•  Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội vừa công bố danh sách 92 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai. 

    Cụ thể, theo thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội tính đến ngày 23/8/2018 có 92 dự án do chủ đầu tư đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội. 

    Nhiều chủ đầu tư tên tuổi bị nhắc tên trong danh sách này có thể kể đến như Công ty cổ phần Hải Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty CP đầu tư và Thương mại Thủ đô, Gamuda Land Việt Nam, MBLand...

    Cụ thể, Công ty cổ phần Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất (đất xây dựng nhà ở thấp tầng: Thửa BT+LK1+LK2+LK3) và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (gồm 59 căn nhà ở thấp tầng), thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Công trình hỗn hợp cao tầng tại Dự án đầu tư xây dựng Tổng hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Hải Phát cũng đang thế chấp tài sản với đất hình thành trong tương lai tại Phú Lãm, quận Hà Đông.

    Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đang thế chấp Dự án khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn SOLEIL cũng vừa thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai một phần dự án tại số 2 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Ngoài ra Tân Hoàng Minh cũng đang thế chấp 139 căn hộ tại dự án chung cư CT1 Hoàng Cầu.

    Ngoài ra, công ty CP Địa ốc MB thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai Lô 1 .A.IV thuộc quỹ đất xây dựng công trình công cộng hỗn hợp KĐTM Mỹ Đình 1 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).

    Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất TT14 đến TT20, TT23, TT26, TT41, TT42, CC4, CC6 dự án KDDTM C2 phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai.

    Đáng chú ý, Công ty CP Công Đà 1.01 và Công ty CP Ecoland còn thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam).

    Riêng Công ty CP và thương mại Thủ Đô thế chấp dự án xây dựng khu nhà ở CT1 Phúc Lợi (Ecohome Phúc Lợi), quận Long Biên. Tài sản thế chấp tại dự án này đến ngày 7/7/2018 còn lại 87/680 căn hộ.

    Tương tự dự án Pandora, số 53, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân - tác phẩm đầu tay của Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình cũng đang trong tình trạng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora.

    Theo Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội, danh sách 92 dự án này sẽ còn được tiếp tục cập nhật trong thời gian tới.

    Lan Nhi

    Theo Trí thức trẻ


  • Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030. Trong đó, hạng mục được ưu tiên nhất là việc xây dựng nhà ga mới T3 ở phía Nam để giảm tải cho sân bay này.

     

     Cụ thể, đối với các công trình khu vực phía Nam, ưu tiên đầu tư ngay nhà ga hành khách T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông. Tiếp tục mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ và các công trình phụ trợ theo quy hoạch trên cơ sở nhu cầu phát triển và tiến độ đất được bàn giao.

     

    Đối với hạng mục nhà ga, sử dụng hệ thống nhà ga hành khách T1 và T2 hiện hữu. Đồng thời cải tạo, mở rộng công suất đạt khoảng 30 triệu khách/năm. Quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam với đáp ứng công suất 20 triệu khách/năm để nâng công suất của toàn cảng đạt 50 triệu khách/năm.

     

    Nhà ga hàng hóa, khu xử lý logistic, sử dụng hệ thống nhà ga hàng hóa hiện hữu và bổ sung thêm nhà ga hàng hóa, khu hàng hóa và khu xử lý logistic hàng không khu vực phía Bắc trên diện tích hơn 20 ha, trong đó xây dựng nhà ga hàng hóa với công suất khoảng 370.000 tấn hàng hóa/năm, nâng tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.

     

    Tại khu phía Bắc, ưu tiên triển khai đầu tư ngay hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng bàn giao để chống ngập úng; triển khai kêu gọi xã hội hoá đầu tư, các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật để đầu tư các công trình dịch vụ kỹ thuật hàng không theo quy hoạch.

     

    Với các công trình khu bay, ưu tiên triển khai đầu tư, nâng cấp các công trình đường hạ cất cánh (CHC), đường lăn song song, đường lăn nối và các công trình phụ trợ để nâng cao năng lực. Triển khai đầu tư đường lăn song song phía Bắc và các đường lăn nối vào đường lăn song song phía Bắc phù hợp với nhu cầu khai thác của các công trình dịch vụ kỹ thuật hàng không khu vực phía Bắc.

     

    Hệ thống đường trục ra vào cảng sẽ được triển khai ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với quy hoạch giao thông của TPHCM.

     

    Quy hoạch cũng bổ sung 3 đường lăn song song bao gồm 1 đường lăn song song giữa hai đường CHC và hai đường CHC hiện hữu khoảng 182,5m; 1 đường lăn song song phía Nam của đường CHC 25L/07L và đường CHC 25L/07R 182,5m, cách đường lăn song song hiện hữu 117m; 1 đường lăn song song phía Bắc của đường CHC 25R/07L và cách đường CHC 25R/07L 182,5m.

     

    Cùng với việc bổ sung 5 đường lăn thoát nhanh cho đường CHC 25R/07L, quy hoạch cũng bổ sung các đường lăn nối từ đường CHC vào đường lăn song song và từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay khu vực phía Nam và phía Bắc. Bổ sung đường lăn vòng cho máy bay code C tại đầu 07R đường CHC 25L/07R để nối vào đường lăn song song mới.

     

    Sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam được bổ sung, đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106. Quy hoạch sân đỗ máy bay trước hangar, nhà ga hàng hóa, khu dịch vụ hàng không khu vực phía Bắc đáp ứng nhu cầu khai thác.

     

    CHK Tân Sơn Nhất được quy hoạch theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E (tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quận sự cấp I. Tính chất sử dụng chung dân dụng và quân sự với 160 vị trí đỗ. Sản lượng vận chuyển đạt 50 triệu khách/năm. Các loại máy bay khai thác là A320/321, B747, B777/B787, A350 và tương đương. Giữ nguyên hệ thống đường CHC 25R/07L kích thước 3.050mx45m; giữ nguyên đường CHC 25L/07R kích thước 3.800mx45m.

     

    Trước đó, tại cuộc họp các dự án trọng điểm của ngành giao thông hồi tháng 8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ngành liên quan công bố quy hoạch này; sau đó là khẩn trương xây dựng nhà ga T3 để giảm quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

     

    Quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang được Tư vấn trong nước hoàn thiện trên cơ sở phương án do tư vấn Pháp (ADPi) lập và đã được Thủ tướng thông qua. Tại khu vực phía Nam, Tư vấn đề nghị điều chỉnh quy mô nhà ga T3, chỉ xây dựng trên diện tích 120.000 m2 thay vì 200.000 m2 như phương án của ADPi song vẫn đảm bảo năng lực khai thác 20 triệu khách mỗi năm.

     

    Về tổng thể, tại khu phía Bắc, quy hoạch cơ bản bám theo nội dung quy hoạch của ADPi trên khu vực sân golf, có điều chỉnh lại một số diện tích đất quốc phòng; quy hoạch lại sân đỗ theo hướng tuyến tính để tiết kiệm diện tích đất mà không giảm số vị trí đỗ so với phương án của ADPi, đồng thời giữ phương án đầu tư đường lăn như của tư vấn Pháp.

     

    Tư vấn trong nước dự kiến chi phí triển khai quy hoạch trên khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó xây dựng nhà ga T3 là hơn 7.600 tỷ, sân đường máy bay hơn 5.200 tỷ, nhà ga hàng hoá hơn 3.000 tỷ, còn lại là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm; tổng chi phí thấp hơn phương án của ADPi.

     

    Tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương mở rộng CHK Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty tư vấn ADPi. Theo đó, nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía Nam (cùng phía nhà ga hiện hữu); một số công trình phụ trợ sẽ được xây dựng ở phía Bắc.

     

    Phan Trang


  • Tỉnh Phú Yên vừa thông qua hệ thống báo điện tử của Báo Đầu tư tổ chức đối thoại trực tuyến với các nhà đầu tư để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và các lĩnh vực mà địa phương này đang tập trung thu hút vốn.

     

    Đây không phải là một điều lạ đến mức gây sốc, nhưng lại cho thấy một Phú Yên đang đổi mới, khát vọng vươn lên.

     

    Và như lời ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, thì quan trọng hơn, chương trình này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư, đánh dấu một cách làm mới, một hướng đi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, trong cách tiếp cận thông tin đầu tư địa phương.

     

    Một chương trình xúc tiến dựa trên công nghệ số, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhưng vẫn đáp ứng tốt mục tiêu, nhu cầu cho cả địa phương lẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp.

     

    Trong chia sẻ cách đây ít lâu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (VICEM) có nói rằng: “Nếu doanh nghiệp, địa phương nào có ý tưởng mới, cách kinh doanh mới, thì sẽ nhìn thấy cơ hội đầu tư, hút vốn đầu tư. Quan trọng là cần có sự thay đổi, chuyển động từ trong nội tại".

     

    Điều này dường như đang đúng với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và không ít địa phương.

     

    Các thị trường bất động sản “truyền thống” vẫn còn đó những cơ hội, nhưng dư địa tăng trưởng đột biến là không nhiều, bởi hầu hết những lô đất đẹp đã được triển khai dự án hoặc đã có chủ. Đồng thời, trải qua nhiều năm tháng “miệt mài” tăng giá, dư địa để tiền của nhà đầu tư “đẻ ra tiền” không còn lớn.

     

    Trong khi đó, nhiều vùng đất mới, nhiều phân khúc tiềm năng khác đang được nhìn nhận, đánh thức bằng những dự án cụ thể.

     

    Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng, tìm đến bất động sản tỉnh lẻ. Một cách tự nhiên, dòng vốn cũng dịch chuyển về những thị trường đầy tiềm năng này. Người ta đang nói nhiều đến dòng tiền thông minh, gắn với các dự án có triển vọng hoặc hiệu suất sinh lời cao.

     

    Vĩnh Phúc, Lao Cai, Thanh Hóa, Long An, Quảng Bình, Phú Yên, Đồng Nai…, hay thậm chí xa xôi hơn là Kon Tum, Đắk Lắk... hiện đang là những điểm đến mới.

     

    Đồng Nai đang đồn nhiều ưu đãi chính sách cho các nhà đầu tư ở Cụm công nghiệp Phú Thanh. Long An đang thu hút nhiều đại gia địa ốc tìm đến ngay sau khi có Quyết định điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (mở rộng kết nối kinh tế TP.HCM với 7 tỉnh lân cận).

     

    Tương tự như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang dần định hình thành một thị trường bất động sản tiềm năng nhờ tính liên kết cao với thị trường lớn nhất nước là TP.HCM, dòng tiền nóng đang liên tục đổ về đây.

     

    Ở miền Trung, Quảng Bình, Quảng Nam… mới đây cũng vụt sáng, trở thành thỏi nam châm thu hút hàng loạt dự án bất động sản lớn, có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng…

     

    Xin quay lại câu chuyện của Phú Yên. Ngay trong buổi đối thoại trực tuyến, có không ít nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm tha thiết đến việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Không ít câu hỏi về định hướng phát triển, quy hoạch đô thị.

     

    Thậm chí, chị thùy Dương, một nhà đầu tư từ TP.HCM còn mong muốn thuê dài hạn cả một hòn đảo quy mô tối thiểu trên 3 ha để đổ vốn đầu tư.

     

    “Đất lành, chim đậu”, việc các địa phương bằng cách này, cách khác đang trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, cùng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đang tạo nên những hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản tỉnh lẻ.

     

    Và rất có thể, trong tương lai gần sẽ có cuộc "soán ngôi" đầy kịch tính giữa các thị trường mới nổi, nhất là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Trong cuộc đua đó, “vùng đất” nào tốt lành, hẳn sẽ có nhiều đàn chim lớn về làm tổ.

     

    Thành Nguyễn


  • Nhiều dự án bất động sản xung quanh khu vực AEON Mall trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã, đang và sẽ còn được hưởng rất nhiều lợi ích từ sức hút cũng như sự tác động không nhỏ của chuỗi Trung tâm thương mại này.

     

    AEON Mall và cuộc kích cầu bất động sản

     

    Không chỉ tạo ra sự ảnh hưởng khi đầu tư, tại những khu vực mà trung tâm mua sắm AEON Mall hiện hữu đều tạo nên sức hút, sự phát triển của bất động sản cũng như đời sống của người dân vùng lân cận.

     

    AEON Mall là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ Nhật Bản lớn nhất thế giới, bao gồm trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí… Tại Việt Nam, tập đoàn này đã có mặt ở nhiều tỉnh thành lớn như AEON Mall Celadon Tân Phú (TP. HCM), AEON Mall Canary (Bình Dương) và AEON Mall Long Biên (Hà Nội).

     

    Theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá trị bất động sản khu vực lân cận AEON Mall có mức tăng giá theo từng địa điểm khác nhau.

     

    Tại Hà Nội, với việc khai trương trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên từ cuối năm 2015 đã thúc đẩy giá thuê và nâng giá bán của các dự án bất động sản gần đó tăng cao.

     

    Thời gian vừa qua, ngay sau khi AEON Mall Hà Đông khởi công xây dựng đại siêu thị với quy mô khoảng 9,5 ha và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2019 đã tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản khu vực này.

     

    Có thể thấy rõ, hiện tại 2 quận Hà Đông, Nam Từ Liêm đều có tốc độ đô thị hóa cao với thu nhập và mức sống người dân tăng nhanh - Nơi đây quy tụ hàng loạt dự án dân cư, khu đô thị, tòa nhà chung cư ... quy mô và đồng bộ.

     

    Vì vậy, AEON Mall Hà Đông được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt toàn bộ khu vực, tác động tích cực đến mức sống và nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm của người dân khi được đi vào hoạt động vào năm 2019.

     

    Đây sẽ là điểm trung chuyển giữa khu vực Tây Nam Hà Nội với các quận trung tâm, kết nối với hệ thống đường vành đai mở rộng, tuyến xe buýt BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) và BRT 02 (Hòa Lạc - Kim Mã), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ...

     

    Dự án sẽ góp phần bớt áp lực giao thông và dân số cho các quận nội thành trung tâm, người dân tại các quận huyện lân cận như Hoài Đức, Thanh Xuân, Thanh Trì .., giúp mọi người dễ dàng di chuyển vào khu vực trung tâm.

     

    An Khang Villa hưởng trọn lợi ích từ AEON Mall Hà Đông

     

    Với lợi thế chỉ cách AEON Mall gần 500m, An Khang Villa đang được hưởng trọn tiện ích sống của trung tâm thương mại này trong tương lai gần.

     

    Cơ hội trải nghiệm không gian mua sắm hiện đại dành cho cư dân An Khang Villa chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Với các sản phẩm, phong cách phục vụ tiêu chuẩn Nhật chất lượng cao, cư dân có thể thỏa sức khám phá những thương hiệu ẩm thực nổi tiếng đến từ đất nước mặt trời mọc. Đồng thời, cư dân cũng có thêm lựa chọn nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần tại tổ hợp rạp chiếu phim hiện đại nhất cả nước.

     

    Tọa lạc trong khu đô thị Dương Nội, An Khang Villa được thụ hưởng hệ thống hạ tầng hiện đại của khu vực phía Tây Thủ đô cũng như toàn bộ tiện ích đồng bộ của tổng khu như: hệ thống các trường học công lập liên cấp, các trường quốc tế chất lượng cao, bệnh viện quốc tế Nam Cường, các quảng trường và khu vui chơi giải trí như bể bơi 4 mùa, quần thể sân tập thể thao ngoài trời…

     

    An Khang Villa có hai đến ba mặt tiền tùy từng vị trí với tuyến đường trước rộng 11,5m và tuyến đường sau rộng 7m vừa đảm bảo thuận tiện khi tham gia giao thông vừa đảm bảo được sự riêng tư cho gia chủ.

     

    Từ An Khang Villa chỉ mất 3 phút đi bộ để đến bến xe buýt nhanh BRT, 3 phút đến Trung tâm thương mại AEON Mall hay 10 phút đi xe tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia do tiếp giáp tuyến đường Ngô Thì Nhậm và Lê Quang Đạo rộng 40m. Bởi vậy, An Khang Villa luôn được đánh giá là phân khu đẹp nhất trong Khu đô thị Dương Nội.

     

    Nằm trong chương trình ưu đãi của Tập đoàn Nam Cường, khách hàng mua căn hộ tại An Khang Villa tại thời điểm này sẽ có nhiều chính sách ưu đãi như: Tặng tiền mặt đến 1 tỷ đồng ngay tại thời điểm ký hợp đồng. Nếu khách hàng thanh toán sớm sẽ nhận ngay chiết khấu 8% cho số ngày và số tiền thanh toán trước hạn (trừ trực tiếp vào thời điểm mua bán).


  • Nằm cạnh TP Hồ Chí Minh (TP.HCM), Đồng Nai được biết đến là tỉnh trung tâm của tam giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, có dân số đông nhất miền Nam (chỉ sau TP.HCM) và là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nổi tiếng. Ngoài ra, Đồng Nai còn có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, QL1A, QL20, QL51, tuyến đường sắt Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành.

    Sở hữu nhiều lợi thế

    Được ví như trung tâm của khu vực miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai có các lợi thế đặc biệt về giao thông khi giáp TP.HCM qua các quận 2, 9, Thủ Đức, giáp 2 tỉnh lớn của cả nước là Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàucũng như giáp các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng.

    Kết nối với TP.HCM bằng tuyến QL1A, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cũng như các tuyến đường tỉnh lộ. Sắp tới đây còn được kết nối với TP.HCM bằng những cây cầu như cầu quận 9 vượt sông Đồng Nai nối QL51, hương lộ 2 với đường Lê Văn Việt – quận 9 vào đường vành đai 3, hay cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với khu vực quận 2 (thay cho phà Cát Lái).

    Thời gian qua, việc mở rộng xa lộ Hà Nội, xây mới đường song hành 2 bên của TP.HCM và kéo dài tuyến metro số 1 tới TP Biên Hòa cũng thuận tiện cho việc di chuyển từ TP.HCM tới Biên Hoà hay các tỉnh miền Trung, miền Bắc qua hướng này và ngược lại.

    Tại khu vực Long Thành – Biên Hòa mở rộng còn được Đồng Nai quy hoạch trung tâm hành chính của tỉnh. Khu vực này được ví như trung tâm của các hệ thống đường giao thông khi có sự giao tiếp của hàng loạt các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, QL51 và trong tương lai còn có tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu được kết nối vào tuyến đường sắt Bắc Nam.

    Từ khu vực này có thể di chuyển để đến khu vực miền Trung hay các thành phố nổi tiếng Nha Trang, Bình Thuận và khu vực phía Bắc cũng qua tuyến QL1A, đặc biệt sắp tới có thể kết nối bằng tuyến cao tốc Bình Thuận khi tuyến này hoàn thành được kết nối vào tuyến cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây. Bên cạnh đó, khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thiện sẽ giúp kết nối Long Thành ngược về khu vực miền Tây chỉ mất 30 phút.

    Cũng từ khu vực Biên Hòa mở rộng, với việc mở rộng QL51, tuyến Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ giúp thông suốt lộ trình từ sân bay Long Thành tới thành phố biển Vũng Tàu.

    Đến nay, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh tiến độ cho sân bay quốc tế Long Thành, theo tính toán, sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Dự kiến sau năm 2035, tổng công suất đạt 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, dự kiến chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.

    Tạo đà phát triển

    Song song với lợi thế về giao thông, Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp lớn tập trung hàng ngàn doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam như Biên Hòa 1, 2, Amata, An Phước, Nhơn Trạch 1, 2, 3, 4, 5, 6, Long Thành, Định Quán, Gò Dầu… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch 44 cảng trên 4 hệ thống sông lớn. Cụ thể, trên sông Đồng Nai được quy hoạch 9 cảng, bao gồm 6 cảng tổng hợp và 3 cảng chuyên dùng. Sông Nhà Bè cũng có 9 cảng bao gồm 3 cảng tổng hợp và 6 cảng chuyên dùng. Sông Lòng Tàu có 18 cảng, gồm 4 cảng tổng hợp, 1 cảng chuyên dùng, 1 trung tâm dịch vụ hàng hải và 12 cảng nằm trong khu vực Khu công nghiệp Ông Kèo. Hệ thống cảng trên sông Thị Vải gồm 5 cảng tổng hợp và 3 cảng chuyên dùng.

    Đồng Nai còn được biết đến là địa phương có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên với những núi sót rải rác. Với địa hình tương đối bằng phẳng, Đồng Nai có quỹ đất phong phú và phì nhiêu. Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động, thực vật phong phú đa dạng, tiêu biểu là vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Ngoài ra, địa phương còn được biết đến có các khu vực nông nghiệp rất lớn cung cấp 1 lượng lớn trái cây, rau xanh cho các khu vực lân cận.

    Do nằm trong top đầu 5 tỉnh, thành trên cả nước về phát triển kinh tế nên chỉ cần kinh tế Đồng Nai tăng trưởng nhẹ cũng tác động tích cực rất lớn đến phát triển chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm 8% tổng kim ngạch của cả nước, thu ngân sách gấp nhiều lần các tỉnh khác.

    Việc Chính phủ thông qua Khu kinh tế trọng điểm phía Nam (SKEZ) năm 1998, bao gồm TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Sau hơn 15 năm, SKEZ đã đạt được những thành tựu đáng kể về mọi mặt. Đặc biệt, Đồng Nai đã nổi lên như một điểm sáng.

    Đồng Nai đã xây dựng và phát triển tổng cộng 63 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, công nghiệp cơ khí – luyện kim, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, điện tử và viễn thông.

    Chính vì những thuận lợi đó, thời gian qua, tại các khu vực như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành – Biên Hòa mở rộng, thị trường bất động sản những khu vực này luôn tạo những cơn “nóng sốt” hấp dẫn đặc biệt giới đầu tư cũng như các khách hàng có tầm nhìn xa. Khu vực này có lợi thế nhiều về mặt giao thông, về vị trí địa lý. Do nằm “sát nách” TP.HCM nên việc hình thành các khu đô thị cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. Do đó, hàng loạt dự án bất động sản của nhiều thương hiệu nổi tiếng “trong làng” bất động sản như Hưng Thịnh, DIC, LDG, Vinacapital, Phúc Khang, Kim Oanh… được quy hoạch rất bài bản trong thời gian qua đã làm thay đổi rõ bộ mặt đô thị tạo nên những cú hích phát triển kinh tế.

    Thời gian ngắn tới đây, khi mà hàng loạt các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai kết nối TP.HCM qua các ngõ quận 9, quận 2 được hình thành, sân bay Long Thành cũng được đưa vào sử dụng thì khu vực Long Thành – Biên Hoà mở rộng sẽ được tiếp sức sẽ trở thành một đại đô thị và sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

    Mạnh Cường





    Follow this section's article RSS flux