•  5 người chúng tôi mua chung một mảnh đất dự án, liệu để một người đứng tên có nguy hiểm không? 

     

    "Nhóm 5 người chúng tôi muốn mua chung 1 mảnh đất dự án, một vài người nghĩ nên để 1 người đứng tên để thuận tiện các thủ tục giao dịch. Nhưng tôi nghĩ rằng làm như vậy rất nguy hiểm và nên để cả 5 người cùng đứng tên.

     

    Xin hỏi chúng tôi cần phải làm những thủ tục gì, để mảnh đất này là tài sản chung của cả 5 người và sau khi tách được sổ đỏ riêng, thì những người còn lại không gây khó dễ để hợp thức hóa phần đất của riêng mình? Xin cám ơn".

     

    Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

     

    Về thủ tục để mảnh đất này là tài sản chung của cả 5 người, bạn cần làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho cả 5 người.

     

    Hồ sơ chuyển nhượng quyền quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:

     

    1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất;

     

    2. Giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất bản gốc;

     

    3. Sổ hộ khẩu + CMND của bên bán và bên mua (ngoài sổ hộ khẩu và CMND tùy từng trường hợp cụ thể mà Quý khách có thể phải chuẩn bị thêm các giấy tờ nhân thân khác như giấy đăng ký kết hôn,...);

     

    4. Các tờ khai theo quy định của pháp luật bao gồm:

     

    - Tờ đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mẫu 09/ĐK theo Thông tư

     

    24/2014/TT-BTNMT;

     

    - Tờ khai lệ phí trước bạ;

     

    - Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;

     

    - Tờ khai thuế phi nông nghiệp;

     

    Đối với một thửa đất có nhiều chủ sử dụng và không thể tách thửa cho từng chủ sử dụng được thì khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ quan có thẩm quyền nhà nước sẽ:

     

    “Ghi tổng diện tích đất mà người được cấp Giấy chứng nhận có quyền sử dụng riêng và sử dụng chung với người khác. Hình thức sử dụng đất ghi diện tích đất sử dụng riêng vào mục sử dụng riêng và ghi diện tích đất sử dụng chung vào mục sử dụng chung”.

     

    Điều 209 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

     

    “Điều 209. Sở hữu chung theo phần

     

    1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

     

    2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

     

    Như vậy, khi làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đăng ký biến động quyền sử dụng đất bạn thể hiện rõ quyền sử dụng đối với từng cá nhân về diện tích sử dụng chung và diện tích sử dụng riêng thì bạn sẽ có toàn quyền đối với phần đất mà bạn có quyền sử dụng.

     

    Homedy kết hợp Công ty luật Hưng Việt


  •  Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải đấu giá công khai tài sản liên quan đến đất đai của nhà nước để thu tiền vì cho rằng do cơ chế quản lý để thất thoát tiền bạc của nhà nước, thất thoát tài nguyên đất đai; nhiều người giàu lên, đại gia bất động sản là từ đất đai.

     

    Sáng 16-10, tiếp tục phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH), liên quan đến ngân sách, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu từ năm 2019 trở đi, phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại.

     

    Chủ tịch QH cho rằng phải đấu thấu công khai, bao gồm cả đất đang cho doanh nghiệp nhà nước thuê hoặc đất đai có tài sản sở hữu nhà nước trên đất, trừ những trường hợp nhỏ lẻ hoặc giao đất để thực hiện dự án tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng.

     

    "Còn lại tất cả các trường hợp đều phải đấu giá công khai. Nếu cần thiết, để có điều kiện đấu giá thì nhà nước ứng vốn để giải quyết mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân. Và sau khi đấu giá xong thì hoàn trả lại tiền tạm ứng cho ngân sách", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

     

    Chủ tịch QH cho rằng làm như hiện nay "nhà nước thất thoát nhiều lắm trong vấn đề đất đai". Do đó, bà khẳng định nếu làm được việc này, chúng ta sẽ quản lý được tài nguyên quốc gia. "Bây giờ người ta giàu lên là từ cái này thôi, đại gia bất động sản là từ chỗ này thôi. Vì vậy phải đấu giá công khai cái gì liên quan đến đất đai của nhà nước để thu tiền"

     

    "Chứ bây giờ giao đất thu tiền một lần, cho thuê đất thuộc doanh nghiệp nhà nước, rồi theo kiểu thu thế này… không rõ ràng, thất thoát tiền bạc của nhà nước. Thất thoát ở đây không phải là tham nhũng, mà thất thoát là do cơ chế quản lý của chúng ta. Do đó, phải đưa vào nghị quyết kỳ họp hoặc nghị quyết ngân sách để QH giám sát" - bà Ngân nói.

     

    Ngoài ra, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngận cũng đề nghị Chính phủ phải xem lại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về quy định việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, phải tuân thủ theo Luật Ngân sách. "Tôi cho rằng chưa đúng Luật Ngân sách. Do đó, đề nghị trong quý 4-2018 phải sửa đi".

     

    Theo Chủ tịch QH, kể từ năm 2019, tất cả các khoản đều phải thực hiện theo Luật Ngân sách. Nói về tiền thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà chúng ta bán cổ phần, bà Ngân cho rằng trong Nghị định 126 quy định nộp tiền về quỹ hỗ trợ, sắp xếp, phát triển doanh nghiệp.

     

    "Nội dung này là sai so với điều 35, 37 Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó đề nghị nộp về ngân sách Trung ương đối với các khoản do ngân sách Trung ương đầu tư, ngân sách địa phương đối với các khoản do ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế"- Chủ tịch QH cho ý kiến, đồng thời đề nghị Uỷ ban Thường vụ QH ghi vào nghị quyết phiên họp hoặc nghị quyết ngân sách để cho Chính phủ sửa.

     

    Theo Văn Duẩn

     

    Người lao động


  • Trong số các tỉnh lân cận TP.HCM, bất động sản Long An được đánh giá là thị trường mới nổi.

     

    Cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông kết nối và chính sách dãn dân đô thị của TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đón đầu làn sóng đầu tư khiến cho thị trường bất động sản Long An thời gian qua phát triển khá mạnh.

     

    Hấp lực giãn dân

     

    Nằm liền kề TP.HCM, Long An được xem là địa phương vệ tinh đón lõng xu thế giãn dân của TP.HCM. Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM, thực trạng vấn đề và giải pháp” do Thành ủy TP.HCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng TP.HCM muốn hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt thì cần mở rộng không gian đô thị để phát huy hiệu quả hơn mối liên kết và chia sẻ chức năng vùng.

     

    Từ đó, GS.KTS Trần Ngọc Chính đề xuất 2 phương án mở rộng TP.HCM về hướng Long An để phát triển theo mô hình tập trung đa cực. Phương án 1: Chủ yếu mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức, với tổng diện tích khoảng 48.000 -50.000 héc ta, dân số khoảng 37- 42 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 50 km2, từ 2.096 lên 2.146 km2, Long An giảm đi 50 km2.

     

    Phương án 2: Vẫn mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, lấy thêm huyện Cần Đước và một phần huyện Bến Lức với diện tích khoảng 90.000 đến 95.000 ha, dân số khoảng 65-70 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 95 km2, từ 2.096 lên 2.191 km2.

     

    Sau khi mở rộng, TP.HCM phát triển theo mô hình tập trung đa cực, khu vực trung tâm là khu nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Trong đó, 3 hướng chính là hướng Đông; hướng Nam; hướng Tây - Tây Nam (vùng đất dự kiến mở rộng) và hướng phụ là hướng Tây - Bắc. Dù đề xuất trên chỉ mới là ý tưởng nhưng trước đó một làn sóng dãn dân từ khu vực TP.HCM sang các huyện giáp ranh như Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức… đã diễn ra khá mạnh mẽ.

     

    Cùng với đó, một loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được thi công xây dựng và các dự án mở rộng đường Lê Văn Lương kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Cần Giuộc, dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu… càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình giãn dân và đang từng bước biến Long An thành tiểu vùng kinh tế của TP.HCM

     

    Nhà đầu tư tranh nhau… “xí phần”

     

    Nắm bắt xu hướng phát triển trong tương lai, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã nhanh chóng đổ bộ về Long An đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn. Ghi nhận tại các huyện giáp ranh với TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức… xuất hiện nhan nhản các bảng hiệu và giới cò đất rao bán các dự án bất động sản lớn đang được triển khai.

     

    Đến thời điểm hiện nay, ngoài những doanh nghiệp địa phương, thị trường bất động sản Long An đã chứng kiến một sự đổ bộ của các đại gia địa ốc tên tuổi.

     

    Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư 36 dự án với diện tích 2.086 ha vào huyện Bến Lức. Đại gia Thaco cũng được tỉnh Long An chấp thuận đầu tư KCN Quốc tế Trường Hải tại huyện Đức Huệ với diện tích 162ha. Hay mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã xin tỉnh Long An được đầu tư xây dựng khu kinh tế mở quy mô hơn 32.000ha trên địa bàn huyện Cần Giuộc và Cần Đước…

     

    Tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) cũng công bố dự án Long Hậu Riverside. Với quy mô diện tích hơn 20 héc ta, đây là dự án đất nền sổ đỏ có phát lý hoàn chỉnh được DKR phát triển thành một khu dân cư đẳng cấp với nhiều tiện ích vượt trội. Trong đó, đáng chú ý của dự án này là sự hình thành khu phố chợ Long Hậu Riverside Market được thành lập trong lòng khu dân cư Long Hậu Riverside, phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của dân cư, công nhân khu công nghiệp kề cận…

     

    Dù vậy trong vài tháng gần đây, thị trường bất động sản Long An không còn sôi động như cuối năm 2017, đầu 2018 do chính quyền tỉnh này đang “siết” chặt rà soát quy hoạch, xử lý các dự án chưa hoàn thiện pháp lý. Điều này dẫn đến thực tế nguồn cung sản phẩm bất động sản hoàn thiện pháp lý đang dần trở nên khan hiếm.

     

    Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho thị trường diễn ra làn sóng ngầm về sự tăng giá. Nhiều dự án đất nền sổ đỏ, hạ tầng được đầu tư tốt vẫn âm thầm tăng giữa các giai đoạn, mức tăng cao nhất có thể lên đến 30% - 40% trong vòng 6 – 12 tháng qua.

    Thiên Long 


  •  Tương tự Sân bay Long Thành trở thành tâm điểm của Đồng Nai, vừa qua, Sân bay Lộc An được tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chấp thuận xây dựng khiến các “ông lớn” kinh doanh BĐS trong và ngoài nước ồ ạt đổ vốn đầu tư các dự án cạnh sân bay này với kỳ vọng nơi đây thành trung tâm du lịch mới của miền Đông Nam Bộ.

     

    “Nóng”…lên từng ngày

     

    Những năm qua, hạ tầng giao thông được xây dựng liên đới đồng bộ khiến TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu xích lại gần nhau. Vài tháng trước, khi tỉnh này có chủ trương cho xây dựng sân bay Lộc An thì ngay lập tức giá đất ở hàng loạt địa phương lân cận khu vực sân bay lên cơn sốt. Một mặc, chính quyền đưa ra nhiều biện pháp hợp lý nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, phá nát quy hoạch để giúp thị trường không vấp phải “sạn” như những địa phương khác đã mắc phải khiến các doanh nghiệp BĐS không đắn do trước khi rót vốn vào đầu tư, xây dựng.

     

    Dự kiến, sân bay Lộc An được Công ty TNHH Hồ Tràm làm chủ đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 244,33 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 4.250 tỷ đồng. Trong đó, 47,55 ha thuộc xã Lộc An và 196,78 ha thuộc xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ). Khoảng thông tin xây dựng sân bay Lộc An rò rỉ ra ngoài, thị trường BĐS nơi đây lập tức chuyển động mạnh mẽ. Hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng “khủng” rục rịch khởi công, nhà đầu tư đổ về săn quỹ đất.

     

    Theo ghi nhận, tại Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu gần, các resort, khách sạn luôn rơi vào cảnh “cháy” phòng mà trước đây chưa từng xảy ra. Khách du lịch muốn có phòng thì phải đặt trước ít nhất một tuần, khách đi theo đoàn có thể phải đặt trước nửa tháng. Ngay cả khu du lịch nghỉ dưỡng như: Hodota Resort, Irelax Bangkok... (Bình Thuận) nằm gần đó cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

     

    Còn thị trường đất nền ở đây cũng đồng loạt tăng giá. Trước đây, gần Khu du lịch Bình Châu giá đất èo uột, thì nay các chủ đầu tư đổ tiền vào xây dựng nghiệm thu hạ tầng dự án bài bản, bán với giá hàng trăm triệu đồng/nền, nhưng chỉ trong thời gian ngắn ra mắt là hết hàng. Các chủ đầu tư cho biết Khu du lịch Bình Châu trong tương lai sẽ trở thành Trung tâm du lịch mới ở miền Đông Nam Bộ, dần thế chỗ bãi trước, bãi sau ở khu biển TP Vũng Tàu hiện nay đã quá tải. Chính điều đó đã khiến những khu đất hoang vu, chỉ dành cho chim trời trú ngụ lần lượt được thay thế cho các dự án đất nền, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp.

     

    Giảm tải bãi Trước, bãi Sau

     

    Theo ghi nhận, cách Khu du lịch Bình Châu khoảng 500m, hàng loạt dự án đã được khởi công như: Khu du lịch Quế My, Khu du lịch Hải Thuận, Khu du lịch Hương Hải, Khu du lịch nghỉ dưỡng Đức Tâm, dự án Sun Resort Vina, Khu đô thị Seaway Bình Châu... có quy mô từ vài chục đến gần 100 ha. Các chủ đầu tư đều có kinh nghiệm, năng lực và uy tín trong xây dựng, vận hành và biết chìu lòng…“thượng đế”.

     

    Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Trường Phát Investment chia sẻ: “Dự án Khu đô thị biển Seaway Bình Châu mới lộ thông tin ra ngoài thì nhiều nhà đầu tư từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu tìm đến xem, xin giữ chỗ. Dự án khoảng 11 ha được đầu tư theo tiêu chuẩn nhà phố nghỉ dưỡng, đầy đủ dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Với thiết kế đẳng cấp, mang đến sự khác biệt, Seaway Bình Châu sẽ góp phần vào việc phát triển Trung tâm du lịch mới của khu vực miền Đông Nam Bộ”.

     

     Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng nhận định: “Xây dựng sân bay Lộc An sẽ khiến sự giao nhau giữa các tỉnh phát triển mạnh về du lịch gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng. Bên cạnh đó, nơi này lại tập trung đông đảo các cảng cá, cảng hàng hóa rất năng động và quỹ đất được nhà đầu tư rất quan tâm. Ngoài ra, khu Bình Châu còn được biết đến là nơi hội tụ hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Chính lợi thế này ngày càng khiến nhiều doanh nghiệp BĐS đua nhau về đây phát triển dự án nghỉ dưỡng”.

     

    Theo PHÁT DŨNG/Tienphong.vn


  •  Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện chỉ có 1/24 doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Khánh Hòa.

     

    Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo kết quả kiểm tra 24/57 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh do Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện từ ngày 31.7 - 18.9.

     

    Theo đó, có 1/24 doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ bất động sản, còn lại 23 doanh nghiệp đều có sai phạm, thiếu sót.

     

    Cụ thể, 5 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động bất động sản nhưng thực tế không hoạt động ngành nghề này; 18 doanh nghiệp vẫn còn thiếu sót, sai phạm khi kinh doanh dịch vụ bất động sản như: Không thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng gửi về Sở Xây dựng theo Điều 13, Nghị định số 117/2015 của Chính phủ; kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản nhưng không bất động sản không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh...

     

    Qua các sai phạm đã nêu, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 105 triệu đồng.

     

    Theo Sở Xây dựng, theo kế hoạch, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 57 doanh nghiệp, nhưng có đến 33 doanh nghiệp chưa kiểm tra hoặc không thực hiện được với muôn vàn lý do, như thông báo kiểm tra được gửi tới các doanh nghiệp nhưng theo đường chuyển phát nhanh qua bưu điện nhưng bị chuyển trả về với lý do không để lại địa chỉ; không có người nhận; không ai biết; doanh nghiệp khi chuyển đổi văn phòng, trụ sở làm việc không để lại địa chỉ hoặc đăng ký lại địa chỉ mới với cơ quan chức năng...

     

    Vì thế, Đoàn thanh tra liên ngành chỉ kiểm tra được 24 doanh nghiệp. Thời gian qua, tại Khánh Hòa, đặc biệt là Nha Trang, nổi lên làn sóng phân lô bán nền. Không ít cá nhân, doanh nghiệp bất chấp xẻ núi, kinh doanh bất động sản, huy động vốn bất chính, hòng thu lợi cá nhân.

     

    Theo Nhiệt Băng

     

    Lao động