•  Sau cơn sốt đất TP.HCM từ hồi cuối năm 2017 đến gần giữa năm 2018 thì "lặng sóng" chừng 3 tháng, thời điểm này thị trường đất nền khu Đông bỗng dưng ghi nhận sự tham gia ồ ạt của "cò đất". 

    Điều này khiến thị trường đất nền khu Đông trải dài từ quận 2, quận 9 đến Thủ Đức trở nên sôi động, môi giới bất động sản hoạt động mạnh. Giá nhà đất nơi đây bị "thổi" tăng chóng mặt. 

    Tìm hiểu thực tế, cho thấy các môi giới BĐS nơi đây đang vin vào thông tin có nhiều dự án hạ tầng cũng như khu đô thị quy mô lớn đang được triển khai rầm rộ quanh khu vực này để "tung chiêu" nâng giá nhà đất lên cao.

    Theo thống kê từ một số công ty nghiên cứu thị trường, 3 quý đầu năm khu Đông TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về phân khúc đất nền. Đất nền các địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức luôn trong tình trạng cháy hàng. Chỉ tính riêng khu vực quận 2, giá đất đã tăng 15-20% so với quý trước. Đây chính là nguyên nhân khiến thanh khoản và giá đất nền tại địa bàn này có sự biến động mạnh mẽ.

    Trong đó, quận 2 là tâm điểm của thị trường bởi khu vực này vốn đã được mệnh danh là "khu quý tộc" ở khu Đông Sài Gòn bởi vị trí đắc địa, nhiều khu dân cư sang trọng như Thảo Điền, Thủ Thiêm... và được định hướng trở thành trung tâm mở rộng của TP.HCM đảm trách chức năng thương mại - dịch vụ - tài chính. Do đó, khi thị trường đất nền "sốt" thì thị trường bất động sản tại quận 2 cũng trở nên sôi động. 

    Khảo sát tại phường Thạnh Mỹ Lợi cho thấy, giá đất đã tăng từ 30 – 50% so với cuối năm 2017. Mặt bằng giá những con đường nhỏ như đường Trương Văn Bang cũng được rao bán ở mức 175 – 180 triệu đồng/m2. 

    Việc thông cầu qua đảo Kim Cương nối khu Thạnh Mỹ Lợi với Mai Chí Thọ cũng khiến giá đất khu vực này vượt lên trên 100 triệu đồng/m2. Mặt bằng chung ở phân khúc nhà phố và biệt thự tại đây khoảng 80 – 190 triệu đồng/m2.

    Thâm nhập thực tế vào đại bản doanh của giới cò đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quán cafe Bất động sản), chúng tôi nhận thấy từng tốp 5-7 cò đất ngồi các góc khác nhau bàn thảo về giá đất và các dự án rất sôi nổi, trong khi nhiều cò đất khác chạy vòng ngoài để dẫn khách vào "địa bàn". 

    Hoạt động giao dịch đất nền khu vực này chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp, sang tay nhà đất ở các dự án của Phú Long, Hưng Thịnh Land, Novaland, Mapletree... nhưng giá hiện giờ rất..."rát". Theo đó, so với một tháng trước, một nền đất 80-85m2 được bán giá 13,5-15 tỷ đồng (tăng hơn 100 triệu đồng).

    Môi giới ở đây cho biết, thời điểm từ đầu năm đến nay, đa phần khách hàng đều chọn khu Thạnh Mỹ Lợi để xuống tiền, do nơi đây đang đón đầu dòng vốn của TP.HCM rót vào nhiều dự án hạ tầng giao thông, công viên sinh thái quy mô lớn để kết nối trực tiếp với Thủ Thiêm. Một số tuyến đường lân cận khách hàng cũng quan tâm nhưng không nhiều, giá chỉ tăng vài ba triệu một m2. 

    "Cò đất ở đây kiếm ăn rất tốt, mỗi tuần có thể bỏ túi gần cả tỷ đồng. Những nhân viên dẫn mối, chạy xe bên ngoài cũng được trả thù lao khá hậu hĩnh. Đa phần đều là nhân viên mới vào làm, chủ yêu là các bạn sinh viên năm cuối hay thành niên sinh sống quanh khu vực này cũng lao vào kiếm tiền", chị Hà Nguyệt - một môi giới có thâm niên gần 10 năm tại đây, nói.

    Theo đại diện 1 sàn giao dịch trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 2), giao dịch đất nền khu Đông vẫn âm thầm diễn ra thời gian gần đây. Mặc dù không còn hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt đi mua đất "lướt sóng", nhưng nhà đầu tư dài hạn vẫn tìm kiếm đất nền tại khu vực. 

    Đặc biệt, những nền đất đã có sổ, sàn tiếp nhận trên dưới 10 giao dịch/tuần. Nhà đầu tư còn loan báo, giá bán và nhu cầu đất nền khu Đông sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới, nhất là từ thời điểm tháng 9 trở đi. 

    Trong vai nhà đầu tư, chúng tôi được một nhân viên môi giới nhà đất trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) dẫn đi xem nhiều lô đất phân lô trên trục đường Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Nguyễn Xiển, Long Thuận, Long Phước. 

    Các lô đất có diện tích 60-100m2, cách đường lớn vài trăm mét được chào giá 25-35 triệu đồng/m2. Anh này cho biết gần 1 tháng nay nhà đầu tư đã quay lại khu Đông sau 2 tháng vắng bóng. Giá chào bán đất nền tại một số "điểm nóng" của quận 9 giờ đã tăng lên 47-50 triệu đồng/m2.

    Theo đó, con đường có sức "nóng" nhất là Nguyễn Duy Trinh, đoạn thuộc phường Phú Hữu (quận 9). Chỉ dài khoảng 700m nhưng dọc hai bên đường chi chít "sàn" môi giới lộ thiên, dày đặc nhân viên đội nắng phát tờ rơi cho người đi đường, bất chấp mọi nguy hiểm do mật độ lưu thông xe tải khá dày đặc tại đây. 

    Bà Nguyễn Thị Mai Trâm, tự xưng là nhân viên môi giới của một sàn khá lớn tại quận 9, tiết lộ khách hàng gần 1 tháng nay ráo riết săn đất nền dọc tuyến đường này, do "ngửi" thấy tiềm năng giá đất sẽ tăng mạnh do nhiều đại gia địa ốc sắp đổ về đây làm dự án. 

    Do vậy, đất tại khu Liên Phường, dọc đường Nguyễn Xiển, khu dân cư Nam Khang, Anh Phúc... đang tăng "chóng mặt. "Mới tháng trước, các lô đất đều được bán với giá 38-45 triệu đồng/m2, nay đã lên gần 80 triệu/m2, những lô nằm ở mặt tiền đường cao cả 100 triệu một m2", chị này thông tin.

    Theo tìm hiểu, bà Mai Trâm thực chất là một người buôn bán tạp hoá tại một ngôi chợ trên đường Nguyễn Xiển, nhưng do thấy nhà đất đang lên cơn sốt, bà đã thuê một căn nhà nhỏ tại khu dân cư Nam Khang để sinh sống kiêm làm môi giới. 

    Ban đầu, bà Trâm mở bán tạp hoá, nước mía phục vụ khách đi tìm mua đất, rồi dần dần trở thành cò đất lúc nào không hay, từ đó lôi kéo thêm nhiều người thân làm "cò môi" tìm kiếm khách hàng. Ngay cả 3 người em trai của mình bà cũng "tuyển" làm xe ôm chở khách hàng đi coi đất nền nhiều nơi ở quận 9.

    Ngoài nhà đầu tư săn đất nền dự án, đất nền phân lô "lướt sóng", thị trường quận 9 còn xuất hiện những nhà đầu tư thu gom đất ruộng, đất vườn diện tích lớn. Chính vì vậy, đất quy hoạch sinh thái vườn hoặc đất vườn, đất ruộng nhưng nằm trong quy hoạch khu dân cư mới, khu dân cư chỉnh trang ở một số khu vực ở phường Long Bình, Long Phước tăng giá vùn vụt. Theo tìm hiểu, khách hàng mua đất diện tích lớn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, bãi giữ xe cho thuê, có người đầu tư hàng chục nhà trọ cho công nhân thuê ở...

    Tương tự, nhiều tuyến đường xung quanh dự án bến xe miền đông mới, nhà ga metro trung tâm hay bệnh viên Ung Bướu cơ sở 2 (Thủ Đức), giá đất cũng đang tăng từng ngày. Một số cò đất cho biết đất nền ở đây chỉ cần sang tay sau vài phút là đã kiếm được 200 triệu - 500 triệu trong tay, do khu vực này hạ tầng giao thông sắp hoàn thiện đang đẩy giá đất tăng mạnh. 

    Điển hình như giá một lô đất rộng 85m2 nằm cạnh bến xe miền Đông mới, một tuần trước khách hàng rao bán giá 65 triệu/m2, thì nay đã lên 75-80 triệu/m2. Tại dự án Phú Khang, đối với nền đất bên trong có diện tích 125m2, hiện nay giá bán đã lên tới 60 triệu đồng/m2, tăng 5 triệu đồng/m2 so với 3 tháng trước đây.

    Phân tích diễn biến thị trường đất nền trong thời gian gần đây, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs cho rằng, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là kênh đầu tư lựa chọn hàng đầu vào dịp cuối năm. Ở một thị trường 10 triệu dân với 2-3 triệu người ngoại tỉnh như TPHCM, nhu cầu nhà ở ngày càng phình to trong khi đất đai hạn chế dẫn đến giá đất nền chỉ có tăng chứ hiếm khi giảm.

    Ngoài ra, theo quan sát của bà Tú, ngoài dòng kiều hối cuối năm cũng như dòng tiền từ các nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh khác vẫn âm thầm chảy vào bất động sản TP.HCM, những biến động trên thị trường bất động sản trong thời gian gần đây cũng kích thích các nhà đầu tư chuyển hướng sang đất nền. 

    Mặc dù đầu tư đất nền vẫn chiếm ưu thế từ nay đến cuối năm nhưng các chuyên gia của Savills lưu ý nhà đầu tư ba điểm khi mua bán đất nền. Thứ nhất, lựa chọn những khu vực có vị trí quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để tránh trục lợi từ các đối tượng đầu cơ. 

    Thứ hai, nếu mua để ở nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay thì có thể thăm dò, định giá và tìm hiểu kỹ về pháp lý rồi mới đưa ra quyết định. Thứ ba là tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong lúc thị trường tăng giá mà chỉ nên hạn chế vay ngân hàng ở mức thấp nhất.

    Đăng Khải

    Theo Trí thức trẻ


  • So với quý 3/2018, bước sang quý 4 thị trường nhà đất, căn hộ tại Tp.HCM phân hóa rõ ràng về sức cầu ở từng khu vực.

     

    Chưa có đột biến, thị trường được dự báo khởi sắc hơn những tháng cuối năm

     

    Hiện thị trường BĐS Tp.HCM được nhiều chuyên gia dự báo tiếp tục phát triển ổn định, không bứt phá ở những tháng cuối năm, sức cầu không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, thị trường đang phân hóa rõ rệt theo khu vực, phân khúc bất động sản và được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong quý 4. 

     

    Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, nguồn cung mới BĐS bung ra thị trường đang ngày càng ít đi, nguồn cung mới vẫn chủ yếu là sản phẩm thuộc dự án cũ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này đã giảm rõ nét.

     

    Theo dự báo của DKRA Việt Nam, so với quý 3, sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ do tâm lý người dân và xu hướng dòng tiền trong thời gian cuối năm.

     

    Trong khi đó, nguồn cung các phân khúc được dự báo tiếp tục không có nhiều đột biến, nhà phố khoảng 200-300 căn, BĐS nghỉ dưỡng không có nhiều thay đổi về cung và cầu.

     

    Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường cuối năm sẽ ổn định cả về cung và cầu. Ở một số khu vực có 1 vài dự án "mới tinh" bung thị trường cuối năm dự báo sức mua sẽ tốt vì sự khan hiếm cung rõ nét từ thị trường nói chung.

     

    Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, ở phân khúc căn hộ nguồn cầu của thị trường sẽ vẫn ổn định ở các dự án có mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn. Khó có thể nói là dòng tiền của NĐT sẽ đổ vào một phân khúc nào vì mỗi phân khúc có một ưu, nhược điểm khác nhau.

     

    Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, nguồn cung BĐS đến cuối năm giảm rõ nét so với thời điểm trước nhưng ở một số phân khúc sức cầu vẫn ghi nhận ổn định. Những dự án có pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư đầu tư bài bản, vị trí đẹp vẫn thu hút nhà đầu tư "bỏ tiền" vào.

     

    Theo bà Hương, với những dự án hạng sang, cao cấp hướng đến những đối tượng khách hàng trung lưu thì nguồn tài chính sẵn có của họ khá tốt nên ít phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nên sức cầu nhìn chung ổn định ở phân khúc này.

     

    Khu vực nào sẽ là tâm điểm đầu tư cuối năm?

     

    Theo DKRA, khu vực phía Đông tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Tuy vậy, ở phân khúc căn hộ thì hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, còn hạng C không có nhiều dự án mới.

     

    Trong khi đó, nhà phố, biệt thự liền kề ở khu Đông so với các khu vực khác vẫn chiếm tỉ lệ lớn về nguồn cung và sức cầu.

     

    Một số dự án "mới tinh" chuẩn bị bung ra thị trường trong quý 4 hầu hết tập trung tại khu Đông Sài Gòn. Chẳng hạn dự án Rome Diamond Lotus của Phúc Khang, Gem Riverside của Đất Xanh Group (Q.2), Vinciy của Vingroup (Q.9). Đặc biệt, một số dự án căn hộ "thăm dò" thị trường từ quý trước và bắt đầu nhận giữ chỗ của khách mua ở quý 4/2018 có phản ứng khá tốt từ khách hàng.

     

    Theo các doanh nghiệp, chính bối cảnh nguồn cung khan hiếm là cơ hội để cho các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất trước đó tấn công thị trường ở thời điểm này. Tuy vậy, so với thời gian trước, sức mua và nguồn cung chỉ gặp nhau ở những dự án thực sự tốt. Theo bà Hương, hiện nay đã hết thời CĐT dự án chạy theo lợi nhuận và không quan tâm đến chất lượng dự án về sau cho khách hàng. 

     

    Vì trong những năm qua, rất nhiều NĐT bị thiệt hại khi đầu tư vào những dự án của CĐT không uy tín, chính điều đó khiến họ ngày càng thận trọng hơn khi tìm hiểu dự án và quyết định đầu tư. "Nguồn cung đang hạn chế trên thị trường cũng nói lên câu chuyện, thị trường đang thanh lọc các chủ đầu tư và dự án tốt để mang đến cho khách hàng giá trị đầu tư lâu dài và hiệu quả", bà Hương nhấn mạnh.

     

    Nhìn nhận thực tế cho thấy, khu Đông Tp.HCM (Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức) vẫn là khu vực được các NĐT kỳ vọng nhất ở thời điểm cuối năm. Bên cạnh sự chỉn chu về hạ tầng giao thông thì đây cũng là khu vực có sự đột phá về nguồn nhân lực khi dân lao động tỉnh lẻ, đối tượng chuyên gia nước ngoài ở các khu công nghệ có xu hướng tăng lên. 

     

    Chưa kể, sự "thay da đổi thịt" về dân số thể hiện bằng sự lấp kín ở các khu dân cư, tiện ích ngày càng đồng bộ được xem là "điểm cộng" của thị trường BĐS nơi đây.

     

    Trong khi, khu Nam Sài Gòn cũng là khu vực được nhiều CĐT "nhòm ngó" vào cuối năm nhưng thực tế để có những ưu thế về giao thông, hạ tầng thì sự bứt phá được nhìn nhận ở thì tương lai xa hơn là hiện tại.

     

    Theo nhìn nhận chung từ các đơn vị nghiên cứu thị trường và các DN, đất nền, nhà phố vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường đến thời điểm cuối năm. Trong đó, phân khúc đất nền sẽ được nhiều NĐT quan tâm hơn vì tâm lý sinh lợi ổn định, thậm chí sẽ có sự đột phá về lợi nhuận vì sức cầu luôn tập trung phần lớn ở loại hình này.

     

    Hạ Vy

     

    Theo Thời đại


  • (ĐTCK) Việc Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực cũng là yếu tố để thúc đẩy các loại hình bất động sản công nghiệp, trong đó đầu tư xây nhà cho thuê phát triển mạnh.

    Nhờ chính sách mở cửa, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, trong những năm vừa qua, phân khúc công nghiệp đạt được hiệu suất mạnh mẽ, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam đặt nhà máy sản xuất. Từ đó, hoạt động xây dựng các khu công nghiệp liên tục mở rộng.

    Số liệu thống kê cho thấy, từ khoảng 335 ha đất dành cho các khu công nghiệp thời kỳ mở cửa năm 1986, đến nay, con số này đã tăng lên 96.300 ha và là minh chứng sinh động nhất về tăng trưởng mạnh mẽ của khu công nghiệp Việt Nam. Hiện cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập với 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.

    Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động trên cả nước đạt bình quân gần 85%. Trong đó, nhiều địa phương, các khu công nghiệp cũ đã kín chỗ và đang tiến hành đầu tư mở thêm các khu công nghiệp mới. Đây chính là sức hút lớn với các nhà đầu tư phát triển các khu công nghiệp.

    Sự gia tăng làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp kéo theo một lượng lớn nhân sự là chuyên gia và các công nhân về làm việc. Ước tính, hiện có trên dưới 6 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực này, trong đó phần nhiều là chuyên gia nước ngoài, lao động nhập cư.

    Những lao động trong các khu công nghiệp thường có độ tuổi dưới 30 và có đến 85% chưa có nhà ở. Tuy nhiên, do mức thu nhập thấp không đủ tiền mua nhà, nên đại bộ phận đều thuê nhà trọ. Do đó, việc nhắm tới đối tượng này để phát triển các dự án nhà cho thuê trong khu công nghiệp với giá từ trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng được xem là khá tiềm năng.

    Theo tính toán, đầu tư vào lĩnh vực này có thể mang lại mức lợi nhuận khá cao cho các nhà đầu tư. Bởi đầu tư nhà ở cho công nhân thuê nhận được chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và của chính các khu công nghiệp để phục vụ chỗ ở cho người lao động và chuyên gia ở tại chỗ.

    Vì thế, so với các dự án ngoài khu công nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng nhà cho thuê trong khu công nghiệp sẽ có mức chi phí đầu tư thấp hơn. Bên cạnh đó, lượng khách hàng tiềm năng là rất lớn, giúp tỷ lệ lấp đầy luôn ở mức cao, thậm chí là kín chỗ.

    Chẳng hạn, theo tính toán, đầu tư một khu nhà cho thuê diện tích 4.500 m2, mật độ xây dựng 65%, quy hoạch cho phép xây 5 tầng trong Cụm công nghiệp Phú Thanh (Đồng Nai), thì có thể xây được khoảng 90 phòng/tầng (loại phòng 30 - 40 m2, hoàn toàn đủ cho một gia đình hạt nhân với 1 phòng ngủ, 1 phòng WC, 1 phòng khách), tương đương tổng số phòng là 450 phòng.

    Trong đó, xây dựng 400 phòng bình dân cho công nhân và 50 phòng cao cấp dành cho khách thuê là chuyên gia.

    Với giá mua đất vào khoảng 1,2 triệu đồng/m2, tiền đất rơi vào khoảng 5 tỷ đồng. Chi phí xây dựng chung là 3,5 triệu đồng/m2, chi phí xây dựng phòng cao cấp thêm khoảng 1,5 triệu đồng/m2 phòng, do đó tổng mức đầu tư tối thiểu được tính ở mức (3,5 x 4.500 x 65% x 5) + (1,5 x 30 x 50) = 53,44 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư vào khoảng 58,44 tỷ đồng.

    Với chất lượng phòng như vậy, có thể cho thuê tối thiểu 1,4 triệu đồng/tháng/phòng đối với công nhân và khoảng 7,5 triệu đồng/tháng/phòng với chuyên gia. Tổng mức thu về hàng năm là (1,4 x 400 x 12) + (7,5 x 50 x 12) = 11,22 tỷ đồng/tháng.

    Ngoài ra, có thêm khoản thu về phí quản lý, đầu tư các dịch vụ tiện ích phục vụ sinh sống cho các cư dân, lợi nhuận thu về bình quân 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Như vậy, tổng thu về mỗi năm khoảng 11,72 tỷ đồng.

    Với cách tính như vậy, chỉ 5 năm là thu hồi vốn, trong khi đó đất vẫn tăng giá, tài sản xây dựng vẫn còn đó.

    Tất nhiên, các con số nêu trên mới chỉ trong dự tính, để đạt được lợi suất sinh lời thực tế cần phải có thêm nhiều điều kiện nữa, trong đó là việc phân tích đặc điểm của từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở từng địa phương, từ đó mới xây dựng ra được các phương án đầu tư cụ thể. Dẫu vậy, trong tương lai, đây có thể là một kênh đầu tư mới dành cho những người thức thời.

    Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam
    Báo Đầu tư Bất động sản


  • Sau những thông tin về việc rục rịch xây dựng cầu Cát Lái, một số dự án lớn tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai) bắt đầu có dấu hiệu khởi động trở lại sau thời gian dài "đắp chiếu", trong khi đó nhiều dự án vẫn im hơi lặng tiếng.

    Những ngày đầu tháng 10, chạy dọc các cung đường tại thành phố mới Nhơn Trạch, Đồng Nai sẽ liên tục gặp các siêu dự án với quy mô diện tích từ vài trăm cho đến hàng nghìn m2 nằm nối tiếp nhau, có dự án đang thi công, nhưng cũng có dự án hoàn toàn thiếu vắng bóng người.

    Sau thông tin tỉnh Đồng Nai xin chủ động trong việc xây dựng cầu Cát Lái, một số dự án quy mô của các ông lớn địa ốc nước ngoài đã lập tức có dấu hiệu thi công trở lại. Trong khi đó, nhiều dự án khác vẫn chung cảnh im lìm, nhiều khu biệt thự, liền kề xây dở hoặc đã hoàn thiện đều bỏ không, cỏ mọc cao quá đầu người. Có dự án trong phạm vi hàng trăm ha đất không mọc lên bất cứ công trình xây dựng nào, đất để trồng khoai sắn, đồng sắn chạy dài ngút tầm mắt.

    Theo quy hoạch vùng TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nhơn Trạch sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao, du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên sau hơn 20 năm quy hoạch, nơi đây vẫn bị gọi là "thành phố ma" khi có hàng loạt dự án quy mô lớn "đắp chiếu" ngủ quên...

    KĐT Đông Sài Gòn New City nằm trên hai trục đường chính Tôn Đức Thắng (tỉnh lộ 25B) rộng 80 m và đường Nguyễn Ái Quốc (tỉnh lộ 25C) rộng 100 m, cách bến phà Cát Lái khoảng 9 km, cách cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ 6 km.

    Giữa năm 2017 giá đất bình quân tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) ghi nhận 5 - 7,5 triệu đồng mỗi m2, nay vọt lên 12-15 triệu đồng.

    Theo báo cáo mới nhất cập nhật cuối tháng 4/2018 của DKRA Việt Nam, thị trường đất nền tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, khu vực giáp ranh với TP HCM về hướng Cát Lái, quận 2, đang có biến động giá khá mạnh.

    Cuối năm 2016 đất nền dự án ở Nhơn Trạch chỉ dừng lại ở mốc 4-6 triệu đồng mỗi m2. Đến giữa năm 2017 giá đất bình quân tại đây nhích lên vùng 5-7,5 triệu đồng mỗi m2. Thế nhưng từ quý I/2018 bất động sản liền thổ trên địa bàn này đã vươn lên ngưỡng 6-12 triệu đồng mỗi m2. Những khu vực đường lớn, dân cư đông, giá đất đã chạm mốc 13-15 triệu đồng mỗi m2.

    Trong quý II/2018 thị trường Nhơn Trạch đón nhận thêm nguồn cung đến từ 3 dự án và mức giá cao nhất ghi nhận được đã tiệm cận ngưỡng 17-18 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, nếu so với mặt bằng chung đất nền tại Nhơn Trạch đã tăng giá 60-100% so với cùng kỳ năm ngoái và trong vòng 4 tháng qua, biên độ tăng ghi nhận 15-30%.

    Đơn vị khảo sát này nhận định, giá đất Nhơn Trạch tăng mạnh do tác động của cú hích hạ tầng phát triển về hướng TP HCM. Điểm sáng tích cực của địa bàn này là bài toán về sự kết nối giao thông liên vùng đang được Nhà Nước ưu tiên giải đáp.

    Giai đoạn 1 tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP HCM sẽ dự kiến được khởi công vào tháng 6 - 7/2018. Tuyến đường này sẽ giúp kết nối vùng giữa Sài Gòn và huyện Nhơn Trạch thuận lợi.

    Ngoài ra, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Nhơn Trạch đang được xây dựng, tuyến đường 25C đang thi công, đường 25B đã được mở rộng cùng chủ trương xây cầu Cát Lái bắc từ TP HCM qua Nhơn Trạch, cũng tác động lớn đến giá đất địa bàn này.

    DKRA Việt Nam cho biết thêm, bên cạnh yếu tố hạ tầng, giá đất huyện Nhơn Trạch tăng còn vì sức ảnh hưởng của cơn sốt đất TP HCM trong 12 tháng qua quá lớn và một phần do tác động của làn sóng đầu tư, đầu cơ đất vùng ven ngày càng mạnh mẽ.

    Dự kiến trong quý II/2018, nguồn cung đất nền tại thị trường này sẽ tiếp tục tăng do nhiều doanh nghiệp cùng ra hàng. Giá cả vẫn trong xu hướng đi lên vì chịu sự tác động lây lan của cơn sốt đất tại Sài Gòn.

    Tuy nhiên, đơn vị này cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần thận trọng, cân nhắc đến yếu tố vị trí, điều tạo nên giá trị thật của bất động sản trước khi chọn mặt gửi vàng và không nên chỉ giao dịch bằng cảm tính hoặc chạy theo đám đông.

    Vũ Lê

    VnExpress


  • Tại Đồng Nai, trong năm 2019, các địa phương đề xuất thu hồi 539 dự án với tổng diện tích đất hơn 3.000 ha. Sau khi rà soát, Sở Tài nguyên và môi trường đã trình UBND tỉnh xem xét 525 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi gần 2.400 ha.

    Báo Đồng Nai thông tin, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương lấy ý kiến những dự án đưa vào danh sách cần thu hồi đất trong năm 2019 để trình HĐND tỉnh thông qua và triển khai.  Công ty TNHH thương mại DV Đầu Tư Nam Đô 

    Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường, trong năm 2019, các địa phương đề xuất 539 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 3.000 ha. Sau khi rà soát, Sở đã trình UBND tỉnh xem xét 525 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi gần 2.400 ha.

    Trong buổi làm việc, một số sở, ngành có ý kiến rằng những năm trước vẫn còn nhiều dự án chưa được triển khai nên cần rà soát lại, những trường hợp dự án đã kéo dài 3 năm mà chưa thực hiện thì cần phải hủy bỏ để tránh gây ảnh hưởng đến người dân thuộc khu vực dự án.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại các dự án cần thu hồi đất trong năm tới một lần nữa để ngày 26/10 báo cáo về tỉnh chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt, các dự án đưa vào sanh mục cần thu hồi đất trong năm tới bắt buộc phải được ghi vốn để tránh tình trạng những dự án nằm trong danh mục nhưng không triển khai được sẽ trở thành dự án “treo”, gây khó cho công tác quản lý. Nguồn vốn đầu tư của tỉnh, các địa phương có hạn nên các huyện, thị xã, thành phố phải cân đối cho phù hợp, chỉ đưa vào danh mục cần thu hồi đất những dự án có khả năng thực hiện.

    Trước đó vào hồi đầu năm, tỉnh cũng cho biết sẽ thu hồi gần 3.400 ha đất để phục vụ cho 443 dự án triển khai trong năm 2018. Các dự án thuộc các nhóm mục đích: xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng, nhà tái định cư, nhà ở xã hội; khu đô thị mới, khu sản xuất chế biến nông lâm thủy hải sản…

    N. Lê

    Theo Kinh tế & Tiêu dùng