• Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, việc hoàn thiện và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành chậm so với yêu cầu là do chưa có "chưa có tiền lệ".

    Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho hay Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, tương đương hơn 336.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD.

    Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

    Ngày 2/6/2018, Chủ đầu tư dự án - ACV đã ký Hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) với Tư vấn JFV, gồm các công ty tư vấn JAV (của Nhật Bản) - APDi (cộng hòa Pháp) - Nippon Koei (Nhật Bản) - OC Global (Nhật Bản) - ADCC (Việt Nam) - TEDI (Việt Nam) về việc thực hiện gói thầu Tư vấn khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 - Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Đồng thời, tư vấn JFV cũng đã ký hợp đồng thầu phụ đặc biệt với Tư vấn HEERIM của Hàn Quốc (tác giả của phương án kiến trúc “Hoa Sen”) về việc lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách. Theo kế hoạch, đến tháng 7/2019, tư vấn sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.

    Hiện nay, tư vấn đã và đang triển khai một số công việc: Cập nhật nhu cầu giao thông hàng không; thu thập dữ liệu phục vụ phân tích tài chính sơ bộ; thu thập dữ liệu làm cơ sở thiết kế quy hoạch vùng trời; nghiên cứu điều chỉnh mặt bằng kiến trúc nhà ga hành khách, điều chỉnh kích thước đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu tàu bay cho phù hợp với các quy định hàng không mới nhất trên thế giới; thực hiện nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối với CHKQT Long Thành và quy hoạch thiết kế địa thế cho tổng thể công trình.

    Các công việc tiếp theo là lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi kéo dài trong khoảng 1,5 năm, từ tháng 6/2018-7/2019. Sau đó trình, thẩm định báo cáo vào tháng 7/2019-9/2019 trước khi trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 10/2019 và Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt dự án vào tháng 12/2019. Tiến độ thực hiện dự án như hiện nay được đánh giá là "sẽ đáp ứng được yêu cầu theo các Nghị quyết của Quốc hội”.

    Tuy nhiên, dự án giải phóng mặt bằng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành lại có dấu hiệu chậm tiến độ. Theo báo cáo, việc hoàn thiện và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giải phóng mặt bằng chậm so với yêu cầu.

    Nguyên nhân là do chưa có quy định cụ thể của pháp luật và việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giải phóng mặt bằng chưa có tiền lệ. Cho nên, UBND tỉnh Đồng Nai gặp một số khó khăn, lúng túng trong quá trình lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Giải phóng mặt bằng.

    Phần lớn diện tích đất cần bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là diện tích đất vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (khoảng 1.099 ha/1.165 ha cần bàn giao) và khoảng gần 200 hộ dân.

    Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cắm mốc, kiểm đếm sơ bộ tài sản trên phần diện tích này. Đồng thời, tỉnh đã làm việc với Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai để có thể bàn giao toàn bộ diện tích đất vườn cây cao su nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng trong năm 2019.

    Đối với phần diện tích đất của gần 200 hộ dân, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung triển khai giải phóng mặt bằng trước, phấn đấu bàn giao đất vào cuối năm 2019 để Bộ Giao thông vận tải triển khai rà phá bom mìn và các công việc liên quan đến triển khai dự án.

    Chính phủ đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án.

    Anh Hùng Goolge Map https://www.google.com/maps/d/viewer?mid=1CS-1OAE8zKtmqfp60Eknq0sbeQTZnRTs


  •  Việc niêm yết trên sàn chứng khoán mang tới nhiều cơ hội hơn trong việc huy động vốn dài hạn giá rẻ cho các doanh nghiệp địa ốc. Chính vì thế, trong bối cảnh ngân hàng siết cho vay BĐS, xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS đang gia tăng mạnh. 

    Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, giảm từ 45% trong năm 2018. Bên cạnh đó, thông tư 19 cũng tăng hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

    Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang siết mạnh tín dụng cho BĐS. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm nhiều cách khách nhau để có nguồn vốn phát triển các dự án, hạn chế sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Một trong những cách hiệu quả nhất là tìm đến sàn chứng khoán.

    Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh thị trường BĐS đang phát triển ổn định, với các dự án lớn, uy tín, chủ đầu tư  hoàn toàn có thể quy đổi dự án sang cổ phiếu và mang lên sàn để huy động vốn.

    Cụ thể, trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty cổ phần Đầu tư Everland (EVG), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op (SID), Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), Công ty cổ phần Kosy (KOS)…

    Trong 10 tháng đầu năm 2018, làn sóng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS tiếp tục lan mạnh. Hàng loạt tên tuổi lớn như Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), Đạt Phương, Hải Phát, Công ty Cổ phần Địa ốc First Real, CENLand (thuộc CENGroup)…cũng đã chính thức lên sàn.

    Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hàng loạt doanh nghiệp BĐS khác lên sàn như Mbland, Bimgroup, Hưng Thịnh Construction…Trong số các doanh nghiệp lên sàn vào cuối năm, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Landmark Holding. Ngày 12/10 tới doanh nghiệp này sẽ chính thức giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán LMH. Theo đó, tổng lượng cổ phiếu niêm yết là 23,3 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 11.200 đồng/cổ phiếu và biên độ giá dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là +/- 20%.

    Được biết, Landmark Holding tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long, sau hơn 6 năm phát triển, Landmark Holding đã chuyển đổi thành mô hình Holding với định hướng chính là đầu tư vào thị trường bất động sản. Hiện Landmark Holding đang triển khai dự án như Manhattan Tower (21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội, chuẩn bị khởi công dự án số 9 Mạc Đĩnh Chi (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM)…cùng với đó là kế hoạch M&A hàng loạt dự án trên đất vàng Hà Nội, TPHCM.

    Đánh giá về xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp BĐS hiện nay, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM việc tìm kiếm nguồn vốn qua kênh chứng khoán được đánh giá là phương án khả thi. Tại nước ngoài, đây là nguồn vốn rất được các doanh nghiệp quan tâm do có sự ổn định trong dài hạn và có mức độ linh hoạt hơn rất nhiều so với vay vốn ngân hàng. Chưa kể, chi phí từ việc huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán cũng rẻ hơn tương đối.

    "Tại Việt Nam, việc các doanh nghiệp BĐS lên sàn không chỉ là bước tiến dài của doanh nghiệp ngành xây dựng -  BĐS, mà còn cho thấy cánh cửa sáng trong việc gọi vốn phát triển dự án BĐS thông qua thị trường chứng khoán của nhiều doanh nghiệp khác. Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng", ông Châu khẳng định.

    Đồng quan điểm với ông Châu, ông Sử Ngọc Khương, Giám Đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán là một kênh để huy động vốn hiệu quả cho những doanh nghiệp muốn mở rộng và phát triển dự án. Bên cạnh đó, huy động vốn qua việc niêm yết cổ phần cũng là một cách hút vốn từ công chúng, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài một cách nhanh nhất và đang dần trở thành xu hướng của doanh nghiệp.

    "Sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng đầu tư đang ngày một phổ biến hơn trong cơ cấu cổ đông của những doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, khi mà nhà đầu tư tìm đến những doanh nghiệp niêm yết có uy tín để chọn mặt gửi vàng”, ông Khương nhấn mạnh.

    Cũng theo ông Khương, dòng vốn huy động được từ việc niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt là nguồn vốn từ nước ngoài sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và phát triển dự án, giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển bền vững hơn.

    Tuấn Minh Theo InfoNet


  • Mô hình du lịch nghỉ dưỡng tích hợp casino tuy mới xuất hiện nhưng đã mang đến những bước chuyển mình mạnh mẽ cho kinh tế Lăng Cô, trong đó có sự thay đổi về nhu cầu đầu tư và giá trị bất động sản.

     

    Vài thập niên trở lại đây, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp dần phổ biến và trở thành một trong những xu hướng của bất động sản toàn cầu. Dù xuất phát từ châu Mỹ, mô hình này lại lan rộng và phát triển rầm rộ nhất tại châu Á với hàng loạt dự án quy mô lớn, hội tụ đầy đủ các dịch vụ lưu trú, mua sắm, thể thao và sòng bạc nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (all-in-one) của du khách.

     

    Tại Macau, có hơn 70% trong số 41 sòng bạc đang hoạt động được tích hợp với khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang. Chính sự đa dạng dịch vụ này giúp Macau trỗi dậy thành một trong những nền kinh tế mới nổi của châu Á và được Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) dự báo trở thành quốc gia có tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người cao nhất thế giới vào năm 2020.

     

    Đối với những “tân binh” mới tham gia thị trường như Singapore, Malaysia, Philippines thì mô hình khu nghỉ dưỡng tích hợp sòng bạc đã và đang kéo theo những bước chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều phương diện, trong đó có sự thay đổi về nhu cầu đầu tư và giá trị bất động sản. Thống kê của Colliers International, tính đến cuối năm 2017, giá biệt thự tại nhiều khu nghỉ dưỡng tích hợp casino ở Manila (Philippines) tăng đến 30% so với cùng kỳ.

     

    Tại thị trường Việt Nam, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp casino còn khá mới mẻ nhưng cũng sớm được giới đầu tư đặc biệt quan tâm nhờ tiềm năng to lớn. Động thái rõ nét nhất là các tập đoàn bất động sản hàng đầu trong khu vực và trên thế giới đều nuôi tham vọng phát triển các dự án quy mô lớn trải dọc vùng duyên hải có bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Tuy vậy, số dự án nghỉ dưỡng được cấp phép hoạt động casino vô cùng khan hiếm.

     

    Gần đây nhất, dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng quốc tế Laguna Lăng Cô, thuộc quản lý của Tập đoàn Banyan Tree Holdings đã được Chính phủ cấp giấy phép đầu tư và kinh doanh casino. Đây là giấy phép casino đầu tiên được cấp trong mười năm trở lại đây, trở thành chất xúc tác thổi bùng tiềm năng cho tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng này trong tương lai gần. Laguna Lăng Cô tính đến nay là dự án casino thứ tư đang xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu lấy Thừa Thiên Huế - thủ phủ miền Trung làm tâm điểm và vẽ một vòng tròn bán kính 70 km thì đây là dự án nghỉ dưỡng hạng sang duy nhất.

     

    Ngoài hai khách sạn 5 sao Banyan Tree và Angsana, sân golf 18 hố chuẩn quốc tế, chuỗi biệt thự biển Banyan Tree Residences và căn hộ bất động sản cao cấp, Laguna Lăng Cô dự kiến sẽ có hai đến ba khách sạn hạng sang với công suất phòng lớn, các tiện ích hội nghị, thể thao – giải trí không phụ thuộc thời tiết trong giai đoạn phát triển thứ hai của dự án.

     

    Cùng với hàng loạt dịch vụ đẳng cấp khép kín nội khu được vận hành, casino được xem là lực đẩy quan trọng giúp nhà đầu tư yên tâm về công suất cho thuê hay mức sinh lời hằng năm khi sở hữu biệt thự biển Banyan Tree Residences vốn được xây dựng trên sườn đồi với vị thế tựa sơn nghinh thủy hiếm có, cùng việc mô phỏng kiến trúc đặc trưng của thương hiệu Banyan Tree toàn cầu và hoàng gia Huế. Hơn thế nữa,chủ sở hữu biệt thự Banyan Tree Residences còn được tận hưởng những đặc quyền thuộc chương trình kỳ nghỉ trao đổi toàn cầu Sanctuary Club, thẻ thành viên câu lạc bộ golf…

     

    Dịch vụ casino trong khu phức hợp nghỉ dưỡng này hứa hẹn giúp du khách gia tăng sự lựa chọn các mô hình giải trí, là đòn bẩy kích cầu tăng trưởng du lịch đồng thời tạo nên cơ hội lớn gia tăng giá trị bất động sản nhờ dịch vụ khác biệt và khan hiếm. Không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương thông qua việc kích cầu du lịch và đa dạng hóa nguồn thu ngoại tệ, Laguna Lăng Cô còn trở thành điểm nhấn thu hút sự quan tâm của tầng lớp thượng lưu, cải thiện vị thế của bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

     

    Banyan Tree Holdings hiện có 45 khách sạn và khu nghỉ dưỡng và ba sân golf chuẩn quốc tế trên khắp 28 quốc gia. Phân khúc khách hàng mục tiêu của tập đoàn là đối tượng khách hàng cao cấp, đề cao việc tận hưởng cuộc sống gắn liền với thiên nhiên và văn hoá địa phương.

     

    Theo dantri


  •  Sau gần 26 năm hoạt động, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) đã ghi dấu ấn với một loạt dự án nhà ở như Thảo Nguyên Sài Gòn, Phước Long B, Tân Thuận Đông, Kikyo Residence, Fuji Residence... Gần đây, Nam Long gây chú ý nhiều hơn khi tập trung phát triển hệ sinh thái bất động sản hoàn chỉnh tại 3 dự án Mizuki Park, Akari City và Waterpoint.

    Cả ba dự án khu đô thị mà Nam Long đang triển khai đều nhận được sự hợp tác đồng hành của hai đối tác Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp. và Nishi Nippon Railroad. Với kinh nghiệm hơn một trăm năm phát triển bất động sản tại Nhật Bản, ngoài nguồn vốn, hai đối tác này còn ghi dấu ấn đậm nét ở từng dự án hợp tác với Nam Long về mặt quy hoạch cũng như thiết kế, lựa chọn vật liệu xây dựng.

    Hơn hết, sản phẩm của các dự án này không đơn thuần là nhà ở mà còn bao gồm hệ thống tiện ích như trường học, khu y tế, khu vui chơi giải trí, khu thương mại và văn phòng làm việc… Tại đây, mọi nhu cầu hàng ngày của cư dân đều được đáp ứng một cách tốt nhất mà không cần phải ra bên ngoài. Nhờ đó, cư dân vừa tiết kiệm thời gian vừa giảm chi phí đi lại và hình thành một phong cách sống hiện đại hơn.

    Đầu tiên là khu đô thị Mizuki Park có quy mô 26 ha nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (Nam Sài Gòn). Với hàng loạt tiện ích như 17.000m2 kênh đào, hơn 103.000m2 cây xanh, 40.000m2 trường học; 15.000m2 diện tích thương mại - dịch vụ; trung tâm thể dục thể thao; khu vui chơi giải trí,… Mizuki Park mang đến một không gian sống tiện nghi hiện đại nhưng vẫn đảm bảo chan hòa giữa thiên nhiên. Việc ưu tiên nhiều diện tích cho cây xanh và mặt nước cộng với việc được bao quanh bởi rạch Ngang và rạch Lào giúp Mizuki Park trở thành một “đô thị xanh” đúng nghĩa giữa lòng thành phố. Mỗi khi trở về nhà, cư dân như bỏ lại sau lưng những mệt mỏi, ồn ào của phố thị để hít thở trọn vẹn bầu không khí trong lành, xanh mát một màu cỏ cây. Cũng vì thế mà Mizuki Park được kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị “chất Nhật” kiểu mẫu trên thị trường bất động sản TPHCM.

    Với dự án Akari City Nam Long, tọa lạc ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt, cách quận 1 chỉ khoảng 15 phút di chuyển, Nam Long và hai đối tác Nhật lại có một cách tiếp cận khác về quy hoạch không gian sống. Trên diện tích 8,5 ha, Akari City được triển khai theo ý tưởng “thành phố an cư đa tiện ích” với 4.600 căn hộ dòng Flora được cải tiến, nâng cấp và hệ thống tiện ích gồm khu mua sắm, ẩm thực; khu giáo dục; khu y tế; khu công viên cảnh quan, khu vui chơi công cộng…

    Tọa lạc ngay khu vực trung tâm, việc dành nhiều diện tích cho không gian công cộng và tiện ích có thể khiến chủ đầu tư phải hy sinh lợi ích nhưng chất lượng sống của cư dân sẽ được nâng lên xứng đáng. Đặc biệt, ngoài các tiện ích chung như trường học, bệnh viện, công viên hay khu phố mua sắm - ẩm thực sôi động, mỗi block căn hộ Akari City còn có các tiện ích biệt lập khép kín như câu lạc bộ cộng đồng, hồ bơi, sân chơi trẻ em, khu thể dục thể thao, cà phê sân thượng… Rời khu tiện ích chung sôi động bước chân về nhà, ngay trước mắt các chủ nhân sẽ là một không gian riêng tư, bình lặng, nơi người cao tuổi vui sống những khoảng khắc an yên, trẻ con có thể tự do vui đùa cùng chúng bạn mà bố mẹ không phải quan tâm vấn đề an ninh, an toàn.

    Một dự án khác của Nam Long cũng đang được thị trường chú ý là khu đô thị Waterpoint với quy mô 355 ha tại Bến Lức, Long An, cách trung tâm TPHCM chỉ khoảng 30 - 45 phút di chuyển. Được phát triển theo mô hình “township” Nhật Bản, dự án bao gồm các khu nhà phố, biệt thự và chung cư; khu phức hợp văn phòng; khu mua sắm, dịch vụ và giải trí; bệnh viện; khu giáo dục mầm non - tiểu học; trường đại học; bệnh viện; khu phức hợp thể thao…

    Khi hoàn thành, Waterpoint không chỉ là một đô thị đầy đủ chức năng phục vụ cư dân sinh sống trong nội khu mà còn “chia lửa” với TPHCM trong chiến lược phát triển các đô thị vệ tinh để giãn dân. Đặc biệt, điểm nhấn của Waterpoint là tích hợp công viên trung tâm lên đến 21 héc ta kết hợp với hệ thống kênh đào và hệ thống cảnh quan đan xen các khối nhà một cách hài hòa, uyển chuyển. Kết hợp với việc được bao quanh ba mặt bởi sông Vàm Cỏ Đông tạo cho Waterpoint một không gian sống tựa như các khu nghỉ dưỡng sinh thái.

    A.D

    Theo Trí thức trẻ


  • Theo UBND thành phố, 9 tháng qua thành phố đã rà soát bước đầu việc thực hiện Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025. Hiện nay, đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch.

     

     Trong đó, thành phố đã phê duyệt 600 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị với tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (diện tích khoảng 82.624ha), cơ bản phủ kín quy hoạch các khu vực đô thị để làm cơ sở xác định hành lang bảo vệ dọc kênh rạch và là pháp lý quy hoạch thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

     

    Đến nay, có 445 đồ án đang ổn định, không có kế hoạch điều chỉnh, đồng thời có khoảng 20 đồ án đang rà soát, 67 đồ án đang trong quá trình lập và thẩm định và 8 đồ án thành phố đang xem xét phê duyệt.

     

    Công tác lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (quy chế cấp 2), lập thiết kế đô thị riêng tại các khu vực lõi trung tâm, các khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực cảnh quan đặc thù... được quan tâm triển khai, tạo sự đồng bộ với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý công trình kiến trúc trên địa bàn.

     

    Mai Thanh