• Đến đầu tháng 10-2018, Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào tỉnh khoảng 285 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5,2 tỷ USD, xếp thứ 2 trong 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Hiện tỉnh Đồng Nai có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp (DN) Đài Loan khi lựa chọn nơi hợp tác và đầu tư.

    Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, những năm gần đây đầu tư của DN Đài Loan vào tỉnh có ngành nghề khá đa dạng, không còn tập trung vào lĩnh vực xơ sợi dệt, may mặc, giày dép như trước. Công nghệ sản xuất cũng được thay đổi hiện đại hơn.

    * Đầu tư liên tục tăng

    Mỗi năm, đầu tư của DN Đài Loan vào tỉnh đều tăng từ 100-200 triệu USD. Nguồn vốn của Đài Loan đầu tư vào tỉnh chiếm 17% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

    Ông Peter Wu, Chi hội trưởng Chi hội Đài thương tại Đồng Nai cho biết: “Cách đây gần 30 năm, DN Đài Loan bắt đầu đầu tư vào Đồng Nai và phần lớn là thành công. Nhiều DN Đài Loan mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư thêm 2-3 lần so với ban đầu. Gần đây, Đài Loan có chính sách hướng Nam và Việt Nam là nước được nhiều DN xứ Đài lựa chọn. Trong đó, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn vì có khu công nghiệp phát triển, hạ tầng giao thông thuận lợi”. Cũng theo ông Peter Wu, tới đây sẽ có làn sóng DN Đài Loan đến Đồng Nai nhiều hơn vì ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên nhiều DN sẽ dịch chuyển về Việt Nam để hưởng các ưu đãi.

    Theo ông John Chang, Giám đốc tài chính Công ty TNHH kim loại Sheng Bang ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom), công ty thành lập và đi vào hoạt động cách đây 13 năm và thời gian qua liên tục mở rộng đầu tư, tăng công suất để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. “Công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là lĩnh vực Việt Nam đang cần, nhu cầu thị trường nội địa lớn nên còn rất nhiều cơ hội để DN mở rộng đầu tư. Gần đây, các DN Đài Loan trên lĩnh vực này đến Đồng Nai đầu tư tương đối đông, vì đây cũng là mặt hàng tỉnh đang nhập khẩu nhiều từ Đài Loan” - ông John Chang nói.

    Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho hay: “Khoảng 3-4 năm trở lại đây, các DN Đài Loan đến tỉnh đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, máy móc thiết bị khá nhiều. Công nghệ của các DN Đài Loan khá hiện đại đáp ứng yêu cầu của tỉnh”.

    * Thị trường nhập khẩu lớn

    Hiện nay, Đài Loan vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc lớn thứ 3 của Đồng Nai. Theo Sở Công thương, năm 2017 Đồng Nai xuất khẩu vào Đài Loan 330 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 1,6 tỷ USD. Trong 9 tháng của năm 2018 nhập khẩu từ Đài Loan trên 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu trên 300 triệu USD, tăng hơn 10%. Mặt hàng các DN Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ thị trường này là: hóa chất, vải, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu.

    Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Đài Loan đang là thị trường nhập siêu lớn của Đồng Nai với hơn 1 tỷ USD/năm nên trong thời gian tới sẽ có nhiều DN Đài Loan đầu tư vào tỉnh trên những lĩnh vực tỉnh đang thiếu và nhập khẩu nhiều. Đồng Nai cũng đã xúc tiến thương mại cho DN trong nước với DN Đài Loan tại Đồng Nai để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau nhằm giảm nhập khẩu”. Cũng theo ông Dũng, thời gian tới sẽ tăng kết nối cho các DN trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh để bán sản phẩm cho nhau, vì rất nhiều sản phẩm của DN này là đầu vào cho DN kia nhưng lâu nay thiếu sự kết nối tốt giữa đôi bên.

    Ông Vũ Thịnh Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Korea Express Packsimex ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty sản xuất các màng, tấm nhựa xuất khẩu sang các nước. Khi biết nhiều DN tại Đồng Nai cũng như trong nước đang phải nhập khẩu mặt hàng trên với số lượng lớn, công ty đã chú ý hơn đến thị trường nội địa. Qua các đợt xúc tiến thương mại trong nước, hiện công ty đang bán hàng cho nhiều DN Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Đồng Nai”.

    Tương tự, ông Nguyễn Đình Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Chi Ma Sa  (TP.Biên Hòa) cho hay: “Gần đây các DN Đài Loan chú ý tìm nguyên liệu tại Việt Nam hơn nên các DN trong nước có thêm các cơ hội bán hàng. Muốn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho DN Đài Loan phải đáp ứng được 3 yêu cầu quan trọng là: chất lượng cao, giá cạnh tranh và giao hàng nhanh. Đáp ứng được các yêu cầu trên, DN Việt sẽ dễ dàng bán hàng cho các DN FDI khác”.

    Hương Giang


  • Ngày 5-10, Hội đồng thẩm định nông thôn mới tỉnh đã thống nhất bỏ phiếu công nhận 5/5 xã của TP. Biên Hòa và 3 xã: Thanh Sơn, Tà Lài, Phú An của huyện Tân Phú đạt chuẩn nông thôn mới.

    Theo đó, cả TP. Biên Hòa lẫn huyện Tân Phú đến nay đều đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với 100% xã được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, cả hai địa phương vẫn còn một số tồn tại về tiêu chí giao thông, diện mạo nông thôn một số nơi chưa thật xanh, sạch. Riêng TP.Biên Hòa cần có giải pháp về nguy cơ quá tải trường học và tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự do tỷ lệ tăng dân số cơ học nhanh…

    Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 132/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

    Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, với những kết quả đã đạt được, Đồng Nai hiện vẫn là tỉnh đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Định Quán tập trung các giải pháp cho xã Thanh Sơn - địa phương duy nhất còn lại của tỉnh chưa được công nhận nông thôn mới.

    Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thành lập hồ sơ đề nghị xét công nhận TP. Biên Hòa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và công nhận Tân Phú đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018; đồng thời hoàn thành việc xây dựng, ban hành đề án “Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu”.

    Tin, ảnh: Bình Nguyên


  • Không phát triển rầm rộ, không quảng cáo nhiều, nhưng thị trường bất động sản ở những phân khúc được xem là thị trường “ngách” như dự án đất nền nhỏ, nhà phố vẫn phát triển mạnh mẽ, thu hút nhà đầu tư.

    Sôi động thị trường “ngách”

    Công ty cổ phần Bất động sản Nam Việt vừa thông báo bán hết dự án đất nền tại quận Tân Phú, TP.HCM. Đây là dự án quy mô nhỏ, chỉ hơn 20 nền có diện tích trên 50 m2/nền với giá từ 40 triệu đồng/m2 trở lên. Điều đặc biệt, đây là dự án phân lô hiếm hoi tại quận Tân Phú hiện nay.

    Trong khi đó, Công ty cổ phần Bất động sản Thăng Long cho biết, đang phát triển dự án nhà phố, biệt thự tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, mỗi dự án có số sản phẩm khoảng 50 căn nhà phố, biệt thự.

    Với lượng hàng ít ỏi này, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thăng Long tự tin sẽ bán hết trong vòng 1 tháng. Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp của ông triển khai các dự án như thế này và đã gặt hái được thành công.

    Ông Dũng cho biết, đây là hướng đi mà doanh nghiệp ông chọn, đó là hướng tới thị trường “ngách” với những dự án nhỏ, nhưng sản phẩm tốt.

    Hay như mới đây, thị trường bất động sản quận 6, TP.HCM cũng nổi lên dự án nhà phố với hơn 20 sản phẩm xây hoàn thiện tại kênh Tân Hóa. Mỗi căn nhà phố có diện tích từ 45 - 60 m2, giá bán từ hơn 4 tỷ đồng trở lên.

    Dù chủ đầu tư chỉ là một đơn vị vừa thành lập và đây cũng là sản phẩm đầu tiên mà doanh nghiệp này thực hiện, nhưng đã thành công lớn khi toàn bộ 20 căn nhà phố đã được bán hết chỉ trong nửa tháng.

    Theo giới phân tích thị trường, ở bất cứ ngành kinh doanh nào cũng sẽ có những thị trường “ngách” cho các doanh nghiệp nhỏ, ít vốn phát triển. Những sản phẩm của thị trường "ngách" không cạnh tranh trực tiếp với bất cứ sản phẩm nào của các doanh nghiệp lớn.

    Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho biết, thị trường bất động sản "ngách" TP.HCM thực tế sôi động không kém gì thị trường của các dự án lớn.

    Tuy nhiên, khác với những dự án lớn được quảng cáo rầm rộ, với các chiến dịch maketing bài bản và có chiến thuật, thì thị trường "ngách" lại chỉ âm thầm, doanh nghiệp cho nhân viên bán hàng giới thiệu trực tiếp với khách hàng.

    “Điểm đặc biệt nữa ở thị trường "ngách", đó là lượng hàng ít nên rất dễ bán hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp không cần quá nhiều vốn phát triển dự án, cũng không cần có những quỹ đất rộng lớn, chỉ cần diện tích từ khoảng vài ngàn mét vuông là có thể phân lô, hoặc xây nhà phố liền kề bán.

    Thêm một lợi thế nữa của thị trường ngách, đó là thủ tục pháp lý ở các dự án nhỏ lại rất dễ, bởi thường là phân lô tách thửa hộ cá thể với diện tích phù hợp quy định của TP.HCM, trong khi các dự án lớn xin pháp lý là rất khó khăn”, ông Hậu nói.

    Ông Nguyễn Văn Dũng bổ sung thêm, thị trường "ngách" có rất nhiều dòng sản phẩm, như đất nền, nhà phố, biệt thự. Doanh nghiệp sau khi mua được quỹ đất sẽ xem quy hoạch của vị trí quỹ đất đó như thế nào để phát triển sản phẩm đúng với quy hoạch của Thành phố.

    Cách làm cũng khá đơn giản, doanh nghiệp chọn 2 cách, một là bắt tay cùng chủ đất thực hiện dự án rồi bán, hoặc sẽ mua luôn quỹ đất để tự thực hiện. Một điểm khá hấp dẫn ở các dự án nhỏ là có thể tìm được quỹ đất ở các quận trung tâm để triển khai.

    Về phía người mua nhà, ở những dự án nhỏ, pháp lý rõ ràng và ra sổ nhanh nên an tâm hơn so với các dự án lớn. Thêm vào đó, giá bán ở những dự án này lúc nào cũng thấp hơn những dự án có quy mô, không gian, nên lượng hàng mà các dự án “ngách” ra bao nhiêu cũng hết.

    “Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp đang phát triển dự án nhỏ tại TP.HCM. Tuy nhiên, vì nó không sôi động bề nổi như ở thị trường chính, nên ít được quan tâm. Thêm vào đó, quỹ đất hiện nay để triển khai dự án nhỏ vẫn đang khá nhiều, nên cơ hội cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ là rất lớn”, ông Dũng nói.


    Yếu tố tích cực của thị trường bất động sản

    Đánh giá về thị trường “ngách” của bất động sản TP.HCM hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đây là nhân tố rất tốt, giúp thị trường bất động sản đa dạng hơn.

    Theo ông Châu, về cơ bản, trong thời gian qua, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng. Thị trường vẫn chia làm 2 phần cụ thể, đó là phần thị trường nổi là các dự án lớn và thị trường thầm lặng là phân khúc nhỏ lẻ.

    Với phần nổi, phân khúc căn hộ trung cấp và căn hộ bình dân vẫn là phân khúc chủ đạo và phát triển bền vững. Phân khúc bất động sản cao cấp sẽ hội tụ sự khác biệt với nhiều tiện ích, dịch vụ. Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng, thông minh, xanh, thân thiện môi trường, an toàn, trước hết là an toàn phòng cháy chữa cháy được coi trọng.

    Còn đối với thị trường “ngách”, dự báo sẽ sôi động hơn bởi đi vào nhu cầu thực của khách hàng, đặc biệt là tâm lý của khách hàng mua nhanh, ra sổ nhanh. Điều mà các dự án lớn khó làm được.

    “Tuy nhiên, cả hai phần thị trường bất động sản đều phải kỳ vọng vào những nhân tố để có thể phát triển ổn định hơn, như chính sách tín dụng bất động sản, yếu cố cung - vượt cầu, giá bất động sản không đồng nhất, cũng như việc các quy hoạch của TP.HCM hiện chưa ổn định…”, ông Châu nói.

    Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia, công ty nghiên cứu thị trường cũng nhận định, thị trường “ngách” sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cụ thể, theo Savills Việt Nam, phân khúc đất nền, nhà phố ở TP.HCM có diện tích nhỏ đang được khách hàng săn tìm.

    Về giá cả, nhà phố và cả đất nền hoàn toàn cạnh tranh được với căn hộ, vì chỉ đắt hơn một ít, trong khi các tiện ích không thua kém, thậm chí còn hơn hẳn cả căn hộ.

    Một số chủ đầu tư phân khúc này tính toán, hiện ở TP.HCM, giá một căn nhà phố cao hơn giá căn hộ khoảng 1,3 - 1,5 lần, trong khi trước đó đắt hơn khoảng 2,5 - 3 lần. Đây chính là lý do nhiều người chuyển hướng từ phân khúc căn hộ sang nhà phố.

    Giới quan sát thị trường dự báo, trong năm 2018 và các năm tới sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị.

    Với sức cầu lớn, ngoài việc săn tìm quỹ đất ở các quận trung tâm TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng địa bàn sang các khu vực khác để kiếm tìm quỹ đất phát triển dự án. Chính nhờ chiến lược đúng đắn đi từ thị trường “ngách” đã giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn mạnh.

    Gia Huy

    Đầu tư Bất động sản


  • Nền kinh tế khởi sắc, thị trường bất động sản tiếp tục ổn định là động lực giúp các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng vào kết quả kinh doanh lạc quan vào thời điểm cuối năm.

     
    So với bức tranh của giai đoạn 2015 - 2017, có thể nói, diễn biến chung của thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2018 không sôi động bằng.
     
    Sự kém sôi động trên thực tế đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng chú ý là việc thay đổi chính sách và sự cố cháy nổ ở một số dự án chung cư trong tháng 3 và tháng 4 ảnh hưởng tới tâm lý người mua nhà.
     
    Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên thị trường, các yếu tố nền tảng cho thị trường tăng trưởng vẫn đang thể hiện rất tốt. Trong đó, ngoài việc tăng trưởng GDP ở mức ổn định, dự kiến 6,9 - 7,0% trong năm nay (GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,98%), thì lạm phát cũng được kiểm soát rất tốt.
     
    Khối phân tích, Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết, xu hướng lãi suất cho vay bình quân có thể chỉ tăng 0,5 - 1% sẽ là cơ sở tốt cho thị trường, khi chi phí đi vay của các chủ đầu tư và cả khách hàng không tăng mạnh. Điều này sẽ khiến khách hàng trở lại với thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm.
     
    Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau khi cơ quan quản lý tiến hành siết chặt quản lý, giám sát vốn bất động sản từ đầu năm 2017, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết hiện nay cơ bản đã đa dạng hóa nguồn vốn huy động thay vì tín dụng.
     
    Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm cũng đa dạng hơn, mức giá cũng phù hợp hơn với đại đa số người có nhu cầu ở thực.
     
    Kết hợp với việc giới trẻ với xu hướng ngày càng tham vọng, thích thể hiện tính cá nhân và đang ngày một suy nghĩ thoáng hơn về việc vay mượn từ ngân hàng, hoặc bạn bè và gia đình để mua căn nhà đầu tiên là điều kiện giúp các doanh nghiệp kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2018.
     
    Báo cáo tổng hợp 6 tháng đầu năm của các sàn giao dịch bất động sản gửi về Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù có sự trầm lắng hơn nhiều so với những năm trước, nhưng nhìn chung, thị trường bất động sản từ đầu năm 2018 đến nay vẫn phát triển ổn định, không có nhiều biến động bất thường. Trong 2 quý đầu năm, nguồn cung sụt giảm, nhưng lượng giao dịch vẫn khá ổn định.
     
    Cụ thể, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công trong 6 tháng đầu năm, tăng 24,6% so với cùng kỳ. Tại TP HCM có khoảng 9.550 giao dịch thành công, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017.
     
    Đặc biệt, mức giá trong xu hướng tăng nhưng không giật cục với biên độ vừa phải, cùng với diễn biến tăng trưởng lạm phát, lãi suất cũng như mức thu nhập bình quân của người mua nhà.
     
    Chưa có số liệu thống kê quý III/2018, nhưng ghi nhận từ các sàn giao dịch cho thấy, các dự án mở bán trong quý III dù vướng tháng Ngâu, vẫn có tốc độ bán hàng khá tốt.
     
    Điều này có được là nhờ vào việc các doanh nghiệp địa ốc mạnh tay hơn trong việc thực hiện các chương trình khuyến mại, thúc đẩy tâm lý khách hàng sẵn sàng xuống tiền thay vì e ngại như trước.
     
    Theo đánh giá của ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng giám đốc Hải Phát Invest, tính thanh khoản căn hộ bắt đầu tăng tốc cuối quý III sau những tháng trầm lắng, dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
     
    “Cuối năm luôn là thời điểm tốt để chủ đầu tư cạnh tranh mở bán dự án mới. Đó là những dự án tốt, hấp dẫn, khả năng thành công cao… được chủ đầu tư tung ra với mong muốn khép lại 1 năm kinh doanh thuận lợi.
     
    Cuối năm cũng là người có nhu cầu thật về nhà ở tích lũy được dòng tiền rủng rỉnh, nguồn kiều hối đổ vào nhà đất tăng”, ông Thuận chia sẻ.
     
    Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh và Marketing Tập đoàn Nam Long tin tưởng, thị trường căn hộ những tháng cuối năm sẽ tiếp tục sôi động ở phân khúc trung cấp vừa túi tiền, với mức giá trung bình 1,5 - 2 tỷ đồng/căn.
     
    Những yếu tố nền tảng là tỷ lệ dân số trẻ, quá trình đô thị hóa cao, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, nhu cầu sở hữu nhà riêng lớn, nguồn cung hạn chế… đang dẫn dắt nhu cầu nhà ở trong dài hạn của phân khúc này.
     
    Đại diện Dragon Capital, đơn vị đang nắm trong danh mục nhiều cổ phiếu bất động sản cho biết, sự trầm lắng của thị trường căn hộ nửa đầu năm nay chỉ mang tính thời điểm.
     
    Thị trường sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm, cũng là cao điểm của thị trường bất động sản. Trong đó, phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, còn phân khúc nhà ở cao cấp sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ.
     
    Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý, chủ đầu tư dự án đang đứng trước thách thức khi Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng vào bất động sản. Song đây là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư kinh doanh, giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ở các dự án.
     
    Trong quý III, theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết có kết quả kinh doanh tích cực. Chẳng hạn, CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) ước đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 50 tỷ đồng sau 9 tháng, tương ứng với 71% kế hoạch năm.
     
    CTCP Bất động sản Thế kỷ (HOSE: CRE) công bố, quý III/2018 doanh thu thuần ước đạt 265 tỷ đồng, lãi gộp 95 tỷ đồng; biên lãi gộp đạt 35,8%; lãi sau thuế đạt 41,7 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý, CRE ghi nhận doanh thu thuần 856 tỷ đồng và 185,7 tỷ đồng lãi sau thuế.
     
    CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO (HOSE: UIC) công bố, 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 1.870,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 46,4 tỷ đồng; tương ứng thực hiện được 79% và 89% kế hoạch năm.
     
    CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng cho biết, sẽ không có yếu tố đặc biệt, mà quý IV mới là cao điểm hạch toán lợi nhuận. Theo đó, Công ty ước nửa cuối năm sẽ ghi nhận 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ các dự án như Khu khu đô thị mới Phú Lương, khu nhà thấp tầng Trâu Quỳ và khu nhà thấp tầng của Dự án Roman.
     
    Tại buổi gặp gỡ nhà phân tích và nhà đầu tư chiều 26/9, ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng giám đốc HPX cho biết, đến thời điểm này, Hải Phát Invest vẫn hướng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng cả năm và có cơ sở để đạt được. Nửa đầu năm, Công ty đạt 170 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thực hiện 38% kế hoạch năm.
     
    Theo báo cáo của HSC, lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) đạt 250 tỷ đồng trong quý III, giảm 2,5% so với cùng kỳ 2017. Trong quý, DXG sẽ ghi nhận lợi nhuận từ Dự án Lux Garden sau khi đã bắt đầu bàn giao căn hộ cho người mua trong tháng 8. Công ty đã bàn giao khoảng 80% trong tổng số 503 căn của dự án. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của DXG ước đạt 682 tỷ đồng, tăng 48% và tương đương 64% kế hoạch năm.
     
    Linh Trang
     

    Đầu tư Bất động sản


  •  Sau khi tin nhắn rác thuyên giảm, người dùng di động lại đau đầu vì cuộc gọi rác, đặc biệt là cuộc gọi tiếp thị của các đơn vị kinh doanh bất động sản, bảo hiểm.

     
    "Đang nghỉ trưa để lấy sức chiều làm việc mà nhận liên tiếp hai cuộc gọi vô duyên, một cuộc từ đầu số 900 của nhà mạng quảng cáo về dịch vụ nào đó và một cuộc từ số máy lạ tiếp thị bảo hiểm, khó chịu lắm chú ạ", chị L. Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
     
    Kể từ ngày tin nhắn rác giảm bớt, cuộc gọi rác lại trở thành kẻ quấy rối điện thoại của chị Phương cùng nhiều người. Theo chị Phương, mỗi ngày chị nhận khoảng 4-5 cuộc gọi rác dạng này, trong đó có những đơn vị gọi tới nhiều lần dù chị đã từ chối tiếp nhận thông tin tiếp thị ngay từ cuộc gọi đầu tiên.
     
    "Những cuộc gọi đầu tiên mình cũng cố gắng nghe xem có thông tin gì hữu ích, với thấy họ cũng là người làm công ăn lương nên nghe ủng hộ, nhưng càng lúc thì họ gọi càng dày, vô cùng phiền phức", chị Phương bức xúc.
     
    Cũng theo chị Phương, cuộc gọi rác phổ biến nhất đến từ các đơn vị bán bảo hiểm, bất động sản và nhân viên ngân hàng chào mời mở thẻ tín dụng. "Đang họp thì họ mời mua căn hộ, rồi mua bảo hiểm nhân thọ, mà công việc của mình cũng nhiều khi phải nhận cuộc gọi từ số lạ nên không thể phân biệt được đâu là khách hàng, đâu là cuộc gọi rác", chị Phương nói.
     
    Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác lượng cuộc gọi rác và số lượng thuê bao bị ảnh hưởng. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCert) chỉ thống kê lượng tin nhắn rác, cuộc gọi rác không thuộc phạm vi quản lý, tiếp nhận của đơn vị này. Tuy nhiên những trường hợp trở thành nạn nhân của tiếp thị qua điện thoại như chị Phương không phải là hiếm.
     
    Chung cảnh ngộ với chị Phương, chị T. Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay gần đây chị nhận được ngày càng nhiều cuộc gọi tiếp thị, trong đó thậm chí có cả những cuộc gọi tự động.
     
    "Lần nào nhấc máy cũng nghe thấy giọng nói như máy 'xin chào quý khách, đây là cuộc gọi miễn phí từ bất động sản ***** ****, chúng tôi đang mở bán dự án...' rất khó chịu. Dù đã gác máy họ lại gọi lại thêm 1-2 lần trong ngày mà lại không phải người thật ở đầu dây bên kia nên muốn mắng cũng không được", chị Hạnh chia sẻ.
     
    "Mình không hiểu làm thế nào mà họ có được số điện thoại của mình. Nhiều đồng nghiệp tại công ty cũng nhận vài cuộc một ngày", theo chị Hạnh.
     
    Đại diện các nhà mạng chia sẻ, việc chặn trước cuộc gọi rác là rất khó thực hiện vì không dễ để phân biệt cuộc gọi rác như với tin nhắn rác. Hiện các nhà mạng vẫn luôn thu thập phản ánh từ người dùng để xử lý từng đầu số có dấu hiệu thực hiện nhiều cuộc gọi rác.
     
    Chia sẻ với Zing, luật sư Phạm Duy Khương từ công ty luật SBLaw cho hay nếu một số điện thoại quấy rối khách hàng từ 2 lần trở lên, các đơn vị tiếp thị qua điện thoại đã vi phạm Điều 10.2 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó nếu người dùng cho rằng việc bị tiếp thị ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của mình thì có thể khởi kiện được.
     
    Tuy nhiên theo luật sư Khương, một điều khó đó là các đơn vị tiếp thị có thể sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi khách hàng. Vì vậy, cần phải xác định liệu các thuê bao khác nhau này có cùng thuộc về một cá nhân nào không. Trách nhiệm của bên chủ của mặt hàng bán là phải xây dựng cơ sở hạ tậng để tránh gọi cho cùng một người trên 2 lần.
     
    Luật sư cũng cho rằng "điều đáng quan tâm và hệ trọng hơn nhiều khi thông tin cá nhân là một tài sản của chúng ta nhưng lại bị mua bán trái phép. Điều đó đòi hỏi các bên phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ thông tin cá nhân".
     
    "Nếu xét theo Luật An ninh mạng vừa được thông qua, hành vi mua bán bí mật cá nhân của người khác mà gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân thì sẽ bị coi là vi phạm luật theo Điều 17.1.a 'Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân'", luật sư Khương nhận định.
     

    Ngô Minh (Zing)