tâm Tây Hồ Tây, Kosmo Tây Hồ là dự án chung cư phức hợp và giải trí gồm 3 tòa tháp cao 21, 29, 35 tầng với tầm nhìn đắt giá hướng ra Hồ Tây và bao quát toàn cảnh thành phố.

     

    Kosmo Tây Hồ chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút di chuyển, thuận tiện di chuyển tới khu vực trung tâm thành phố. Với vị trí này, dự án vừa đủ gần để cư dân hàng ngày dạo bộ hồ Tây, tận hưởng không khí mát lành từ hồ lớn, vừa dễ dàng kết nối với trung tâm vui chơi giải trí, vừa đủ xa để tách biệt khỏi những ồn ào, khói bụi. Và là nơi đáng sống, là niềm mơ ước của nhiều khách hàng trẻ, hiện đại.

     

    Ngay trong toàn nhà là hệ thống dịch vụ tiện ích hoàn hảo: bể bơi 4 mùa, sky bar, khu vui chơi ngoài trời, rạp chiếu phim CGV đầu tiên tại khu vực Tây Hồ… nơi cư dân có thể tận hưởng những phút giây thư thái cùng bạn bè, người thân mà chẳng phải đi xa.

     

    Không chỉ có lợi thế về vị trí, ưu việt về tiện ích, Kosmo Tây Hồ còn có kiến trúc ấn tượng bởi kiến trúc sư John Bilmon của ForG Architect. Các căn hộ thiết kế thông minh, linh hoạt có diện tích từ 74 – 181m2, với từ 2 - 4 phòng ngủ mở rộng và tối đa hóa công năng cho người dùng nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và không gian trong từng căn hộ. Từ ban công, cư dân có thể chiêm ngưỡng một Hồ Tây rộng lớn hay bao quát toàn cảnh thành phố về đêm.

     

    Với vị trí này, khách hàng sẵn sàng bỏ ra cả chục tỉ đồng để sở hữu căn hộ view hồ. Tuy nhiên, Kosmo Tây Hồ đang được chào bán với mức giá chỉ từ 33 triệu/m2 cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Thanh toán 30% giá trị hợp đồng, hỗ trợ lãi suất 0%; ưu đãi 2% cho khách hàng có giao dịch thành công, tặng thêm 2% đối với khách mua từ 2 căn bất kì trở lên. Đây là cơ hội để nhiều khách hàng trẻ dễ dàng sở hữu căn hộ ven hồ với mức giá hợp lý.


  • Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Tiền cho sân bay Long Thành sắp giải ngân' Chính phủ có thể phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trong tháng 11 và 23.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân.

     Sáng 29/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cho hai dự án trọng điểm quốc gia: đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Ông Thể cho hay, sau khi Quốc hội thống nhất tách dự án giải phóng mặt bằng thành sân bay Long Thành và dự án xây dựng công trình thì Bộ Giao thông tiến hành đồng thời hai việc. 

    Đầu tiên, Bộ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án giải phóng mặt bằng để trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, Bộ chủ trì đấu thầu quốc tế để lập dự án khả thi tổng thể giai đoạn một cho sân bay Long Thành.

     Tháng 3/2018, UBND tỉnh Đồng Nai trình Chính phủ dự án giải phóng mặt bằng, đến tháng 7 trình lại lần 2. Hiện 25 thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến, hồ sơ có thể được phê duyệt trong tháng 11/2018. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ kiểm đếm và sử dụng tiền được bố trí để giải phóng mặt bằng.

    Bộ Giao thông cũng tổ chức đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn một và dự kiến từ tháng 1 đến tháng 6/2019 đấu thầu quốc tế, tháng 6/2019 ký hợp đồng.

    "Liên doanh 5 nhà thầu trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản và 2 nhà thầu trong nước đang khẩn trương lập dự án. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thành trong tháng 7/2019", ông nói.

    Bộ trưởng Giao thông khẳng định, hiện hai dự án sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đang tập trung vào khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án, do đó kinh phí tuy đã bố trí nhưng chưa sử dụng được.

    Theo ông, trong tháng 11 nếu Chính phủ phê duyệt được dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng khoản 23.000 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng; còn khoản 55.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc Nam phía Đông thì đến tháng 1/2019, sau khi Bộ bàn giao mặt bằng cho các địa phương, mỗi tỉnh sẽ chọn từng đoạn đơn giản nhất để lập dự án trước và phê duyệt. "Lúc đó mới bắt đầu chi trả tiền giải phóng mặt bằng", ông Thể nói.

    "Bộ Giao thông tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong 3 năm"

    Về tiến độ của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, ông Thể khẳng định Chính phủ, Bộ Giao thông xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nên rất tập trung để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, Bộ đã tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có Uỷ ban Kiểm tra trung ương vào làm việc. Kết luận của các cơ quan chức năng đều yêu cầu Bộ Giao thông và Chính phủ thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong quá trình triển khai công trình hạ tầng.

    "Vì vậy, với dự án cao tốc Bắc Nam, chúng tôi đã thực hiện đúng trình tự, không cho phép sai sót ở bất cứ khâu nào; mục đích là công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng và phải đúng thủ tục", ông Thể nói.

    Bộ trưởng Giao thông cho hay, tháng 11/2017, Chủ tịch Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông thì tháng 12/2017, Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ ngành liên quan. Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, Bộ Giao thông tổ chức đấu thầu lập dự án, khi đấu thầu mất khoảng 2 tháng để lựa chọn nhà tư vấn phù hợp.

    Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, trong quá trình thực hiện, tư vấn phải tiến hành khảo sát và làm nhiều việc như đánh giá tác động môi trường, thống nhất khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh. Khung chính sách này phải được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ cũng cần thống nhất với các địa phương về quy mô dự án đi qua, hầm chui, cầu, vị trí các tuyến...

    "Tất cả những việc này tư vấn làm rất khẩn trương và hiện Bộ Giao thông đã phê duyệt 5 dự án; 5 dự án khác đang trình Chính phủ, khi được thống nhất Bộ sẽ phê duyệt vào đầu tháng 11. Còn một dự án chậm là cầu Mỹ Thuận 2, đây là cầu lớn nên phải đấu thầu rất lâu. Bộ đang cố gắng trong năm 2018 tất cả 11 dự án được phê duyệt", ông Thể cam kết.

    Sau khi 11 dự án được phê duyệt, dự án sẽ đầu đấu thầu thi công; dự kiến tháng 9/2019 mới hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và tập trung xây dựng công trình trong hai năm 2020 - 2021.

    "Riêng công tác giải phóng mặt bằng sẽ được tập trung trong đầu năm 2019", Bộ trưởng Giao thông cho hay.

    Trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội trong hai ngày 26 và 27/10, một số đại biểu đã lo ngại việc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm trễ. "Đến năm 2020, có khả năng dự án này không giải ngân hết vốn đã bố trí trong khi nhiều công trình khác cần vốn, như vậy sẽ gây lãng phí nguồn lực", đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

    Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn một là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.

    Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

    Hoàng Thùy



  • Dù được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chậm tiến độ.

    Thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 27/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - một công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có cơ chế chính sách đặc thù song việc triển khai chậm, "đến nay chưa giải ngân được vốn".

    Theo ông, đến năm 2020, khả năng dự án này không giải ngân hết vốn trong khi nhiều công trình khác cần vốn, như vậy sẽ gây lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, đây là công trình phải bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến đời sống nhân dân.

    Cụ thể, dự án liên quan đến 4.800 hộ dân, trên 15.000 nhân khẩu, hơn 10 năm nay họ thấp thỏm, không an cư được vì biết là phải di dời, nhưng chưa biết sẽ về đâu, sinh kế như thế nào; nơi đang ở thì trong quy hoạch, không phát triển sản xuất được, thậm chí sửa chữa nhà cửa cũng khó khăn.

    "Đây là công trình hạ tầng rất quan trọng của quốc gia, khi hoàn thành sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Chính phủ cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm trễ này, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt xem xét trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan", ông Hàm đề nghị.

    Document Long Thành https://drive.google.com/file/d/141INKXHWTMNunzJT9AVM-L1FpElpDjeA/view

    Trong phiên thảo luận sáng qua 26/10, đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho biết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm việc giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình đã được bàn rất kỹ tại Quốc hội nhưng hiện có dấu hiệu chậm trễ.

    Ông Quốc nói: "Dân chờ đợi, chính quyền địa phương sẵn sàng, tiền đã có trong túi nhưng từ tháng 5 đến nay văn bản về dự án khả thi giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thông qua".

    Theo ông Quốc, từ thực tế các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM cho thấy công trình càng kéo dài sẽ càng phức tạp và khó khăn. Vì vậy, ông mong Thủ tướng chỉ đạo sớm triển khai để dự án sân bay Long Thành thành hiện thực.

    Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn một là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.

    Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

    Quy mô dự án là thu hồi đất một lần toàn bộ 5.000 ha để xây dựng sân bay và 364 ha để xây dựng 22 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

    Hoàng Thùy


  • Phát biểu trước Quốc hội sáng 26-10, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đề cập đến dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

     

    Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết dự án Long Thành đã được bàn tại Quốc hội, hiện đang đợi chủ trương triển khai. “Dân thì chờ đợi, chính quyền sẵn sàng, tiền đã có trong túi”, nhưng từ tháng 5 đến giờ văn bản trình Chính phủ vẫn chưa được thông qua. Từ thực tế các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho thấy dự án càng kéo dài sẽ càng phức tạp và khó khăn. Vì vậy, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mong Thủ tướng chỉ đạo sớm cho triển khai để dự án thành hiện thực, đồng thời triển khai kế hoạch kết nối giao thông để đảm bảo đồng bộ.

     

    PV (tổng hợp)